Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Người vợ cá vàng' - bộ phim lãng mạn hóa chuyện ngoại tình của phụ nữ

Phim truyền hình Nhật Bản kể về câu chuyện hôn nhân gắn liền với ngoại tình của sáu người phụ nữ.

Người vợ cá vàng (Tựa gốc: Kingyo Tsuma) chuyển thể từ manga cùng tên của Kurosawa R, phát hành trên Netflix. Phim thuộc thể loại hợp tuyển (gồm nhiều câu chuyện ngắn), khắc họa hoàn cảnh của sáu người phụ nữ khác nhau cùng chuyện hôn nhân không êm đẹp của họ. Các cô vợ lần lượt được đặt biệt danh, cũng là tiêu đề mỗi tập phim.

Tình yêu hậu hôn nhân

Sáu người phụ nữ trong phim kết nối với nhau qua ba kênh: Thầy bói, hình tượng cá vàng và tòa chung cư mà họ cùng sinh sống.

Nhân vật bà thầy bói xuất hiện với ý đồ tăng yếu tố huyền bí nhằm thu hút người xem. Vai trò của bà ta ban đầu là mở lời đề nghị từng người ở nhóm phụ nữ nên cân nhắc nuôi cá vàng trong nhà để hợp phong thủy.

Mỗi khi các bà nội trợ có tâm sự, họ cũng tìm tới bà ta để xin lời khuyên. Đây đáng lẽ là một nhân vật thú vị, song vì đạo diễn không khai thác được hiệu quả nên thành ra thừa thãi, kém hấp dẫn.

Thay vào đó, hình tượng cá vàng chủ đạo lại ít nhiều khiến người xem thích thú, với thông điệp giản dị về tình yêu và hôn nhân.

Một mặt, tựa câu nói “như cá gặp nước”, tình yêu và hôn nhân là sự bầu bạn, sự tương hợp suôn sẻ và tự nhiên. Tuy giản đơn, nếu một mái ấm được dựng xây đúng cách sẽ trở thành nơi chốn trú thân, chống đỡ mọi nghịch cảnh ngoài kia, tựa như loài cá trong bể nước sạch.

Trái lại, giống loài cá khi gặp nước bẩn hay người không chịu chăm sóc, mọi mối quan hệ đều sẽ tan vỡ bất chấp ràng buộc.

Nguoi vo ca vang anh 1

Tác phẩm nhiều lần lãng mạn hóa chuyện ngoại tình của phụ nữ.

Cá vàng cũng là hình ảnh ẩn dụ cho những thân phận phụ nữ. Họ chẳng khác nào những con cá sống trong cái bể ngột ngạt mang tên “hôn nhân”, thừa mứa vật chất nhưng thiếu thốn tình yêu và sự sẻ chia đến tận cùng.

"Người vợ cá vàng” Sakura Hiraga (Ryoko Shinohara đóng) còn bị chồng bạo hành. Trong cơn thịnh nộ, bể cá vàng cô mới mua bị người chồng đập bể. Thời khắc khua tay qua lớp kính vỡ để cứu lấy con cá cũng là lúc Sakura nhận ra cô phải tự cứu lấy mình.

Tình tiết móc nối thứ ba được thể hiện duy nhất ở trong tập đầu tiên: Tòa nhà nơi các gia đình cùng sinh sống, nhằm truyền tải thông điệp những cuộc hôn nhân nguội lạnh và bạo hành gia đình có thể xảy ra với bất cứ ai. Song hành với cuộc đấu tranh về tình yêu và hạnh phúc, những con người ở đây cũng đang đấu tranh ở một chiến trường khác khốc liệt không kém: Tiền bạc và sự gia tăng địa vị ở thành phố lớn.

Trong phim, có một nghịch lý là gia đình nào càng ở lầu cao, càng giàu có, thì cuộc hôn nhân của họ càng bí bách và khó cứu vãn.

Điều này phản ánh thêm thực tế khắc nghiệt, rằng hôn nhân vốn chỉ là một bản hợp đồng xã hội nếu không có tình yêu, nơi hai con người lợi dụng lẫn nhau vì vật chất.

Cốt truyện còn đơn giản, non yếu

Ngoài những cảnh sex mạnh bạo, không che chắn để câu khách, nhà làm phim cho thấy nỗ lực thể hiện nhiều chủ đề khác nhau: Hôn nhân, gia đình, tình yêu và đặc biệt là ngoại tình.

Tuy nhiên, cốt truyện còn non khiến thông điệp quan trọng mất đi giá trị và vẫn bị lép vế khi đặt cạnh yếu tố gây sốc.

Phim còn nhiều chi tiết thiếu thuyết phục người xem, như khi chồng của “người vợ đi tìm nhân tình” (Shizuka Nakamura) từ chối quan hệ tình dục với cô vì… chưa muốn có con. Tuy dám thể hiện nhiều cảnh sex bốc lửa, phim không đề cập đúng kiến thức tình dục lành mạnh đơn giản nhất, đó là sử dụng biện pháp tránh thai.

Đó còn là khi “người vợ cá vàng” bỏ nhà ra đi và lập tức rơi vào tay một chàng trai trẻ, kém tuổi, đẹp trai và là người thừa kế duy nhất của một gia đình tài phiệt.

Câu chuyện tình yêu mang hơi hướm cổ tích có thể hợp lý với những khán giả trẻ, nhưng sẽ khó lòng chinh phục bộ phận người xem trưởng thành hơn.

Nguoi vo ca vang anh 2

Nhiều tình huống trong phim không hợp lý.

Ngược lại, ở một số tập phim khác, sự đơn giản trong cách kể vẫn đem lại hiệu quả, như câu chuyện được xây dựng khá tròn trịa của nhân vật “Người vợ cơm trưa” (Saori Seto).

Ngôn ngữ tình yêu của cô thoạt nhìn tưởng đơn giản: Cô giỏi việc nội trợ và yêu thích việc làm ra những hộp cơm bento cho chồng mang đi làm mỗi ngày. Trong khi người chồng cho đó là lẽ đương nhiên, người tình của cô lại trân trọng và ăn rất ngon miệng những món cô nấu.

Không chỉ đẩy trách nhiệm về phía nam giới, cách gắn người phụ nữ với hình ảnh “con cá vàng” trong bể nước cũng phần nào thể hiện sự yếu đuối, “cá chậu chim lồng”.

Tác phẩm có cố gắng thể hiện nhiều khía cạnh của tình yêu và hôn nhân, nhưng sự non nớt trong tư tưởng và lạm dụng các yếu tố gây sốc vô tình làm phản tác dụng. Các bà nội trợ đều là nạn nhân của những lề thói cổ hủ ở một đất nước mà vấn nạn phân biệt giới tính còn nặng nề như Nhật Bản.

Kể cả khi họ bước đầu nhận ra sự thật, họ cũng không có nhiều lựa chọn. Chỉ đến khi những người đàn ông trong phim chịu thức tỉnh và thay đổi, thì người vợ mới tìm ra lối thoát.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm