Theo cơ quan Cảnh sát PCCC TP.HCM, dịp giáp Tết năm ngoái (Đinh Dậu 2017), trên địa bàn đã xảy ra nhiều vụ cháy do đốt vàng mã, làm 20 người chết và nhiều người khác bị thương.
Việc thắp nhang, hóa vàng mã cần cẩn trọng trong dịp Tết. Ảnh: Zing.vn |
Trao đổi với Zing.vn, trung tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC Công an TP.HCM, cảnh báo dịp Tết, từ ngày đưa ông Công, ông Táo về trời, sau đó là các nghi lễ cổ truyền như cúng tất niên, đưa rước ông bà,... người dân thường hóa vàng mã nhiều, dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất cao. Đặc biệt là nguy cơ cháy nổ tại các khu dân cư, đô thị.
Phó phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC Công an TP.HCM khuyến cáo: “Khi đốt vàng mã, người dân nên đốt trong những dụng cụ chứa bằng vật liệu không cháy như kim loại, sành sứ,... Không hóa vàng mã ở ngoài đường, vỉa hè, sân thượng và khi đốt phải có người quan sát".
Ngoài ra, Tết cũng là thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh, sản xuất hàng hoá, hầu hết là đều có chứa chất dễ cháy, trong khi đó, miền Nam đang bước vào mùa khô, độ ẩm thấp, đồ vật dễ bắt lửa hơn nên nguy cơ cháy cao hơn, trung tá Tuyến nói thêm.
Vàng mã chuẩn bị được đốt sau khi dâng lễ. Ảnh: Zing.vn |
"Nếu xảy ra cháy ở khu dân cư trong dịp Tết thì hậu quả khó lường, nhiều gia đình sẽ lâm cảnh màn trời chiếu đất, không có nơi ăn ở và thương vong về người rất cao", Phó phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC Công an TP.HCM cảnh báo thêm.
Trung tá Tuyến cũng lưu ý nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn ở các cơ quan, doanh nghiệp, nhà xưởng khi các cơ sở này chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ dài, nhưng thiếu biện pháp phòng ngừa sự cố về điện.