Tiềm năng khoáng sản trên dãy núi cao nhất thế giới đã được biết đến từ lâu, thế nhưng địa hình xa xôi hiểm trở đã ngăn cản các nỗ lực mở rộng khai thác.
Giờ đây, khi Bắc Kinh đẩy mạnh đầu tư hệ thống đường xá và cơ sở hạ tầng khu vực, những dự án khai khoáng với quy mô lớn chưa từng có bắt đầu xuất hiện. Đây có thể là một nước cờ "nhất cử lưỡng tiện": vừa khai thác được trữ lượng khoáng sản trị giá hàng tỷ USD, vừa giúp Bắc Kinh theo đuổi các yêu sách chủ quyền tại vùng biên giới Trung - Ấn.
Dải đất rộng hơn 80.000 km2 mà Trung Quốc nhắm đến chính là bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ hiện nay. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với vùng này và gọi là Nam Tây Tạng. Đường ranh giới được vẽ bởi chính phủ Anh năm 1914 đã chia cắt khu vực phía nam Tây Tạng giao cho Ấn Độ kiểm soát, theo trang Asia Times. Những mâu thuẫn chủ quyền về khu vực này đã góp phần châm ngòi chiến tranh biên giới Trung - Ấn năm 1962.
Bắc Kinh đang đẩy mạnh phát triển khai thác khoáng sản tại huyện Long Tử, nằm sát biên giới Trung - Ấn, gần bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Đồ họa: SCMP. |
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác khoáng sản có thể đặt vùng đất nằm ở độ cao gần 3.700 m so với mặt nước biển vào tình thế tương tự những gì đã và đang diễn ra trên Biển Đông.
Cơn sốt khoáng sản ở Long Tử
Huyện Long Tử thuộc khu tự trị Tây Tạng, sát biên giới Ấn Độ, là nơi tập trung một lượng lớn các khoáng sản có giá trị cao như vàng, bạc và đất hiếm.
Người tứ xứ ồ ạt kéo đến đây tìm cơ hội làm việc với thu nhập cao. Điều tra và thống kê dân số trở thành một thách thức lớn đối với chính quyền địa phương. Vùng biên ải xa xôi hẻo lánh, với dân số chỉ vào tầm 30.000 người chủ yếu là dân du mục Tây Tạng, nay đã là trung tâm của dự án "khoét núi đổi đời" ở Himalaya.
Những đường hầm khổng lồ ăn sâu vào lòng núi dù cách đó không xa là đường ranh giới quân sự Trung - Ấn. Mạng lưới đường xá phát triển nhanh chóng giúp vận chuyển hàng nghìn tấn quặng khai thác mỗi ngày. Lưới điện quốc gia và hệ thống liên lạc viễn thông đã phủ sóng phần lớn khu vực. Trung Quốc còn đang xây một sân bay đủ sức tiếp nhận máy bay thương mại, theo SCMP.
Các dự án khảo sát địa chất quy mô lớn tại Himalaya được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ tài chính. Ảnh: CGS. |
Đến cuối năm 2017, Long Tử đã là đầu tàu của ngành công nghiệp khai khoáng ở khu vực. Tăng trưởng GDP thường niên đạt 20%, đầu tư cơ sở hạ tầng tăng gấp đôi so với 2016, còn thu nhập bình quân đầu người tăng gấp ba lần so với thời điểm trước cơn sốt "đào mỏ". Gần 80% tiền thuế thu được của huyện là từ các công ty khai khoáng, một quan chức địa phương giấu tên tiết lộ với tờ SCMP.
Theo Zheng Youye, giáo sư Đại học Khoa học địa chất Bắc Kinh, trưởng dự án khảo sát địa chất phía bắc dãy Himalaya, trữ lượng quặng tại Long Tử và những nơi lân cận có tổng giá trị lên tới 370 tỷ nhân dân tệ (hơn 58 tỷ USD). “Đây chỉ mới là ước tính sơ bộ. Chúng tôi vẫn đang tiến hành nhiều cuộc khảo sát bổ sung”, ông cho biết.
Ý nghĩa chiến lược về quốc phòng
Tháng 10/2017, không lâu sau khi căng thẳng biên giới Trung - Ấn tại cao nguyên Doklam hạ nhiệt, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho đăng thư phản hồi của ông Tập Cận Bình gửi một gia đình 3 người tại Long Tử.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc tri ân sự trung thành và những đóng góp của gia đình này dành cho nước nhà. Ông Tập cũng kêu gọi người dân huyện Long Tử xây dựng nền tảng xã hội vững chắc để phát triển toàn khu vực, phục vụ lợi ích quốc gia. Rất hiếm khi ông Tập trả lời thư của người dân trừ khi ông muốn gửi đi một thông điệp chiến lược, tờ SCMP nhận định.
