Theo Bloomberg, trong phần lớn thời gian kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, một số quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương cố gắng đã đưa số ca nhiễm về 0. Đây được gọi là chiến lược "Zero Covid".
Giờ đây, với biến thể Delta dễ lây lan hơn, trong khi tỷ lệ tiêm chủng tăng cao, nhiều nơi đã từ bỏ chiến lược "Zero Covid". Trung Quốc là nước duy nhất vẫn quyết tâm theo đuổi mục tiêu này.
New Zealand đã từ bỏ chiến lược loại trừ hoàn toàn virus. Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh vẫn sử dụng những biện pháp nghiêm ngặt như đóng cửa biên giới, phong tỏa đột ngột và nhiều lần làm gián đoạn các hoạt động kinh tế, xã hội.
Chính quyền New Zealand đã từ bỏ chiến lược "zero-Covid", tức đưa số ca nhiễm trở về 0. Ảnh: Reuters. |
Chiến lược không bền vững
Những quốc gia từng đưa số ca nhiễm về 0 như Singapore và Australia đã lần lượt nhận ra rằng chiến lược "Zero Covid" là không bền vững. Giờ đây, thay vì ngăn virus lây lan, họ tập trung vào giảm số ca nặng và tử vong, đồng thời nới lỏng các hạn chế.
Trong khi đó, Trung Quốc dường như ngày càng quyết tâm theo đuổi chiến lược loại trừ virus, ngay cả khi 75% dân số tại đất nước 1,4 tỷ dân đã hoàn thành tiêm chủng. Hai tháng qua, Trung Quốc đang phải đối phó với làn sóng bùng phát Covid-19 thứ 4.
Mọi thứ có thể trở nên khó khăn hơn khi mùa đông tới. Ba tháng nữa, Bắc Kinh sẽ tổ chức Thế vận hội Mùa đông, chào đón hàng nghìn vận động viên từ khắp nơi trên thế giới.
"Trong trung và dài hạn, chiến lược 'Zero Covid' là không bền vững. Biến thể Delta đã cho thấy rằng điều đó gần như bất khả thi", giáo sư Peter Collignon tại Trường Y Đại học Quốc gia Australia bình luận.
"Rất khó để số ca nhiễm tại Trung Quốc về 0 trong mùa đông này", ông nói thêm.
Rất khó để số ca nhiễm tại Trung Quốc về 0 trong mùa đông này
Giáo sư Peter Collignon tại Trường Y Đại học Quốc gia Australia
Việc New Zealand thay đổi chiến lược càng nhấn mạnh sự khó khăn của chiến lược loại bỏ virus. Vào giữa tháng 8, đất nước đã áp dụng những hạn chế nghiêm ngặt nhất.
Người dân không được đến văn phòng làm việc, tập thể dục, đến nhà hàng hay nhà thờ. Về cơ bản, trong hầu hết trường hợp, người dân không được phép ra khỏi nhà.
Hôm 4/10, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thừa nhận rằng "việc áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt trong thời gian dài không giúp chúng ta đạt được mục tiêu 'Zero Covid'".
"Tuy nhiên, chiến lược loại bỏ rất quan trọng vào thời điểm đó. Bởi chúng ta không có vaccine", bà khẳng định. "Giờ đây, khi đã có vaccine, chúng ta có thể bắt đầu thay đổi cách làm", thủ tướng New Zealand nói thêm.
Singapore và Australia - hai quốc gia từng rất thành công trong việc ngăn chặn virus - cũng đã thay đổi chiến lược.
"Nếu New Zealand có thể tiêm chủng đại trà cho người dân, tiếp cận các phương pháp điều trị mới và mở cửa một cách thận trọng, họ sẽ thoát khỏi đại dịch Covid-19 và không chịu nhiều thiệt hại về mặt kinh tế lẫn sức khỏe", ông Devi Sridhar - Chủ tịch Y tế công cộng toàn cầu tại Trường Y Đại học Edinburgh (Scotland) - bình luận.
Phủ bóng lên triển vọng kinh tế
Trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 4, thành phố Y Ninh (khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc) đã tạm dừng tất cả chuyến bay, tàu và đóng cửa các tuyến đường cao tốc địa phương, theo tờ The Paper.
Các quan chức cũng đóng cửa thành phố phía bắc Cáp Nhĩ Tân sau khi một bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện vào tháng 9.
Cảng Ninh Ba - một trong những cảng bận rộn nhất thế giới - đã bị đóng cửa vào tháng 8 vì các ca nhiễm mới. Hoạt động sản xuất tại đất nước 1,4 tỷ dân cũng bị ảnh hưởng bởi những hạn chế.
Trong phần lớn hai năm qua, việc kiểm soát virus thành công đã giúp Trung Quốc sớm trở lại cuộc sống bình thường, tiếp nhiệt cho đà phục hồi của nền kinh tế khi các quốc gia khác trên thế giới lao đao vì đại dịch.
Tuy nhiên, khi các nền kinh tế phương Tây bắt đầu trở lại nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, Bắc Kinh vẫn tiếp tục thực hiện những biện pháp gắt gao như phong tỏa và hạn chế di chuyển. Các tác động đối với nền kinh tế ngày càng rõ nét hơn.
Các đợt bùng phát mới khiến đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Ảnh: Reuters. |
Trong tháng 8, tăng trưởng doanh số bán lẻ đã chậm lại xuống 2,5% so với một năm trước đó, thấp hơn nhiều mức 7% như ước tính của giới phân tích. Các nhà kinh tế cảnh báo về tăng trưởng giảm tốc do tình trạng thiếu hụt cầu trong một số lĩnh vực công nghiệp và sự chững lại của ngành xây dựng.
Hôm 21/9, Bank of America hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2022 từ 6,2% xuống 5,3%. Con số thấp hơn đáng kể tốc độ tăng trưởng mà Trung Quốc đã công bố trong những năm gần đây.
Các công ty xây dựng và sản xuất trên thế giới có xu hướng ngừng mua xe tải chở hàng hạng nặng khi lo ngại về những rắc rối xảy đến trong tương lai.
Tháng này, Hiệp hội Nhà sản xuất ôtô Trung Quốc tiết lộ rằng trong tháng 8, sản lượng và doanh số xe tải hạng nặng giảm mạnh gần 50% so với một năm trước đó. Đây là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015. Sự sụt giảm phản ánh sự thiếu lạc quan vào triển vọng kinh tế.
Doanh số bán ôtô lao dốc trong tháng 8 cũng làm dấy lên lo ngại về sức mạnh chi tiêu của người dùng Trung Quốc, vốn là động lực quan trọng của nền kinh tế thứ hai thế giới.