Những căng thẳng về biên giới gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ lại làm nóng lên cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng trăm năm giữa hai quốc gia lớn nhất châu Á. Khu vực biên giới dài 3.225 km thuộc dãy Himalaya tồn tại những bất đồng chưa thể giải quyết sau gần 200 năm.
Ngày 20/10/1962, 80.000 lính Trung Quốc bất ngờ đồng loạt mở cuộc tấn công vào nhiều địa điểm khác nhau ở khu vực Ladakh, Ấn Độ. Lực lượng Ấn Độ ở khu vực này chỉ khoảng 10.000 đến 20.000 quân, tạo ra một cuộc chiến không cân sức.
Bối cảnh
Vấn đề biên giới Trung - Ấn có nguồn gốc từ năm 1834 khi Vương quốc Sikh chiếm khu vực núi cao Ladakh (một tiểu bang của Jammu và Kashmir, Ấn Độ). Sau khi Thế chiến II kết thúc, trật tự thế giới có nhiều thay đổi khiến vấn đề biên giới lại trở thành chủ đề nóng.
Sự độc lập của Cộng hòa Ấn Độ và hình thành nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) vào năm 1949 đã tạo ra nhiều thay đổi ở châu Á. Theo India Today, thời điểm đó, chính phủ Ấn Độ ưu tiên duy trì mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc.
Binh sĩ Ấn Độ tại một vị trí chốt chặn trên biên giới trong cuộc xung đột với Trung Quốc. Ảnh: India Today. |
Sau đó, khi Trung Quốc công khai ý định chiếm đóng Tây Tạng, New Delhi phản đối và đề xuất đàm phán với Bắc Kinh về khu vực này. Bắc Kinh sớm triển khai quân đến khu vực Aksai Chin ( Trung Quốc gọi là huyện Hotan, nằm phía tây nam khu tự trị Tân Cương) so với Ấn Độ. Thời điểm đó, Ấn Độ rất quan tâm về mối quan hệ với Trung Quốc.
Theo Global Security, đến năm 1951, Trung Quốc mở rộng nhiều vị trí ở Aksai Chin. Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ đang tập trung nỗ lực quân sự vào việc ngăn chặn Ladakh khỏi bị quân đội Pakistan chiếm đóng. Trong năm 1951 và 1952, chính phủ Trung Quốc nhiều lần tuyên bố không có vấn đề căng thẳng biên giới giữa Trung - Ấn
Giữa năm 1954, Trung - Ấn kết luận 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, trong đó New Delhi thừa nhận chủ quyền của Bắc Kinh ở Tây Tạng. Tại thời điểm này, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã nêu câu khẩu hiệu “Hindi-Chini bhai-bhai” (tạm dịch: Trung Quốc và Ấn Độ là anh em).
Các nhà ngoại giao Ấn Độ đã trình bày bản đồ biên giới giữa hai nước, trong đó có khu vực McMahon Line (nằm giữa đông bắc Ấn Độ và Tây Tạng), phía Trung Quốc không phản đối. Tháng 7/1954, Thủ tướng Nehru đã viết bản ghi nhớ hướng dẫn sửa đổi bản đồ Ấn Độ để làm rõ ranh giới trên tất cả biên giới.
Tuy nhiên, bản đồ do phía Trung Quốc phát hành có tới 120.000 km2 lãnh thổ Ấn Độ thuộc về Trung Quốc. Thủ tướng Chu Ân Lai sau đó giải thích rằng có sự nhầm lẫn trong khi vẽ bản đồ. Đến năm 1956. Chu Ân Lai tiếp tục khẳng định không có vấn đề về biên giới giữa hai nước.
Tuy nhiên, tình hình trở nên căng thẳng khi Ấn Độ cho phép Đạt Lai Lạt Ma tị nạn khi ông chạy trốn khỏi Tây Tạng vào năm 1959. Căng thẳng gia tăng khi Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông tuyên bố cuộc nổi dậy ở Lhasa, Tây Tạng, là do Ấn Độ “giật dây”.