Không chỉ mang giá trị kinh tế lớn, Long Tử còn là yếu điểm quốc phòng của Trung Quốc với quân số đồn trú đông đảo. Công dân Trung Quốc muốn đến Long Tử phải có một giấy thông hành đặc biệt được ký tại chốt kiểm soát quân sự địa phương. Nhiều khu vực còn cấm người nước ngoài tiếp cận.
Yếu tố này khiến nỗ lực đầu tư Long Tử phát triển thần tốc còn mang giá trị chiến lược nếu Bắc Kinh một ngày nào đó tìm cách tái kiểm soát Nam Tây Tạng.
Người dân Ấn Độ tại khu vực giáp biên giới Trung Quốc di tản đến nơi an toàn khi cuộc chiến biên giới nổ ra vào năm 1962. Ảnh: Getty. |
Trong chiến tranh biên giới năm 1962, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) từng chiếm được khu vực này nhưng chỉ chưa đầy 1 tháng đã rút lui vì không có dân để giữ đất, ông Zheng Youye cho biết. Giờ đây, số nhân khẩu ngày một lớn ở Long Tử và các vùng lân cân sẽ tạo ra lợi thế bền vững và dài hạn cho Trung Quốc trong nỗ lực giảm kiểm soát của Ấn Độ ở Nam Tây Tạng, dù bằng con đường ngoại giao hay thậm chí là quân sự.
Hao Xiaoguang, cố vấn chính phủ Trung Quốc trong vấn đề Nam Tây Tạng và là chuyên gia tại Viện Trắc địa và Địa vật lý, thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc (tỉnh Hồ Bắc), cho rằng Bắc Kinh sẽ vận dụng chiến lược hiện tại trên Biển Đông với khu vực Himalaya.
Trong những năm qua, Trung Quốc liên tục cải tạo và quân sự hóa trái phép các thực thể trên Biển Đông, đơn phương thay đổi nguyên trạng các khu vực còn đang tranh chấp, bỏ ngoài tai mọi phản đối và quan ngại an ninh của khu vực và quốc tế. Trung Quốc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự trên các đảo nhân tạo phi pháp, thậm chí còn đưa người ra sinh sống.
Trả lời tờ SCMP, ông Hao Xiaoguang còn ngang ngược cho rằng: "Khi sức mạnh kinh tế, quân sự và địa chính trị của Trung Quốc ngày càng tăng cao thì viễn cảnh Nam Tây Tạng trở về với Trung Quốc chỉ còn là vấn đề thời gian".
Trong khi đó, ông Rameshwar Rao, một nhà khoa học chính phủ tại Viện địa chất Himalaya Wadia, nói cơ quan này không hay biết gì về các dự án khai thác khoáng sản quy mô lớn của Trung Quốc phía bên kia ranh giới quân sự.
Sông Siang ở bang Arunachal Pradesh. Truyền thông Ấn Độ tháng 11/2017 cho biết nước sông bất ngờ chuyển màu đen, nghi do chất thải kim loại nặng từ các hoạt động công nghiệp phía lãnh thổ Trung Quốc. Ảnh: India Express. |
Ấn Độ trong nhiều thập niên qua đã tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng với nhiều sân bay và căn cứ tên lửa. Chính quyền New Delhi cũng khuyến khích người dân di cư đến bang địa đầu đông bắc tổ quốc. Hiện dân số của bang Arunachal Pradesh đã hơn 1,2 triệu người.
Tuy vậy, địa phương này vẫn chưa tận dụng được tiềm năng khoáng sản phong phú của khu vực. Những nhà khoa học Ấn Độ không được hỗ trợ tài chính để tiến hành các dự án khảo sát địa chất quy mô lớn và chuyên sâu.
Theo Trilochan Singh, chuyên gia địa chất tại Đại học Arunachal, các nhà khoa học Ấn Độ chưa thể ước tính được trữ lượng khoáng sản tại khu vực này dù ông đã kêu gọi khảo sát từ năm 2013 khi còn là một chuyên viên tư vấn địa chất cho chính phủ.
Nguồn tài nguyên phong phú của khu vực Himalaya trên phần lãnh thổ Ấn Độ đến nay vẫn chưa được khai thác. Nếu Ấn Độ chậm chân trong cuộc đua khoáng sản này, cán cân sức mạnh vùng biên giới Himalaya có thể dần ngả về phía Trung Quốc, SCMP nhận định.