Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người vùng lũ cần gì?

Trở về nhà, chị Thúy như chết lặng vì tất cả tài sản bị cuốn theo nước lũ. Chị cần bếp gas, gạo, mắm, muối để nấu cơm, cần sách vở cho bọn trẻ và cần lúa giống cho vụ mùa sắp tới.

mua lu Quang Binh anh 1

Nằm bên sông Kiến Giang, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) được xem là rốn lũ của tỉnh với địa thế thấp trũng. Dù đã quen sống với cảnh lũ lụt, nhưng đợt lũ lịch sử kéo dài gần 2 tuần qua khiến người dân nơi đây không kịp trở tay.

Toàn bộ tài sản bị nhấn chìm, cuốn trôi theo dòng lũ, hàng nghìn hộ dân ở Quảng Bình đang mong nhận được sự hỗ trợ cần thiết trước mắt và lâu dài để sớm gượng dậy sau trận thiên tai khủng khiếp.

Bếp gas, gạo, mắm, muối và nước sạch

Trở về nhà sau hơn ba ngày sơ tán tránh lũ, chị Nguyễn Thị Thúy (43 tuổi, thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh) như chết lặng khi tất cả tài sản trong căn nhà cấp bốn đã bị nhấn chìm, cuốn trôi theo dòng lũ đục ngầu.

Năm 2019, chị Thúy cùng chồng Võ Thành Công và 2 con gái từ Gia Lai về quê ở xã Tân Ninh sinh sống sau nhiều năm buôn ba, lập nghiệp. Cặp vợ chồng sớm ổn định cuộc sống bằng việc chăn nuôi đàn heo nái và trồng lúa. Họ cũng gom góp và xây được căn nhà cấp 4 trên mảnh đất bố mẹ để lại.

mua lu Quang Binh anh 2

Chị Thúy nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau lũ. Ảnh: Phạm Trường.

Chị Thúy kể hôm nước lũ bắt đầu lênh láng nền nhà, chồng chị đã dùng gạch và tấm ván kê lên để vợ cùng 2 con ngồi trên tránh lũ. Nhưng chưa được nửa ngày, nước lũ lên nhanh khiến cả gia đình phải cầu cứu. Chị Thúy cùng các con được người thân đưa về nhà ông bà ngoại cách đó không xa tránh lũ.

Riêng anh Công nán lại canh nước và lo cho đàn lợn cùng tài sản trong nhà. Nhưng dòng lũ cứ thế lên nhanh, chẳng mấy chốc đã ngập tận mái nhà. Trong căn nhà bịt kín tôn, anh Công mắc kẹt. Người đàn ông cố kêu cứu và được người dân tiếp cận rồi đưa đến nơi tránh lũ.

“Lũ lên quá nhanh, chồng tui còn may thoát nạn. Nhưng giờ thì hết rồi, không còn chi nữa, đàn lợn chỉ còn 2 con, rồi tủ lạnh, tivi, sách vở các con cũng ngâm nước hết. Sống đến từng này tuổi, chưa bao giờ tui thấy lũ lớn như thế. Chồng tui ở Gia Lai chưa bao giờ sống với cảnh lũ, chừ e cũng sợ lắm rồi”, chị Thúy nói.

Nhặt từng chiếc áo, từng quyển sách của con hòa lẫn lớp bùn non, chị Thúy rơm rớm nước mắt. Mỗi ngày, ngoài việc dọn dẹp lại nhà cửa, nhặt nhạnh những thứ còn sót, người phụ nữ 43 tuổi còn phải đi xin từng suất cơm và mì tôm để hai vợ chồng có cái ăn. Nhưng thiếu điện, bếp gas ngâm nước lũ khiến họ phải nhai tạm mì gói vì không có nước nóng để pha.

Với chị Thúy, điều cần nhất lúc này không chỉ là bếp gas, gạo, mắm muối và nước sạch để nấu lại bữa cơm nóng cho chồng và các con sau nhiều ngày ăn mì gói mà còn là tấm chăn, quần áo và sách vở cho những đứa con được trở lại trường sau lũ.

Sách vở cho con và lúa giống cho vụ mùa mới

Còn chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (40 tuổi, ở thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh), tình cảnh sau lũ càng thêm bi đát.

Nhà chị là hộ nghèo nhất thôn. Căn bệnh nhiễm trùng máu càng làm người phụ nữ 40 tuổi gầy nhom, như không còn sức lực. Trở về sau những ngày tránh lũ, chị như chết lặng khi toàn bộ tài sản bị nhấn chìm trong nước. Con bò là tài sản duy nhất mà vợ chồng có cũng bị dòng lũ cuốn trôi.

“Không có chi nữa rồi, mất hết rồi, có con bò hộ nghèo làm vốn cũng trôi mất rồi. Chừ không biết lấy tiền mô mà lo cho con đi chữa bệnh nữa…” chị Tâm khóc nghẹn.

mua lu Quang Binh anh 3

Chị Tâm khóc nghẹn khi toàn bộ tài sản và con bò được hỗ trợ cũng bị lũ cuốn trôi. Ảnh: Phạm Trường.

