Nguyễn Bích Trà, du học sinh Australia cho biết, các thành phố tại Australia thường bắn pháo hoa để chào năm mới và pháo hoa ở thành phố Sydney là đẹp nhất.
“Tại khu mình ở, mọi người thường ra bờ sông ngắm pháo hoa. Tuy nhiên, năm nay, mình xem pháo hoa trên đồi. Nơi đó có thể nhìn ra thành phố”, Trà chia sẻ với Zing.vn.
Mọi người tập trung bên bờ sông ở thành phố Sydney, Australia để tham dự chương trình đón năm mới. Ảnh: Nguyễn Tuyết Trang |
Nguyễn Tuyết Trang, sống tại thành Sydney, cho biết, cô và gia đình đón năm mới tại khu phố mà gia đình đang sống chứ không lên trung tâm thành phố để xem pháo hoa.
Theo Trang, người dân ở thành phố Sydney, Australia tổ chức một chương trình đón năm mới tại bờ sông Chipping Norton Lake. Sự kiện diễn ra từ 17h đến 21h (theo giờ địa phương). Sau đó là màn bắn pháo hoa chúc mừng năm mới.
Nhớ nhà
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hòa, nghiên cứu sinh năm cuối tại Đại học Kyoto, Nhật Bản, cho biết sự khác biệt giữa đón Tết của người Việt ở Việt Nam và ở Nhật là địa điểm đón giao thừa. Vào đêm giao thừa, ở Việt Nam, người ta thường đến các điểm bắn pháo hoa hoặc quây quần bên nhau tại nhà, thì ở Nhật, mọi người đến đền, chùa để cầu nguyện sau đó tới các địa điểm vui chơi.
"Dự định của tôi năm nay sẽ khác năm ngoái vì tôi sẽ tốt nghiệp và trở về bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, nơi tôi công tác để làm việc. Ngoài công việc chuyên môn ở bệnh viện, tôi dự định sẽ cùng với anh em đồng nghiệp đến với cộng đồng nhiều hơn, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa để tuyên truyền giáo dục sức khoẻ và khám bệnh cho người dân địa phương. Mong ước lớn nhất của tôi luôn là sức khoẻ, bởi vì có sức khoẻ tôi sẽ thực hiện được những dự định của mình", anh Hòa chia sẻ.
Nhóm du học sinh Việt du xuân trong ngày đầu năm mới tại khu vui chơi Yokohama Red Brick Warehouse, Nhật Bản: Ảnh: Trường Sơn |
Đối với những du học sinh như Hòa, khi năm hết Tết đến, anh thường nghĩ đến gia đình và nhớ cảm giác cả nhà sum vầy đoàn viên bên nhau trong bữa cơm chiều 30 Tết. Mặc dù xa quê, năm nào anh cũng cùng bạn bè tập trung ăn bữa cơm tất niên. Điều đó giúp mọi người nguôi đi cảm giác nhớ nhà.
"Đầu năm 2016, tôi sẽ tốt nghiệp và về Việt Nam nên đây sẽ là cái Tết cuối cùng xa quê. Tôi rất vui vì từ sau sẽ được sum vầy cùng gia đình, nhưng tôi cũng buồn vì phải xa anh em bạn bè nơi đây. Tôi xin gửi lời chúc mừng năm mới tới những người trong gia đình, anh em, bạn bè và độc giả Zing.vn một năm mới hạnh phúc và bình an", anh Hòa gửi lời chúc năm mới tới mọi người.
Phạm Tiền, du học sinh tại Nhật Bản, cho biết, anh sẽ đón năm mới cùng bạn bè tại thành phố Kyoto. “Chúng mình sẽ tụ tập và ăn uống tại nhà một người bạn. Sau đó, cả nhóm ra chùa Hyakumanben Chionji để cầu may”, Tiến nói.
Phạm Tiền, du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, đi mua sắm dịp năm mới cùng bạn bè. Ảnh: Phạm Tiền |
Theo Tiền, mọi người trong vùng thường đến ngôi chùa này vào đêm giao thừa để sờ vào tràng hạt to và dài nhất Nhật Bản, cầu nguyện cho năm mới an lành và đánh chuông chùa để một năm mới bình an, xua tan mọi điều không may mắn.
“Tiếp đến, chúng mình sẽ ra đền Shimogama ở sông Kamo để cầu nguyện và bày tỏ sự tôn kính với đấng sinh thành. Cuối cùng là đốt pháo hoa ở bờ sông và đi chơi Bowling”, Tiền háo hức kể.
Chị Phạm Thúy, người Việt làm việc tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, cho biết người Trung Quốc chủ yếu coi trọng Tết âm lịch nên những ngày đầu năm mới dương lịch thường chỉ nghỉ ngơi và không có nhiều hoạt động đặc biệt. Chị Thúy cho biết mong muốn trong năm 2016 là con trai khỏe mạnh và công việc gặp nhiều may mắn.
