Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguy cơ mất trắng nguồn cá ở Biển Đông

Hiện nay, nguồn cá ở Biển Đông đã suy giảm đến mức không thể khôi phục trạng thái ban đầu

Nếu không hành động ngay lập tức, chúng ta sẽ mất trắng nguồn lợi hải sản ở Biển Đông. Nhưng những vấn đề như tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đang cản trở các nước tiếp giáp hợp tác quản lý tình trạng đánh bắt hải sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Đó là các ý kiến được đưa ra tại Đối thoại biển lần thứ hai về hợp tác nghề cá tại Biển Đông do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) của Đức và Đại sứ quán Australia tại Hà Nội tổ chức ngày 15/3.

Phát biểu tại Đối thoại, TS Lê Hải Bình, Phó giám đốc DAV, nói rằng, quản lý nghề cá đang là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất ở Biển Đông vì đây là khu vực có sự xung đột lợi ích giữa nhiều quốc gia. Các quốc gia tiếp giáp với Biển Đông cũng là những nước có sản lượng đánh bắt cá lớn nhất trên thế giới.

Vấn đề khai thác quá mức, khai thác bất hợp pháp và sử dụng phương pháp đánh bắt mang tính chất hủy diệt, vượt quá khả năng chịu đựng của môi trường biển hiện nay đã dẫn đến sự suy giảm đáng báo động về nguồn cá ở khu vực. Các nghiên cứu cho thấy, trữ lượng cá ở Biển Đông hiện nay chỉ tương đương 5% nguồn cá ở khu vực của năm 1990.

Với các quốc gia liên quan, đây không chỉ là câu chuyện kinh tế mà còn là vấn đề ổn định chính trị, xã hội, sinh tồn của hàng trăm triệu con người sống dựa vào biển. Thêm vào đó, cá ở Biển Đông liên hệ chặt chẽ với các quyền hợp pháp, nguồn lợi trên biển của các quốc gia trong khu vực, cũng như việc thực thi các công ước quốc tế như UNCLOS 1982. Các quốc gia quanh Biển Đông phải có trách nhiệm bảo vệ các hệ sinh thái biển và môi trường trong khu vực, ông Bình nói.

PGS. TS Vũ Thanh Ca (Tổng cục Biển và hải đảo) chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn hải sản ở Biển Đông sắp cạn kiệt, trong đó có việc đánh bắt quá mức, gây hủy diệt các rạn san hô.

Một số nghiên cứu đánh giá việc Trung Quốc cải tạo đảo, xây dựng đảo nhân tạo ở một khu vực rộng lớn ngay trung tâm khu vực Biển Đông tác động nghiêm trọng lên các rạn san hô, gây thiệt hại khoảng 5 tỷ USD. Trên thực tế, những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông chưa được giải quyết hiện nay cản trở các nước khu vực hợp tác với nhau để cùng quản lý hoạt động đánh bắt hải sản hiệu quả.

TS Hà Anh Tuấn (Viện Biển Đông thuộc DAV) nói rằng hiện nay, định nghĩa về IUU còn chưa rõ ràng. Các tàu có thể đi vào vùng biển mà nước này tuyên bố có chủ quyền và quyền chủ quyền, nhưng nước khác lại cho rằng đó là vùng biển của họ nên không phải thông báo với nước khác.

Đây là lý do lớn cản trở quản lý IUU trong khu vực. Vừa qua có nhiều thỏa thuận, sáng kiến thúc đẩy quản lý IUU nhưng chưa có sáng kiến nào được triển khai hiệu quả trong khu vực bởi vì các vùng chồng lấn chưa được xác định rõ.

https://www.tienphong.vn/the-gioi/nguy-co-mat-trang-nguon-ca-o-bien-dong-1250802.tpo

Theo Trúc Quỳnh/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm