Một cư dân mạng lập trang Facebook "Help Nina Pham" để kêu gọi mọi người quyên góp tiền giúp cô.Facebook. |
Báo chí địa phương cho biết cộng đồng người Việt ở Dallas rất lo ngại trước thông tin Nina Phạm nhiễm Ebola. Một số người dân ở giáo xứ Đức mẹ Fatima tại Fort Worth, nơi gia đình Nina sinh sống, đang lo sợ vì đã tiếp xúc trực tiếp với mẹ của Nina mấy ngày qua.
"Nhiều người gốc Việt không nắm rõ thông tin về dịch bệnh này nên đang rất bối rối", New York Times dẫn lời ông Tom Hà thuộc giáo xứ Đức mẹ Fatima cho hay.
Henry Đinh, sinh viên Đại học UTD ở Dallas, cho biết anh rất buồn khi nghe thông tin này. "Tôi và bạn bè đều sốc và có phần lo lắng vì dịch bệnh Ebola đã xuất hiện rất gần kề mình. Một trường tiểu học gần nhà đã phát thông báo về tình trạng an toàn của trường cho phụ huynh", Henry kể.
Anh khẳng định nhiều người dân thành phố vừa lo sợ vừa giận dữ vì việc hàng không Mỹ để lọt một bệnh nhân Ebola nhập cảnh.
Chị Vũ Thị Thúy Anh, sống ở thành phố Houston, cách Dallas 4 giờ chạy xe, kể chị cũng như bạn bè đều rất lo lắng và đau xót khi nghe tin về Nina. Chị và nhiều người gốc Việt tại Texas rất bức xúc vì bệnh viện Texas Health Presbyterian đã không phản ứng hiệu quả khi tiếp nhận bệnh nhân Duncan.
Nina Phạm, 26 tuổi, là người Mỹ gốc Việt, lớn lên trong một gia đình ở làng Bentley, thành phố Fort Worth, bang Texas. Cô là y tá tại bệnh viện Texas Health Presbyterian.
Đây là nơi công dân Liberia Thomas Eric Duncan từng được điều trị bệnh Ebola trước khi qua đời hôm 8/10. Nina Phạm là một trong 50 nhân viên y tế được bệnh viện giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc Duncan.
Hơn 4.000 người đã thiệt mạng
Theo AFP, hôm 14/10, một nhân viên Liên Hợp Quốc nhiễm Ebola ở Tây Phi đã qua đời tại Đức. Tổ chức Y tế thế giới cho biết đến nay 4.447 người thiệt mạng trong tổng số 8.400 trường hợp nhiễm bệnh ở Tây Phi.
Các nhà nghiên cứu tin rằng cậu bé hai tuổi Emile, qua đời ngày 23/12/2013 ở làng Meliandou, tỉnh Gueckedou tại Guinea, là nạn nhân đầu tiên của đại dịch Ebola ở Tây Phi.
Hôm 14/10, Bộ Y tế Canada tuyên bố sẽ thử nghiệm vắc xin chống Ebola có tên VSV-EBOV. Một loại vắc xin khác do hãng dược GSK và Viện Y tế quốc gia Mỹ đang thử nghiệm ở Mali.
Hiện chưa loại thuốc nào được công nhận là chữa trị Ebola hiệu quả, nhưng nhà chức trách Mỹ đã đồng ý sử dụng loại thuốc thử nghiệm ZMapp của hãng dược Mapp Bio và TKM-Ebola cho các bệnh nhân Mỹ.
Hai nhân viên y tế Mỹ và một nữ y tá Anh được điều trị bằng thuốc ZMapp đã khỏi bệnh, song một nhà truyền đạo 75 tuổi người Tây Ban Nha đã qua đời dù tiếp nhận loại thuốc này. Liberia cũng dùng ZMapp để chữa trị 3 bệnh nhân, một người đã qua đời.