Theo báo cáo từ Nielsen, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người tiêu dùng để tiền vào các tài khoản tiết kiệm trong số các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, Việt Nam có tỷ lệ dân số đầu tư vào chứng khoán ít nhất.
Trong khi đó, chỉ 18% người Việt đầu tư vào chứng khoán, thấp hơn hẳn Malaysia với 33%, Indonesia với 32% và Thái Lan với 30%.
Báo cáo cũng cho thấy, 86% dân số Việt Nam có sự điều chỉnh thói quen chi tiêu trong 12 tháng trở lại đây. Nguyên nhân là người dân cho rằng, đất nước đang trải qua thời kỳ kinh tế khó khăn. Khoảng 60% dân số cắt giảm các chi tiêu liên quan tới vui chơi giải trí để tiết kiệm.
86% dân số Việt Nam có sự điều chỉnh thói quen chi tiêu trong 12 tháng trở lại đây. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Tuy vậy, người tiêu dùng Việt vẫn được đánh giá là những người lạc quan, khi mà Việt Nam đứng hạng 9 trong bảng xếp hạng các quốc gia lạc quan nhất thế giới của Nielsen. Một điểm đáng chú ý đó là người dân Việt Nam thuộc nhóm những người quan tâm tới tình hình kinh tế của quốc gia nhất trong khu vực cũng như toàn thế giới. Khoảng 18% người dân Đông Nam Á cho rằng, tình hình kinh tế là mối bận tâm lớn nhất của họ trong khoảng thời gian 6 tháng tới. Tại Việt Nam, con số này lên tới 28%, và trên toàn cầu con số trung bình là 25%.
Người Việt cũng tỏ ra lo lắng với sự ổn định công việc của mình. 27% cho rằng, ổn định công việc là mối bận tâm lớn nhất với họ, cao hơn mức 14% trung bình trên toàn thế giới. Báo cáo cũng cho biết, bên cạnh sự ổn định trong công việc, người Việt cũng giành sự quan tâm lớn tới việc cân bằng công việc, cuộc sống cũng như sức khoẻ của bản thân.