Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguồn sức mạnh của Argentina ở World Cup

Đội bóng được dẫn dắt bởi Lionel Messi có động lực lớn lao để chiến thắng. Đó là niềm hy vọng của 45 triệu dân khi bóng ma lạm phát và bất ổn kinh tế đang nhấn chìm đất nước.

Sau chiến thắng trước Croatia rạng sáng 14/12, Lionel Messi sẽ bước vào trận chung kết World Cup thứ 2 trong sự nghiệp. Cách đây 8 năm, La Albiceleste đã thua Đức trên sân Maracaná (Brazil) và bỏ lỡ cúp vàng World Cup trong tiếc nuối. Nhưng mùa giải năm nay, đội bóng xứ Tango có động lực to lớn hơn để giành chiến thắng.

La Albiceleste sẽ chơi bóng vì cúp vàng còn thiếu trong sự nghiệp vĩ đại của Lionel Messi, vì "Diego Maradona đang dõi theo từ thiên đường", và vì 45 triệu cổ động viên Argentina, những người đã rơi vào cảnh khốn đốn bởi lạm phát và khủng hoảng kinh tế.

Tại Qatar, đội tuyển Argentina như đang được chơi trên chính sân nhà. Trong những chiếc áo màu xanh trắng, hàng chục nghìn người hâm mộ nhấn chìm sân cỏ với sự cuồng nhiệt và âm thanh đặc trưng.

Sau tiếng còi mãn cuộc, cầu thủ Argentina thường nán lại sân rất lâu để chia sẻ khoảnh khắc đầy cảm xúc với người hâm mộ.

Sự gắn kết trong khủng hoảng

Theo Đại sứ quán Argentina tại Qatar, khoảng 35.000 đến 40.000 người hâm mộ đã tới World Cup để cổ vũ cho đội tuyển. Đó là một trong những nhóm cổ động viên nước ngoài đông nhất kỳ World Cup năm nay. Người Ấn Độ và Bangladesh ở Qatar cũng ủng hộ La Albiceleste.

"Mọi thứ tôi làm đều vì 45 triệu người dân Argentina. Họ đang trải qua thời kỳ đen tối của nền kinh tế", thủ môn Emiliano Martínez chia sẻ sau trận đấu với Hà Lan.

"Mang lại niềm vui cho họ là điều tốt nhất tôi có thể làm vào lúc này", người hùng trong loạt sút luân lưu ở trận tứ kết khẳng định.

Sự gắn kết giữa các cầu thủ Argentina và người hâm mộ của họ đã được hun đúc bởi cuộc khủng hoảng kinh tế đang tàn phá đất nước

Cựu tiền đạo người Pháp David Trezeguet

Nói với AFP, cựu tiền đạo người Pháp David Trezeguet tin rằng sự gắn kết giữa các cầu thủ Argentina và người hâm mộ của họ đã được hun đúc bởi cuộc khủng hoảng kinh tế đang tàn phá đất nước.

Tính đến tháng 12, lạm phát tại Argentina dự kiến đạt 100%. Tỷ lệ nghèo đói tăng vọt, buộc nhiều người phải rời đất nước.

"Ký ức đầu tiên của tôi về tuyển Argentina là năm 1986 ở Mexico. Họ thật điên rồ vào thời điểm đó, nhưng bây giờ còn hơn thế", anh nói.

"Tình hình kinh tế xã hội ở Argentina khiến sự ủng hộ dành cho đội bóng cuồng nhiệt hơn bao giờ hết", cựu tiền vệ nói thêm.

Theo truyền thông địa phương, người hâm mộ Argentina dành dụm tiền tiết kiệm hàng năm trời để tới Qatar xem Messi và đồng đội thi đấu.

Suốt nhiều năm, họ đổi nội tệ sang USD để tránh đồng peso mất giá. Dĩ nhiên, đó là một quá trình không dễ dàng. Những biện pháp kiểm soát hối đoái đã đẩy giá USD chợ đen tại Argentina lên gấp đôi mức chính thức. Niềm tin vào đồng nội tệ bị hủy hoại, dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương cạn kiệt.

"Vươn lên từ khó khăn"

Ông Beto, một người Argentina 60 tuổi, đã di cư sang Mỹ. Nhưng niềm đam mê bóng đá vẫn cháy trong ông. "Tôi sống ở Mỹ trong một thời gian dài. Nhưng nếu cứa vào cổ tay tôi, các bạn sẽ thấy máu chảy ra có màu trắng xanh", ông nói với AFP.

"Chúng tôi phải chịu đựng mỗi ngày vì đất nước có rất nhiều vấn đề, nền kinh tế bấp bênh. Nhưng bóng đá là nguồn năng lượng, cho phép chúng tôi đi từ con số 0 tới tất cả", ông nói thêm.

"Nếu lên ngôi vô địch, chúng tôi có thể chứng minh Argentina là một quốc gia dũng cảm và vươn lên từ khó khăn", một cổ động viên nói với Financial Times.

Ông Julio Roger, 51 tuổi, làm việc tại quán quen của Maradona lúc sinh thời. Với ông, mùa World Cup năm nay rất khác vì không còn Maradona. Cùng với đó là những thách thức đang bủa vây nền kinh tế.

"Vì thế, sự kiện này trở nên quan trọng với tất cả", ông nói thêm.

"Ảo tưởng về sự vĩ đại đã trở lại mạnh mẽ, ngay cả với những người không quan tâm tới bóng đá. Chúng tôi đang ở trong một tình thế rất khó khăn. Và World Cup mang lại niềm hy vọng và sự nhẹ nhõm", ông nói thêm.

Lionel Messi anh 5

Người Argentina đang có một kỳ World Cup không còn Diego Maradona, kỳ World Cup giữa khủng hoảng kinh tế và kỳ World Cup có thể là cuối cùng của Lionel Messi. Ảnh: Reuters.

Theo Financial Times, đám đông ở Buenos Aires thường đổ xuống đường để phản đối các vấn đề kinh tế. Nhưng giờ đây, cuộc đua giành cúp vàng World Cup khiến họ có lý do khác để xuống đường.

Cuối tuần trước, khi La Albiceleste đánh bại Hà Lan trong trận tứ kết, anh Agustín Portillo đã cùng các cổ động viên khác nhảy múa dưới cơn mưa. "Mọi thứ xung quanh đều tồi tệ. Nhưng tuần qua, cuộc sống của tôi ngập tràn niềm vui", anh chia sẻ.

"Chúng tôi không biểu tình vào lúc diễn ra trận đấu. Bởi sẽ chẳng có ai ngoài chúng tôi trên đường", người đứng đầu một nhóm thất nghiệp ở Argentina chia sẻ.

Tại Argentina, nhân viên văn phòng được nghỉ trong các trận đấu. Những công viên đông đúc giờ cũng vắng tanh. Một số trường cho học sinh nghỉ học.

"Ngay cả khi có biểu tình, chưa chắc tôi đã đi vì tôi yêu bóng đá", người này nói thêm.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Messi gồng gánh hy vọng của người Argentina trong khủng hoảng

Giấc mơ vô địch World Cup trở thành niềm vui và hy vọng duy nhất của người Argentina giữa khủng hoảng kinh tế. Và điều đó khiến áp lực đối với Lionel Messi càng lớn hơn.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm