“(Chính quyền) khuyến cáo không ra ngoài, nên còn ai dám đến nhà nhau chúc Tết”, Đỗ Quang Duy, 32 tuổi, đang theo học Đại học Địa chất Trung Quốc (cơ sở Vũ Hán), nói với Zing.vn từ Vũ Hán.
Hạn chế ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với người khác là cách mà những người Việt ở Vũ Hán tự bảo vệ mình, ngoài việc tăng cường sức đề kháng.
“Mình vẫn phải ra ngoài vài lần - như thế là tương đối nhiều. Có những người hạn chế tuyệt đối... nhất là đúng dịp Tết, cơ quan xí nghiệp nghỉ hết, chủ yếu là ở nhà”, Duy nói.
Thành phố sầm uất hóa vắng lặng
Thành phố Vũ Hán những ngày giáp Tết Nguyên Đán là một nơi “hoang vắng”, theo lời kể của anh sau khi ra siêu thị mua đồ ăn.
“Bên ngoài đường sá vắng lắm. Vũ Hán là thành phố top đầu Trung Quốc, mình không tưởng tượng nổi thành phố sầm uất như vậy giờ lại cảm giác rất hoang vắng”, anh nói.
Để đi từ ký túc xá tới siêu thị và quay về, anh đếm được tới 6 “chốt” kiểm tra thân nhiệt. Khi xuống cổng ký túc xá, bảo vệ lấy máy kiểm tra thân nhiệt. Ra đến cổng trường cũng có nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ. Trước khi vào siêu thị lại có trạm kiểm tra.
“Khi đi ba lần, quay về cũng ba lần như vậy”, sinh viên theo học Thạc sĩ ngành kỹ thuật môi trường chia sẻ.
Kiểm tra thân nhiệt tại ký túc xá. Sinh viên và nhân viên trường đều đeo khẩu trang. Ảnh: Đỗ Quang Duy. |
Duy cho biết đã “mua rất nhiều hoa quả” nhằm “tự tăng cường sức đề kháng”. Nhưng giá cả leo thang và hàng hóa khan hiếm, phần vì siêu thị đóng cửa nghỉ Tết, phần vì dịch bệnh. Các chợ đa phần đóng cửa do chính quyền khuyến cáo tư thương không kinh doanh nữa, để tiến hành phun thuốc tẩy trùng.
“Không biết khi nào dịch bệnh mới hết, không biết 10, 15, hay 20 ngày... nên mọi người có tâm lý đi mua tích trữ rất nhiều. Bó rau bình thường giá tương đương 20 nghìn Việt Nam, hôm đấy lên tới 70-80 nghìn”, anh nói. “Mình hỏi, mọi người bảo chiều đi là không còn (hàng) nữa, chỉ buổi sáng mới có”.
Các kệ hàng trống trơn tại một siêu thị ở Vũ Hán. Ảnh: Đỗ Quang Duy. |
Sống ở Vũ Hán cùng vợ và con gái, Duy đã nghĩ “vấn đề đã thực sự nghiêm trọng” khi lệnh cấm đi lại được đưa ra, sân bay, ga tàu điện, bến xe ngừng hoạt động.
Các biện pháp của chính quyền Vũ Hán được anh đánh giá là “mạnh tay” bao gồm việc tiệt trùng ở nhiều cơ quan, xí nghiệp, khu chợ, đường xá, khuyến cáo người dân không ra đường. Anh được phát khẩu trang N95 - loại khẩu trang y tế có thể lọc bụi tốt hơn khẩu trang vải thông thường.
Khó xử khi cần tới bệnh viện
Các video, hình ảnh mà Duy chia sẻ, cũng như các hình ảnh trên báo chí và mạng xã hội cho thấy tình trạng báo động cao đang bao trùm lên các thành phố lớn Trung Quốc những ngày qua. Chẳng hạn như cảnh đo thân nhiệt kiểm tra nhiệt độ của từng hành khách trên các chuyến bay, hay cảnh phun thuốc tẩy trùng.
Một chiếc khẩu trang mà Đỗ Quang Duy được phát. Ảnh: Đỗ Quang Duy. |
Duy cho biết chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi hạn chế đi lại, nhưng tác động của dịch virus corona về mặt tâm lý là rất lớn.
Anh cảm thấy “rất bất an”, khi số ca nhiễm bệnh, tử vong liên tục tăng, chỉ từ vài chục lên tới hàng trăm chỉ sau vài ngày. “Trong khu vực mình có ai bảo bị ốm hay sốt là rất bất an”.
Tối ngày 22/1, sự hoang mang còn lên cao hơn khi chính anh phải quyết định xem có đưa con gái 9 tháng tuổi đi khám hay không. Anh an tâm vì cháu không có dấu hiệu sốt, nhưng bé gái lại nôn và chớ quá nhiều.
“Hai bố mẹ rất lo lắng, rất sợ... nếu đi viện, không may gặp người nào mà đang ủ bệnh, nên mọi người khuyên cứ hạn chế (ra ngoài), theo dõi xem thế nào”, Duy kể lại.
Nhưng cháu không đỡ, và vợ chồng anh Duy vẫn đưa con gái đi viện của trường, rồi chuyển lên bệnh viện tuyến trên, giữa trời mưa vào sáng hôm sau. Đến chiều tối, cháu bé được ra viện và mau chóng khỏe lại. Ở trong viện, họ hạn chế tiếp xúc với mọi người.
“Ai cũng đeo khẩu trang phòng độc 'rất hầm hố', loại tốt ấy, có cả lỗ thở lọc không khí cẩn thận”, anh mô tả những gì chứng kiến trong bệnh viện.