Đỉnh điểm của tranh chấp là cuộc đụng độ đẫm máu trên đèo Kongka khiến 9 lính biên phòng Ấn Độ thiệt mạng vào tháng 10/1959. Khi đó, New Delhi nhận thấy chưa sẵn sàng cho xung đột nên thừa nhận trách nhiệm về vấn đề biên giới và rút quân tuần tra khỏi khu vực.
Cuộc chiến chớp nhoáng
Sau sự cố xung đột vào năm 1959, Trung Quốc đề nghị với Ấn Độ mỗi bên rút lui 20 km từ điểm kiểm soát thực tế. Giữa năm 1961, Trung Quốc gia tăng hoạt động tuần tra ở khu vực biên giới, thậm chí vào cả những khu vực Ấn Độ kiểm soát.
Khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc (vòng tròn đỏ). Đồ họa: Wikipedia. |
Tháng 6/1962, Cơ quan Tình báo Ấn Độ báo cáo về sự tăng cường quân Trung Quốc dọc biên giới có thể dẫn đến chiến tranh. Tháng 7/1962, 350 lính Trung Quốc bao vây một trạm kiểm soát của Ấn Độ ở thung lũng Galwan, phía bắc MacMahon Line. Họ dùng loa phóng thanh thuyết phục những chiến binh Gurkha có gốc gác Nepal rằng không nên chiến đấu cho Ấn Độ.
Mặc dù các cuộc đụng độ biên giới liên tục gia tăng nhưng phía Ấn Độ vẫn đánh giá thấp khả năng xảy ra chiến tranh và không chuẩn bị nhiều cho điều này. New Delhi chỉ bố trí 2 sư đoàn dọc biên giới.
Đến 20/10/1962, Trung Quốc bất ngờ phát động 2 cuộc tấn công cách nhau 1.000 km tại Ladakh và MacMahon Line. Lực lượng phía Trung Quốc ước tính khoảng 80.000 quân. Với quân số áp đảo, quân đội Trung Quốc dễ dàng đánh bại lực lượng Ấn Độ trên khu vực biên giới.
Đến ngày 24/10, lực lượng Trung Quốc đã tiến thêm 16 km từ đường kiểm soát thực tế trước xung đột. Ngày 21/11, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố đạt được các yêu cầu, ngừng bắn và rút quân. Theo các nhà sử học, sau khi rút quân, Trung Quốc chiếm đóng thêm 6.475 km2 ở khu vực Ladakh (nay thuộc huyện Hotan, khu tự trị Tân Cương).
Trung Quốc rút quân sau cuộc chiến chớp nhoáng kéo dài một tháng, song hai nước vẫn chưa đạt được một thỏa thuận chính thức về phân định đường biên giới. Khu vực này tiếp tục trở thành quả bom nổ chậm trong quan hệ hai nước.
Theo số liệu chưa chính thức do quân đội Mỹ công bố, Ấn Độ bị động trong cuộc chiến nên chịu tổn thất nặng. Khoảng 1.383 binh sĩ thiệt mạng, 1.047 người bị thương, gần 1.700 người mất tích và gần 4.000 người bị bắt.
Phía Trung Quốc có khoảng 722 binh sĩ thiệt mạng, hơn 1.600 người bị thương. Cuộc chiến xảy ra ở độ cao trên 4.000 m nên các phương tiện chiến đấu hạng nặng như xe tăng, trọng pháo, máy bay hầu như không thể hỗ trợ.
Một số nhà phân tích nhận định, Trung Quốc đã có tính toán trong việc lựa chọn thời điểm phát động tấn công. Khi đó, Mỹ và Liên Xô đang bị cuốn vào cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba nên hầu như không thể hỗ trợ cho Ấn Độ.