Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguy cơ mất hơn 400 triệu đồng thuế vì… sai chính tả

Doanh nghiệp chấp nhận lỗ hơn 1 tỷ đồng, tạm ngừng hoạt động để làm lại giấy tờ với hy vọng được miễn thuế.

Tháng 9/2015, Công ty TNHH MTV Vinaforest (gọi tắt là Công ty Vinaforest) ở huyện Bình Chánh, TP HCM nhập một lô bò thuần chủng gồm 376 con bò cái giống Brahman của Công ty TNHH Gia súc Bắc Úc (Úc) cập cảng Gò Dầu (Đồng Nai).

Tại cảng này, công ty đã hoàn tất hồ sơ liên quan đến đàn bò giống nhập khẩu, giấy tờ chứng minh đây là đàn bò giống thuần chủng được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%. Sau khi kiểm tra, Chi cục Hải quan Long Thành (Đồng Nai) cho thông quan lô bò này.

Sai tên giống, sai lỗi chính tả

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Công ty Vinaforest, cho biết hai tháng sau công ty bất ngờ nhận được thông báo hồ sơ xác nhận bò giống thuần chủng không hợp lệ. Do đó công ty phải chịu mức thuế 5%, tương ứng với số tiền phải nộp là hơn 432 triệu đồng, thay vì được miễn thuế.

Lý giải về điều này, Chi cục Hải quan Long Thành cho hay sau khi tiếp nhận tờ khai của Công ty Vinaforest, Chi cục đã gửi mẫu lý lịch giống bò Brahman của Úc do công ty cung cấp cho các cơ quan chức năng kiểm tra xem có đầy đủ thông tin hay không rồi mới áp thuế. Căn cứ vào ý kiến của Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT cho thấy nội dung giấy xác nhận lý lịch cá thể bò giống (bản bằng tiếng Anh) của công ty cung cấp còn thiếu một số thông tin như tính biệt, màu sắc, số hiệu đàn bò. Ngoài ra trong mẫu chứng nhận ghi sai tên giống bò Brahman, ngôn ngữ tiếng Anh viết sai lỗi chính tả. Vì vậy, giấy xác nhận lý lịch cá thể giống của công ty không đủ xác định được cá thể bò là bò thuần chủng để nhân giống. Do đó công ty phải chịu mức thuế như trên.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Công ty Vinaforest, giải thích lỗi ghi sai tên giống, sai chính tả có thể do sơ suất ở khâu đánh máy của phía Hiệp hội Giống bò Brahman Úc, vì trong hợp đồng ghi rõ hàng nhập khẩu là bò giống Brahman nên công ty tin tưởng. Còn giấy chứng nhận lý lịch giống là thẩm quyền của hiệp hội giống bò của nước xuất khẩu cấp và chịu trách nhiệm về chất lượng con giống. “Nếu trong giấy chứng nhận không có đủ những thông tin chi tiết thì không phải lỗi của công ty” - ông Lâm khẳng định.

Để chứng minh, ông Lâm đưa ra một loạt giấy tờ cho thấy lô bò công ty nhập về là bò giống thuần chủng. Thứ nhất: Công ty xin giấy phép nhập khẩu số 6752/2015 do Cục Thú y cấp với mục đích sử dụng làm con giống. Thứ hai, theo hợp đồng ký giữa công ty với Công ty Gia súc Bắc Úc, nội dung là mua bán bò giống. Thứ ba là trong giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nhập khẩu số 00063/2015 thì Cơ quan Thú y vùng VI xác nhận đầy đủ là bò làm giống.

“Căn cứ vào những giấy tờ trên thì không có lý do gì gọi là con giống không thuần chủng để áp thuế nhập khẩu 5%” - ông Lâm lập luận.

nguy co mat tien thue vi sai chinh ta anh 1

Giống bò Brahman có thể lực tốt, thích nghi cao với điều kiện nhiệt đới.

Thiệt hại hàng tỷ đồng

Đại diện Công ty Vinaforest cho hay công ty có kinh nghiệm trong chăn nuôi, mua bán giống bò trên 10 năm nên không thể có chuyện nhầm lẫn giữa bò giống thuần chủng và bò thịt. “Mặt khác, một số công ty khác mà chúng tôi biết cũng đã nhập khẩu lô bò như công ty thì lại được miễn thuế” - đại diện công ty nói.

Cũng theo Công ty Vinaforest, mỗi con bò cái giống thuần chủng nhập về có giá 1.025 USD/con (tương ứng 22 triệu đồng), cao hơn giá bò thịt (khoảng 18 triệu đồng). Tổng số tiền 376 con bò cái giống nhập về của công ty là hơn 8 tỷ đồng.