“Khi tới bệnh viện của trường, có thể thấy rõ bác sĩ rất lo lắng, đầu tiên kiểm tra ngay thân nhiệt xem có sốt hay không”.
“Bây giờ rất lo, rất lo nhưng thật sự ngoài ở lì trong nhà và chờ đợi tin chính thống ra thì không biết phải làm gì”, Nguyễn Thị Ngọc Nuôi, một du học sinh khác ở Vũ Hán, nói với Zing.vn.
“Cái Tết thì nhà nào ăn riêng nhà đó, không hội họp gặp gỡ gì hết. Tạm thời ở yên trong nhà, trong nhà thì vẫn nấu các món Việt hay học bài”.
“Đeo khẩu trang vào ai cũng đẹp”, Ngọc Nuôi nói đùa, kèm theo bức ảnh về kệ siêu thị không còn hàng. Ảnh: Nguyễn Thị Ngọc Nuôi. |
Chị cho biết một số bạn bè du học sinh ở Vũ Hán dự kiến họp mặt đêm 30 Tết. Nhưng “bàn qua bàn lại tới hôm 27 thì hơi lăn tăn rồi hủy luôn”, do đi lại khó khăn.
“Nhà mình có 5 người nên nhiêu đây thực phẩm không rõ qua được 14 ngày không”, chị nói đùa.
Về được nhưng không biết sao qua được
Anh Duy cho rằng bị ảnh hưởng lớn nhất là nhiều người trong số “vài trăm” người Việt ở Vũ Hán đã về nhà ăn Tết, không biết bao giờ sẽ sang lại được, khi sân bay, tàu điện chưa mở cửa.
“Mọi người còn phải học tập, làm việc, có thể còn công trình đang làm dở, cần sang gặp gỡ, trao đổi”, anh nói thêm, và cho biết gần như toàn bộ khoảng 70 người Việt ở trường mình đã về Việt Nam.
Bùi Đức Anh Linh, 30 tuổi, cũng cảm thấy “hoang mang” vì không biết lúc nào có thể quay lại Vũ Hán. Lịch nghỉ kéo dài tới giữa tháng 2 nhưng các trường đang yêu cầu sinh viên chờ thông báo sau, khi sân bay, tàu hỏa bình thường trở lại.
“Mình năm tới là năm cuối, kỳ tới phải chuẩn bị bảo vệ, mà quy trình bảo vệ rất dài, không biết đợt tới sang muộn thì có kịp tiến độ hoàn tất hay không”, anh nói.
Từng là hội phó hội sinh viên một trường ở Vũ Hán, Linh cho biết tính riêng hội du học sinh Việt Nam ở Vũ Hán có khoảng 400 người. Anh và gần như tất cả 400 sinh viên Việt Nam trong hội sinh viên ở Vũ Hán đã về nghỉ Tết “từ ngày 14-15/1”. Số sinh viên ở lại Vũ Hán tính đến nay là khoảng 17 người, theo một nhóm chat được lập ra để thống kê những ai ở lại.
“Một số người ở lại do công việc, học tập, nghiên cứu, hoặc định ở lại ăn Tết, nhưng vì dịch mà họ lại không thể ra ngoài đường”, Linh nói với Zing.vn từ Hà Nội.
“Ai gõ cửa sẽ vừa tiếp chuyện, vừa đeo khẩu trang”
Trong khi đó, dù cách xa Vũ Hán, nhưng tâm trạng ở thủ đô Bắc Kinh cũng “căng thẳng”, theo một số du học sinh Việt Nam.
“Mặt hàng bán chạy nhất là khẩu trang. Em đến nhà thuốc đầu tiên, chưa kịp nói câu nào thì dược sĩ đã bảo cháu mua khẩu trang đúng không, nhưng khẩu trang bán hết từ lâu rồi”, T.N.Q. nói với Zing.vn từ Bắc Kinh.
Hai người hôn nhau qua lớp khẩu trang, trong bức ảnh không rõ địa điểm mà Duy được bạn bè chia sẻ. |
Phải đi một số nhà thuốc rồi vào siêu thị, Q. mới mua được khẩu trang loại N95. Cô cho biết giá đã lên 12-15 tệ so với 10 tệ thường ngày. “Nhưng may quá em cũng mua được hàng chục cái để phòng thân rồi”, Q. nói, đề nghị giấu tên.
“Em mua rất nhiều đồ ăn, ăn nửa tháng luôn để hạn chế ra ngoài, hạn chế tiếp xúc”, Q. chia sẻ. “Thậm chí trong ký túc xá, nếu ai đó gõ cửa mà muốn tiếp chuyện với người ta thì cũng đeo khẩu trang, vừa phòng cho mình vừa cho người khác nữa”.
Trường của T.N.Q. ở Bắc Kinh chỉ còn hai người Việt Nam. Dịch virus gây viêm phổi diễn ra đúng lúc người Bắc Kinh về quê ăn Tết, vắng người. Nhưng đây là một cái Tết có phần lo lắng.
“Em lo là tầm khoảng tuần sau nữa mà mọi người từ quê đổ xô về Bắc Kinh, không biết mình đã khống chế được dịch bệnh này chưa”, Q. nói.
“Theo em biết thì tình hình bên đó khá căng thẳng”, Ly Nguyễn, một du học sinh khác tại Bắc Kinh, nói với Zing.vn khi đang ở Việt Nam ăn Tết. “Một số trường đã có lịch nghỉ kéo dài cho du học sinh”. Ly cho biết có thông báo của trường yêu cầu ai đi lại Vũ Hán thì phải báo về trường gấp để tiến hành kiểm tra sức khỏe.