Ngay từ sáng sớm 25/11, nhiều khu vực từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có mưa to đến rất to như: Minh Long 93,4 mm; Thanh An 91,8 mm (Quảng Ngãi); Khánh Phú 125 mm; Khánh Thượng 65,6 mm (Khánh Hòa); Đập Tràn 88,6 mm (Phú Yên); Hồ Cẩn Hậu 51,8 mm (Bình Định); Ma Nới 42,8 mm (Ninh Thuận).
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định trong những giờ tới, các khu vực trên khả năng tiếp tục có mưa to với vũ lượng 20-50 mm. Ảnh hưởng áp thấp sau bão số 9 gây mưa lớn, dự báo trong 3-6 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng thấp từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận.
Hàng trăm mét đường sắt qua tỉnh Ninh Thuận bị mưa lũ làm ngập, sạt lở khiến nhiều đoàn tàu Bắc - Nam không thể lưu thông. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Trong đó, đặc biệt là huyện Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ (Quảng Ngãi); Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải (Ninh Thuận); Sông Hinh, Sơn Hòa, Sông Cầu, Đồng Xuân (Phú Yên); Hoài Nhơn, An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh (Bình Định) và huyện Cam Ranh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, TP Nha Trang (Khánh Hòa).
Trong 2-3 giờ qua, một số nơi tại các tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa và Ninh Thuận có mưa rất to như: Cam An Bắc 92,2 mm; Suối Cát 73,4 mm (Khánh Hòa); Phước Đại 72,4 mm (Ninh Thuận); Sơn Giang 67 mm (Quảng Ngãi). Cùng với đó, một số nơi tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên cũng có mưa to như: Cát Tiến 53,8 mm; Chí Thạnh 42,8 mm; Hồ Mỹ Thuận 40,4 mm.
Cũng theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 13h ngày 25/11, tâm áp thấp nhiệt đới trên bờ biển các tỉnh từ nam Bình Thuận đến Bến Tre.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/h), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70 km.
Cây gãy đổ ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Ngọc An. |
Sáng cùng ngày, Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Trung Bộ cho biết trong 8 giờ qua, ở phía nam tỉnh Khánh Hòa đã có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to. Lượng mưa cụ thể như sau: Cam Thịnh Đông 120 mm, Ba Ngòi 96 mm, Cam Ranh 104 mm. Tổng lượng mưa phổ biến từ 80-120mm, có nơi cao hơn.
Do ảnh hưởng của mưa lớn, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất ở sườn núi, ngập úng ở vùng trũng thấp trên địa bàn các huyện các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, TP Nha Trang.
Đặc biệt, tại những khu vực vừa xảy ra trượt lở đất trong cơn bão số 8 và vùng lân cận, quốc lộ 1 qua xã Vĩnh Phương, đèo Rù Rì, quốc lộ 27C - đèo Khánh Lê (Nha Trang - Đà Lạt), Diên Khánh,… tiếp tục đối diện với nguy cơ sạt lở lần nữa do bão số 9 kết hợp với không khí lạnh gây mưa lớn.
Trước đó, ngày 18/11, ảnh hưởng hoàn lưu bão số 8, tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã xảy ra mưa lớn kéo theo sạt lở, khiến đất đá đổ xuống vùi lấp hàng chục nhà dân ở sát núi. Hậu quả làm 18 người chết, 2 người mất tích và hàng chục người bị thương.
Đồ họa: Phượng Nguyễn. |