13 tuổi, Sơn theo gia đình vào sống tại TP HCM cho đến nay, lưu giữ nguyên vẹn một Hà Nội của thời bao cấp, thậm chí của cổ tích để rồi truyền tải trọn vẹn vào thơ.
Cây bút trẻ Từ Hồng Sơn. Ảnh: N.M.Hà. |
- Những âm thanh nào của Hà Nội từ thời còn nghe được, để lại ấn tượng sâu đậm mà Sơn nhớ tới bây giờ?
Âm thanh tôi nhớ nhất là tiếng pháo Tết mỗi đêm giao thừa nổ đì đùng khắp phố, mà phải là loại pháo Bình Đà nhé, như con rồng đỏ nằm cuộn tròn trong hộp, chỉ chờ một mũi hương châm vào đúng ngòi là thỏa sức gầm thét vang lừng. Tôi nhớ không nhầm thì cuộn pháo dài nhất đốt được 3 phút hay sao ấy. Âm thanh thứ hai là tiếng tàu hỏa lướt qua đường ray trên phố Phùng Hưng (góc Cửa Đông). Đến khi tai khó nghe thì lúc vào lớp 1, chỉ có tiếng trống trường là đủ to để tôi biết đến giờ vào lớp, ra chơi, tan trường.
- Sơn đã trải qua quá trình học tập như thế nào từ khi bị khiếm thính? Trong cái rủi có cái may nào đó?
Suốt 12 năm đời học sinh, tôi luôn được ngồi bàn đầu để nghe cho rõ, mà thực ra để đọc khẩu hình bài giảng từ các thầy cô giáo nhưng không phải lúc nào cũng nắm bắt hết được, nên phải nhờ bạn bè giải thích giùm trên lớp rồi về nhà học thêm từ ông, bà ngoại và mẹ. Hầu như phải chuẩn bị sẵn bài vở của ngày hôm sau để khỏi bỡ ngỡ khi tiếp cận kiến thức mới. Đôi lúc mọi thứ không suôn sẻ nhưng may là mình học bài đầy đủ, may hơn nữa là tôi có trí nhớ tốt. Nói chung, khó khăn vấp phải chủ yếu ở chỗ không tiếp thu đầy đủ nội dung các môn học. Nhưng có lợi thế là yên tĩnh để tập trung bù vào lỗ hổng ấy bằng cách tìm đọc và tham khảo các sách vở có liên quan.
- Việc bị khiếm thính, cụ thể là không trực tiếp nghe được âm điệu của thơ, ảnh hưởng thế nào đến sáng tác cũng như lối viết hoặc cách gieo vần?
Khiếm thính không hề ảnh hưởng gì đến âm điệu và cách gieo vần của tôi, tôi viết khi đã đủ rung động về cảm xúc. Gieo vần thì tôi cũng rất tự nhiên thôi. Nhưng trước đó, rất lâu rồi, từ hồi di cư vào Sài Gòn năm 1993, tôi chưa có nhiều bạn bè nên thú vui duy nhất là đọc sách. Có phải duyên không, khi tôi cầm cuốn thơ Hoàng Cầm và dán mắt vào từng chữ trong đó, dần dần tôi biết đến Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Chế Lan Viên... Sau này tôi nghiệm ra, cách gieo vần không trường lớp nào đào tạo cả, tùy thuộc vào đam mê và tâm hồn người viết.
- Vì sao Sơn chọn học mỹ thuật? Bạn có kế hoạch hoặc mục tiêu gì với ngành đã học?
Vì không nghe được nên tôi phải chọn mỹ thuật để dễ bề thỏa sức sáng tạo mà không phải rập khuôn, gò bó nhiều như đặc tính các trường đại học khác. Cũng vì những năm 1980 ở Hà Nội, bọn trẻ khu tập thể chúng tôi cũng hay vẽ vời này nọ bằng những viên phấn màu, bút chì màu trên bất cứ chất liệu nào kiếm được, mùa nào cũng vẽ, hết nhân vật cổ tích rồi lại đến muông thú. Dần dần quen tay hồi nào chẳng hay và đến khi thi vào mỹ thuật thì được chỉ dạy căn bản cặn kẽ hơn. Tôi học mỹ thuật ứng dụng, tốt nghiệp năm 2006. Tôi cũng có cái lợi là không bị âm thanh tác động mỗi khi đang vẽ theo mạch cảm xúc của mình. Tôi chưa có kế hoạch gì với mỹ thuật vào lúc này, chỉ muốn viết cho Hà Nội trước đã.
