Anh Đoàn Mạnh Cường (24 tuổi, học viên thạc sĩ về răng hàm mặt và đã sống ở Kharkov khoảng 10 năm) cho biết: "Ở Kiev, chỉ trong trung tâm mới hỗn loạn chứ các khu vực khác vẫn bình thường. Tôi có 2 người bạn cùng học thạc sĩ ở Kiev đã về Việt Nam lánh nạn. Trên đó một số người Việt tôi liên lạc nói nhiều bà con đã không đi chợ nữa. Một phần bà con về Việt Nam để chờ tình hình yên ổn rồi mới quay lại".
Quảng trường Độc lập sau bạo động. Ảnh: Getty. |
Ở đây cũng bắt đầu có những dấu hiệu đáng ngại. Hôm qua người ta xếp hàng rất đông để mua xăng. Người ta không cho chuyển xăng về vì sợ người dân dùng cho mục đích xấu. Ngân hàng lớn nhất ở Ukraina PrivatBank giờ đã hạn chế tiền rút nên mỗi người chỉ rút được rất ít. Người ta muốn hạn chế số tiền ở ATM.
Dân ở Kharkov nhìn chung lo lắng. Công việc của cộng đồng mình bên đây chủ yếu là đi chợ, buôn bán nhỏ nên ảnh hưởng rất lớn từ giá ngoại tệ. Đồng hryvnia 2 tháng trước là khoảng 1 USD ăn 8 hryvnia. Giờ thì 1 USD ăn tới 9-10 hryvnia (giá nội tệ Ukraina đã rớt 10% từ đầu năm tới nay). Điều này ảnh hưởng rất lớn tới buôn bán.
Ngoài ra, một số cơ quan chính phủ của Ukraina gần như tê liệt. Ở Kiev vật giá cũng bắt đầu leo thang, nhất là thuốc và thực phẩm khan hiếm và lên giá".
Ông Phạm Văn Điền (55 tuổi, làm nghề buôn bán ở Kiev và sống tại Ukraina từ năm 1998 tới nay) chia sẻ: "Tình hình trong trung tâm mới hỗn loạn, còn ở các quận phía ngoài vẫn khá yên bình, mình cũng chưa thấy hỗn loạn. Chợ Việt Nam ở Troeshina (chợ người Việt lớn nhất ở Kiev) hôm 20/2 có đóng cửa một bữa nhưng nay mua bán lại bình thường.
Ở chợ với dân bán đồ mình cũng chưa thấy ai bỏ về. Một số người nghỉ vì sợ không an toàn nhưng ở chợ Troeshina mọi thứ vẫn bình thường. Khoảng 10h hôm qua, một số người biểu tình tới quận gần chợ. Mọi người sợ cướp bóc nên mới nghỉ cả ngày. Hiện tại mọi người vẫn bán hàng bình thường. Đương nhiên ở Kiev, một số tụ điểm bán hàng Việt khác có đóng cửa vì ảnh hưởng của biểu tình.