Chia sẻ với Zing.vn, anh Tuấn Linh, người Việt đang công tác tại Philippines cho biết những ngày cuối năm, người dân quốc đảo Đông Nam Á đổ tới các khu siêu thị, cửa hàng để mua đồ chuẩn bị năm mới. Không khí háo hức và người dân sẽ đốt pháo vào dịp giao thừa. Tuy nhiên, thủ đô Manila cũng thoáng đãng hơn ngày thường vì nguời dân về quê ăn Tết nhiều.
Nguyễn Cao Hồng Ngọc và Đỗ Kiên Trung, du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, đón giao thừa cùng bạn bè tại chùa Hyakumanben Chionji, thành phố Kyoto. Ảnh: Phạm Tiền |
Chị Thuy Nguyen, người Việt sống tại Philippines, lại có cảm nhận rất riêng về Tết dương lịch. Trên Facebook cá nhân, chị chia sẻ: "Đêm cuối năm. Trời mưa rả rích. Pháo nổ đì đùng. Tiết trời se se lạnh. Do ảnh hưởng của văn hóa Mỹ, Tây Ban Nha và dân chủ yếu theo đạo Thiên chúa, Philippines chỉ có Noel và Tết tây.
Những ngày này không khí ở đây cũng tựa như Tết ở Việt Nam vậy. Đường phố, chợ, siêu thị, các khu mua sắm đông vui tấp nập. Mọi quầy tính tiền đều xếp hàng dài. Người dân nô nức mua sắm.
Nhà nào cũng mua các loại quả tròn về để cầu cho năm mới được tròn trịa, như ý. Đêm Noel cả nhà quây quần bên cây thông và vui vẻ tặng quà, bóc quà. Nửa đêm Noel và giao thừa, cả nhà cùng ăn uống. Món truyền thống thường có spaghetti, thịt nguội, bánh ngọt, gà nướng…
Năm nay, nem rán thành món chủ đạo cho đêm Noel còn lẩu thập cẩm soán ngôi trên mâm cơm giao thừa.
Sáng sớm là lúc trẻ con kéo nhau đi các nhà xin tiền mừng tuổi. Ngoài phố, lũ trẻ cầm những chiếc hộp dán giấy màu có khe để đi xin tiền. Anh em họ hàng cũng tập trung ăn uống, phát vốn cho nhau bằng những tờ tiền mới".
Ấm áp tình người ở đất khách
Các bạn sinh viên Azerbaijan bên mâm cơm cuối năm. Ảnh: NVCC |
Bạn Trương Linh, sinh viên Đại học Ngoại giao ADA, thủ đô Baku, Azerbaijan, chia sẻ, tại Baku hiện chỉ có khoảng 20 sinh viên gồm phần lớn là sinh viên trường Dầu khí (nhận học bổng của tập đoàn VietsovPetro) và 3 bạn của Đại học Ngoại giao ADA.
"Năm nào cũng vậy, cô Hương (chủ tịch hội người Việt tại Azerbaijan) đều tổ chức đón Tết cho các sinh viên đang học tại Azerbaijan, vừa tạo không khí sum vầy ấm cúng, vừa giúp các bạn nguôi nỗi nhớ nhà", Linh chia sẻ.
Tuấn Anh (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn háo hức đón năm mới 2016. Ảnh: NVCC |
Năm mới 2016 gõ cửa các quốc gia châu Âu muộn hơn châu Á vài tiếng. Bạn Trịnh Đình Tuấn Anh, du học sinh tại Anh, cùng nhóm bạn rất háo hức chờ đón khoảnh khắc giao thừa ở vòng quay London Eye ở thủ đô London đêm 31/12. "Mình đã xếp hàng để mua vé từ 5h chiều. Dù rất đông nhưng mọi người đều thân thiện và đều chung tâm trạng hồ hởi. Đặc biệt, việc di chuyển bằng phương tiện công cộng đều miễn phí. An ninh được thắt chặt".
"Khoảnh khắc pháo hoa rực sáng trên bầu trời thật tuyệt vời. Mọi người ôm hôn nhau và dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho năm mới. Đó là những giây phút thật ấm áp", Tuấn Anh nói và khẳng định, ai cũng tự hào vì được chiêm ngưỡng pháo hoa tại nơi đắt đỏ bậc nhất thế giới.
Theo chàng sinh viên năm cuối, năm nay hàng nghìn người thực sự thỏa mãn với bữa tiệc pháo hoa 12.000 bông rực sáng bên dòng sông Thames.
Bạn Đỗ Kiên Trung, nghiên cứu sinh tại Đại học Kobe (Nhật Bản), dành tặng độc giả Zing.vn bài thơ nói thay nỗi lòng của những người Việt đang sống xa quê hương. Đây cũng là lời chúc mừng năm mới mà anh Trung muốn dành tặng mọi người.
"Thu qua, đông đến xuân lại tới
Mưa ngớt, mây buồn bay lãng du
Hoa mai, hoa đào hay trông ngóng
Người đi xa mãi, nay chưa về
Quê hương - hai tiếng sao thổn thức
Bước chân lãng khách vẫn bồn chồn
Nơi xa kia đó gia đình đợi
Ánh mắt mẹ cha phía chân trời".