“Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) kêu gọi các bên kiềm chế tối đa để tránh bất cứ hành động nào gây rủi ro cho cơ sở nguyên tử của Ukraine”, Tổng giám đốc IAEA Mariano Grossi nói hôm 25/2, sau khi có tin quân đội Nga đã kiểm soát cơ sở hạt nhân Chernobyl.
Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl tại Pripyat, Ukraine là hiện trường vụ nổ lò phản ứng hạt nhân vào năm 1986, khiến mây phóng xạ tỏa khắp châu Âu. Ngày nay, bán kính 30 km quanh nhà máy bị bỏ hoang vì rủi ro phơi nhiễm phóng xạ, trừ các tour du lịch hãn hữu.
“Đòn tấn công của Nga có thể gây ra một thảm họa sinh thái nữa khi quân đội Nga di chuyển vào Chernobyl”, Bộ Ngoại giao Ukraine viết trên Twitter. “Nếu Nga tiếp tục chiến sự, thảm họa Chernobyl có thể lặp lại vào năm 2022”.
Một ngôi trường bị bỏ hoang sau thảm họa ở Chernobyl. Ảnh: Euronews. |
Nguy cơ thảm họa sinh thái
Hơn 30 năm đã trôi qua sau thảm họa Chernobyl, khu vực này đã được đảm bảo an toàn nhưng các kho chứa chất thải phóng xạ cỡ lớn vẫn còn ở đây.
“Rất nguy hiểm nếu những kho chứa này bị thiệt hại”, tiến sĩ Lydia Zablotska, giáo sư y tế công cộng thuộc Đại học California, San Francisco nói với People.
Vị trí nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Ảnh: History Plex. |
Theo báo cáo Liên Hợp Quốc, 134 người phản ứng đầu tiên tại hiện trường vụ nổ đã tử vong vì nhiễm độc phóng xạ cấp tính trong vòng 4 tháng sau đó. Cơ quan này cũng ước tính ít nhất 4.000 người có thể đã chết vì phơi nhiễm phóng xạ, theo Washington Post.
Ngay sau thảm họa, một chiếc lồng bằng bê tông đã được xây lên để che phủ lò phản ứng bị nổ và ngăn 200 tấn vật liệu phóng xạ khuếch tán.
Năm 2017, nơi đây được gia cố bằng tấm chắn mới với tuổi thọ ít nhất 100 năm, có thể chịu nhiệt độ từ -42 tới 45 độ C và “đủ chắc chắn trước lốc xoáy”.
Kết cấu ấy “được thiết kế chắc chắn trong thời gian dài nên tôi hy vọng nó vẫn an toàn”, bà Zablotska nói. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh tấm chắn này vẫn có thể chịu ảnh hưởng từ những vụ nổ trực tiếp.
Tấm chắn bao trùm hiện trường vụ nổ hạt nhân ở nhà máy Chernobyl. Ảnh: Shutterstock. |
Nhưng nghiêm trọng hơn là nguy cơ giao tranh gây ra thiệt hại cho các cơ sở trữ chất thải tại địa điểm có vật liệu phóng xạ, bà Zablotska cho biết.
Theo vị tiến sĩ, nhân viên ở Chernobyl sẽ biết cách tránh những khu vực này, nhưng người mới đến như lính Nga có thể sẽ không. Những người này có thể tự đặt mình vào rủi ro hoặc vô tình tác động tới các téc trữ chất thải phóng xạ hoặc các loại máy móc khác.
“Nếu có vụ nổ ở đây, và nếu những hạt vật chất ấy lọt ra ngoài, chúng sẽ phát tán theo hướng gió”, bà nói. “Điều này đã xảy ra vào năm 1986. Gió thổi hướng tây bắc, khiến hạt phóng xạ lan khắp Bắc Âu”.
Trong khi đó, phóng xạ là mối đe dọa không màu, không mùi, và không thể bị phát hiện nếu không có máy móc chuyên dụng.
Tác động của phóng xạ tới sức khỏe thường không thể hiện ngay trừ khi một người bị phơi nhiễm liều lớn. Nhưng một đồng vị hóa học của chất cesium ở Chernobyl được cho là sẽ khiến rủi ro mắc bạch cầu cao hơn, theo bà Zablotska.
Đường dẫn thẳng tới Kyiv
Toan tính của quân đội Nga khi chiếm Chernobyl hiện chưa hoàn toàn rõ. Hôm 25/2, Reuters dẫn lời một nguồn tin an ninh của Nga cho biết Nga muốn kiểm soát lò phản ứng hạt nhân Chernobyl để cảnh báo NATO đừng can thiệp bằng quân sự.
Một số nhà phân tích khác cho rằng nguyên nhân đơn giản là vị trí của Chernobyl nằm ngay trên con đường dẫn thẳng tới thủ đô Kyiv.
Binh sĩ Ukraine trong một lần tập trận ở Chernobyl vào đầu tháng 2, để đề phòng đòn tấn công của Nga. Ảnh: Reuters. |
“Nếu lực lượng Nga tấn công Kyiv từ phía bắc, Chernobyl sẽ ở ngay trên đường tiến đánh”, trung tướng nghỉ hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy Lục quân Mỹ ở châu Âu, trả lời NBC News.
Chernobyl nằm cách biên giới chung giữa Ukraine và Belarus - đồng minh của Nga - chưa đầy 20 km. Từ đây đi thêm hơn 120 km nữa về phía nam là tới Kyiv.
Hướng tiến quân từ Belarus tới Kyiv thông qua Chernobyl là lựa chọn đặc biệt hấp dẫn đối với các nhà hoạch định quân sự Nga. Nguyên nhân là nó cho phép quân Nga vượt sông Dnieper ở Belarus, từ đó tránh nguy hiểm nếu phải vượt sông trên đất Ukraine.
Bà Evelyn Farkas, cựu Phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Nga, Ukraine và Âu - Á dưới thời Obama, cho biết dù không coi trọng nhà máy hạt nhân Chernobyl, Moscow cũng muốn đảm bảo an toàn tại đây, nhất là nếu phải giằng co kéo dài với quân du kích Ukraine.
“Họ chắc chắn không muốn vật liệu hạt nhân trôi nổi khắp nơi”, bà Farkas nói. “Họ hiểu rõ mối nguy hiểm ở đây”.