Sau khi nhận được quyết định phải đóng thuế, công ty buộc phải bán đàn bò vì tốn rất nhiều chi phí trong thời gian làm thủ tục. Đó là chưa kể hơn 40 con bò bị chết, sổng chuồng… “Những yếu tố trên cộng với việc lô bò bán ra không được giá, công ty đã lỗ trên 1 tỷ đồng. Do quá khó khăn, công ty phải tạm ngưng hoạt động và có thể sẽ phải đóng cửa” - ông Lâm rầu rĩ.

Đứng trước những khó khăn trên, Công ty Vinaforest đề nghị cơ quan chức năng được hoàn lại số tiền thuế đã đóng sau khi cung cấp bổ sung giấy xác nhận lý lịch cá thể bò giống thuần chủng hợp lệ và có ý kiến xác nhận của Bộ NN&PTNT là giống bò thuần chủng. Trong trường hợp nếu cơ quan chức năng không công nhận là bò giống thì tính thuế theo bò thịt. Bởi cơ quan hải quan tính theo giá bò giống thì tổng số tiền thuế là 432 triệu đồng. Trong khi theo tính toán của công ty, nếu tính theo giá bò thịt thì tổng số tiền thuế giảm xuống thấp hơn, còn khoảng 318 triệu đồng.

Đóng thuế theo giá bò thịt cũng không được

Trước thắc mắc về việc nhiều giấy tờ đều chứng minh lô bò công ty nhập về là bò giống thuần chủng tại sao vẫn đánh thuế, Chi cục Hải quan Long Thành cho rằng việc phân biệt bò giống và bò thịt để áp thuế đầu tiên phải căn cứ trên giấy chứng nhận lý lịch giống.

Về đề nghị hoàn thuế hoặc giảm thuế của Công ty Vinaforest, Chi cục Hải quan Long Thành yêu cầu công ty tạm đóng trước số thuế, trong thời gian chờ bổ sung đầy đủ giấy tờ chứng nhận lý lịch từ Hiệp hội Giống bò Brahman Úc cung cấp lại với đầy đủ thông tin theo yêu cầu rồi mới xem xét.

Chi cục Hải quan Long Thành cũng cho rằng muốn tính giá bò thịt thì công ty phải cung cấp đủ lại hồ sơ giấy tờ chứng minh mua theo giá bò thịt, từ đó mới có cơ sở xem xét. Song quy định thuế tính theo giá trị thực tế doanh nghiệp nhập vào trên giấy tờ là giá bò giống nên không đủ cơ sở giấy tờ để tính theo giá bò thịt.

Sai một chữ, có thể phá sản

Các công ty nhập khẩu cần lưu ý xem kỹ hợp đồng, giấy tờ, giấy chứng nhận… vì có khi chỉ cần sai một chữ thì giấy tờ đó vô giá trị hoặc bị đánh thuế cao. Đặc biệt khi phát hiện sai thì phải yêu cầu bên xuất khẩu sửa ngay. Nếu chờ đến khi nhận hàng mới phát hiện sai sót thì phía nước xuất khẩu thường làm khó, không chịu sửa. Điều này khiến doanh nghiệp vừa tốn thời gian, chi phí, thậm chí phá sản vì lô hàng nhập về.

Đại diện một công ty nhập khẩu bò

“Nước xuất khẩu phải chịu trách nhiệm”

Trao đổi với Pháp Luật TP HCM về những vướng mắc của Công ty Vinaforest, đại diện Cục Chăn nuôi cho hay mẫu chứng nhận lý lịch do nước xuất khẩu chịu trách nhiệm chứ không phải do nước nhập chịu trách nhiệm. (Trong trường hợp công ty trên là do Hiệp hội Giống bò Brahman Úc ban hành và chịu trách nhiệm - PV).

Đại diện Cục Chăn nuôi cũng cho hay đã nhận được rất nhiều văn bản thắc mắc của các công ty nhập khẩu bò về vấn đề giấy chứng nhận lý lịch. Những trường hợp mắc lỗi phần lớn do còn thiếu kinh nghiệm, không nắm rõ quy định, không đầy đủ thông tin lý lịch giống…“Đối với những trường hợp này, Cục đều trả lời, giải thích rõ” - đại diện Cục Chăn nuôi khẳng định.

http://plo.vn/kinh-te/quan-ly-thi-truong/nguy-co-mat-hon-400-trieu-dong-thue-vi-sai-chinh-ta-636529.html

Theo Quang Huy/PLO

Bạn có thể quan tâm