Người phụ nữ kể, bản thân bị nhiễm trùng máu nên mỗi tháng phải vào Bệnh viện Trung ương Huế để lọc máu. Chi phí cho những lần điều trị lên đến tiền triệu khiến cuộc sống gia đình kiệt quệ. Hơn một năm trước, chính quyền hỗ trợ bò giống để thoát nghèo, vui mừng chưa bao lâu khi nghĩ những con bê được sinh ra sẽ dần giúp gia đình vực dậy, có tiền để trang trải cuộc sống, con cái đi học đầy đủ.

Thế nhưng, tai họa ập đến khi người con út mới học lớp 4 bị bệnh tim. Thương cha mẹ lam lũ, con gái đầu học xong lớp 12, dù đậu đại học cũng phải gác lại giấc mơ lên giảng đường để đi làm công ty may phụ giúp gia đình.

Người phụ nữ mong được hỗ trợ chi phí để sớm ổn định cuộc sống, có tiền đưa con đi mổ tim và trang trải nợ nần, vượt qua những ngày khó khăn, thiếu thốn sau lũ.

Bà Dương Thị Đào nói các năm trước chưa từng chứng kiến đợt lũ nào lớn như vậy. Chỉ tay vào vạch đỉnh lũ năm 2010 cách nền nhà hơn 20 cm, bà Đào không nghĩ trận lũ lịch sử năm nay căn nhà lại ngập gần 2 m khiến mọi thứ chìm trong nước.

mua lu Quang Binh anh 4

Hàng tấn lúa của người dân bị lũ nhấn chìm được đưa ra ngoài. Ảnh: Phạm Trường.

Nhìn những bao lúa và đồ nghề thợ mộc hàng chục triệu đồng của chồng con bị nhấn chìm trong nước, bà Đào chỉ ao ước có tiền để mua sắm, sửa lại đồ nghề, bắt đầu lại cuộc sống và học phí của người con gái đang theo học tại Đại học Ngân hàng ở TP.HCM sẽ được hỗ trợ.

Với hơn 10 tấn lúa bị ngập chìm trong nước, ông Dương Phước Đoài (60 tuổi) chỉ dám mong những đoàn cứu trợ và Nhà nước sẽ thu mua và hỗ trợ vốn, giống lúa, phân bón để người dân vùng lũ sớm gượng dậy sau trận lũ lịch sử.

Người dân vùng lũ Quảng Bình cũng chia sẻ ngoài cơm gạo và nhu yếu phẩm cần thiết trước mắt, về lâu dài họ mong được hỗ trợ vốn để sắm lại những gì đã bị lũ trôi mất. Họ cũng ao ước có những căn nhà tránh lũ để yên tâm mỗi khi lũ về.

Cần nhà vượt lũ cho người dân

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh), cho biết đến nay còn hơn 500/1.870 hộ dân bị cô lập do nước lũ.

Trước đó, toàn xã bị ngập sâu từ 1 đến 3 m. Nhiều ngày qua, các đoàn cứu trợ tiếp cận, trao hàng cứu trợ tới người dân.

mua lu Quang Binh anh 5

Hàng trăm hộ dân ở xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh vẫn ngập trong nước. Ảnh: Phạm Trường.

“Xã cũng thành lập ban mặt trận, ứng cứu, hỗ trợ đưa cơm, nhu yếu phẩm cho người dân suốt nhiều ngày trong lũ. Khi nước rút, người dân cần sự hỗ trợ khác để tái lập cuộc sống như mua lại vật dụng gia đình, vật nuôi, giống rau, lúa. 6 tháng tiếp theo người dân mới làm ra hạt lúa nên rất cần lương thực”, ông Hoan nói.

Đối với các em học sinh, có những điểm trường ngập sâu, các gia đình cũng đã ngập đến nóc, trôi sách vở, áo quần nên sự hỗ trợ về sách vở, đồ dùng học tập và quần áo để các em trở lại trường rất cần thiết.

Vị chủ tịch xã cho rằng về lâu dài người dân cần sự hỗ trợ để làm nhà vượt lũ. Là địa bàn thường xuyên xảy ra ngập lụt nhưng có đến hơn 50% số hộ chưa có nhà vượt lũ.

'Lụt làm gạo trôi, thóc trôi, không còn thứ gì trong nhà' "Ăn uống thì chỉ có mì tôm. Lụt làm gạo trôi, thóc trôi, không còn thứ gì trong nhà. Đây là đợt lũ lịch sử, xưa nay chưa từng có", ông Nguyễn Đức Thuận (Quảng Bình) nói.
Phố cổ Hội An chìm trong nước lũ Mưa to cộng thêm các nhà máy thủy điện xả lũ khiến mực nước sông Hoài (TP Hội An) dâng cao gần 2 m. Người dân phố cổ đang phải dùng thuyền di chuyển rất khó khăn.

Vì sao mưa lũ lịch sử xảy ra tại miền Trung?

Sự tương tác của nhiều tổ hợp thời tiết kèm áp thấp nhiệt đới và bão vào dồn dập khiến mưa lũ tại miền Trung kéo dài. Các đợt mưa lớn quá sát nhau, cứ hết đợt này đến đợt khác.

Phạm Trường

Bạn có thể quan tâm