- Được biết Sơn sẽ tiếp tục ra những tập thơ về Hà Nội. Ngoài Hà Nội, bạn còn làm thơ về chủ đề gì khác?
Tôi đã viết xong tập 2, đang hoàn chỉnh tập 3, được một nửa bản thảo tập 4, tập 5 sẽ kết thúc trường ca về Hà Nội. Thi thoảng tôi có viết vụn vặt về câu chuyện của bạn bè, ví dụ: "Nhà cũ đập rồi để tổ ấm mới mọc lên/ Sao vẫn tiếc bậc cầu thang đôi khi vấp ngã/ Gửi lại sẹo nơi trán nhăn vất vả/ Biết mai này có nhói lúc nằm mơ...” (Chuyện bên rìa phố)
- Dự định sắp tới trong văn chương của bạn?
Là viết một tiểu thuyết về Hà Nội thời bao cấp, gói gọn trong khu tập thể 63 Lý Nam Đế. Sẽ không có nhân vật chính mà là cả một tiểu đội trẻ con bọn tôi. “Sáng mai đi học đừng quên tớ/ Nhớ rủ lúc khi tạt ngang nhà/ Tớ xếp sẵn cho chồng gạch dở/ Đứng lên mà kéo đủ hồi chuông...”
- Tiêu chuẩn bạn gái của Sơn? Có dứt khoát phải là người Hà Nội?
Tôi mượn lời thơ Quang Dũng nhé: Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Nguyễn Trọng Tạo: Từ Hồng Sơn có cái lạ là không tìm tòi giọng thơ văn xuôi hiện đại kiểu phương Tây như nhiều nhà thơ trẻ hiện nay mà rất phương Đông, ảnh hưởng thơ mới, thơ Đường, thơ tân cổ điển cũng có. Một số bài, cách kết cấu câu gợi nhớ thơ mới, gợi nhớ cả những nhà tân cổ điển như Hoàng Cầm.
Phạm Xuân Nguyên: Chắc chắn các bạn giở tập thơ ra đọc sẽ bị vấp vì rất nhiều từ cổ được lấy lại, phục nguyên, có những từ mới như thổ phách chẳng hạn, và đọc nó không trơn tuột đi được. Và cả những kết hợp từ nữa, đọc rồi không biết ngắt ở đâu cho đúng với câu thơ.
Từ Hồng Sơn: Thổ là đất, phách là hồn, vía. Sau mỗi vụ mùa, nông dân thờ cúng ruộng đồng để mùa sau thu hoạch tốt đẹp. Những người trong phố ở Hà Nội không có ruộng đất nhưng vẫn giữ tục cúng đất. Lúc nhỏ, tôi không hiểu tại sao cả phố mang mâm lễ ra đặt trước cửa nhà, hóa vàng. Sau mới biết để tiễn mùa cũ đi đón mùa mới về. Lúc đầu tôi định đặt tên tập thơ là Hà Nội mùa cúng đất nhưng có vẻ mê tín quá, nên chơi chữ một tí.
Phác thảo mùa
Bông hoa mọc lên từ dưới chân tường
Tiếng chim câu rù rì trên mái ngói
Đám trẻ con xúm xít ngắm tò he
Gánh cơm nắm rộn rã rao đầu chợ
Cốc nhân trần để quên bên cửa sổ
Ban công cong cong mũi sóng đầu thuyền
Tấm rèm xanh phần phật tựa cánh buồm
Lật đật múa hai tay tròn mũm mĩm…
Hà Nội mở cây dù bàng khoe quả chín
Vàng rộn ràng, lúc lỉu cúp lá tơ
Củ khoai lang đảo mật nứt da bơ
Nùi rơm cúi cuốn cốt tre rổ ổi.
Phố nhớ bi-đông lồng cồng ghi-đông xe đạp
Ấm chè tươi rót bát rưới xanh rì
Bếp nhảy lửa đáy nồi cơm nghiến sạn
Vỏ hồng chờ giở áo hạt cốm non.
Ngõ phơi thơm, dải bưởi quấn dây cam
Gió thổi tạt đẩy mùa xông hương quả
Tấm lưng quánh ướt mồ hôi vất vả
Gàu giếng kéo lên dội mát nước mùa.
Ta mê mải chôn chân chiêm ngưỡng phố
Hà Nội chờ em chan dưa giá, tương cà
Chẳng mấy lúc trở về trong thong thả
Nên khó thể nào vẽ phố trọn chân dung.
Thơ Từ Hồng Sơn