CC trong thư điện tử là viết tắt của Carbon Copy. Ảnh: Grammarly. |
Hiện tại, chức năng CC được sử dụng để gửi email cho nhiều người ở cùng một thời điểm. Thực chất, cụm từ CC là viết tắt của Carbon Copy, một quy trình vật lý nhằm sao chép các tài liệu. Trong đó, họ sử dụng giấy than (carbon paper) để ghi đè hoặc tạo bản sao của tài liệu gốc.
Vào năm 1801, nhà sáng chế Pellegrino Turri đã tạo ra giấy than bằng cách phủ mực lên và sau đó đóng lại cùng với sáp. Khi đặt một tờ giấy than giữa 2 tờ giấy trắng và viết lên tờ trên cùng, chữ viết sẽ được in đè xuống bên dưới.
Giống như hầu hết phát minh, giấy than phải mất vài thập kỷ trước khi tính hữu dụng của nó được mọi người chú ý đến. Vào những năm 1870, loại giấy đặc biệt này đã “cất cánh” cùng với sự xuất hiện của máy đánh chữ.
Tại thời điểm đó, nếu muốn tạo ra bản sao khi đang gõ chữ vào giấy trắng, người dùng chỉ cần đặt giấy than ngay sau và đè lên một tờ giấy trắng khác. Thậm chí, nếu đan xen nhiều lớp giấy than và giấy trắng với nhau, người gõ chữ sẽ dễ dàng tạo ra hàng loạt bản sao. Đây được coi là phương pháp copy (tạo bản sao) từ cách đây hơn một thế kỷ.
Cụm từ CC và BCC đã xuất hiện trong các bức thư ở quá khứ. Ảnh: The Cultural Tutor. |
Tất nhiên, do công nghệ thời đó còn thô sơ, người đánh chữ sẽ gặp một số tình huống “dở khóc dở cười” nếu chẳng may quên đặt xen kẽ giấy trắng và giấy than. Trong đó, các dòng chữ sẽ đè lộn xộn lên nhau và không thể đọc được.
Việc sử dụng cụm từ CC khi gửi thư cũng dần trở nên thông dụng hơn, khi người nhận thư sẽ biết được nội dung này đã được chuyển tới những ai. Ngược lại, nếu xuất hiện cụm từ BCC (Blind Carbon Copy), người nhận sẽ không biết bản sao này đang được chuyển đi nơi khác.
Khi máy photocopy trở nên phổ biến vào những năm 1980, giấy than không còn được sử dụng thường xuyên. Đặc biệt, sự ra đời của Internet và thư điện tử lại càng khiến cụm từ CC và BCC ít xuất hiện trên giấy.
Sau này, khi email thịnh hành, tính năng CC và BCC đã xuất hiện trong thư điện tử, với cảm hứng được lấy từ hoạt động sao chép trong quá khứ. Hiện tại, chúng đều là những tính năng rất hữu ích dành cho người dùng.
Hai nhà sáng lập Google tự tay làm nên tất cả
Kể về câu chuyện của 25 doanh nhân của thế giới, sách "Họ đã làm gì để thay đổi thế giới?" vừa là một “kho” tư liệu về tinh thần doanh nhân vừa là nguồn cảm hứng cho những ai muốn tự mình sáng tạo nên những điều ý nghĩa.