Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người Việt ở Moscow: Tôi phải đưa con vào rừng tránh dịch

Người Việt sống ở Moscow - tâm dịch của Nga - chia sẻ cuộc sống khi áp đặt lệnh phong tỏa không quá khác biệt so với ngày bình thường, và nhiều người không còn lo lắng như trước.

dich Covid-19 bung phat o Nga anh 1

Trong khoảng thời gian toàn nước Nga bước vào một tuần nghỉ việc có lương - từ hôm 30/10 đến ngày 7/11, nhà chị Huyền - 39 tuổi, người Việt sinh sống tại Moscow - cùng 5 gia đình khác thuê 2 căn nhà gỗ tách biệt trong rừng ở vùng ngoại ô cách thủ đô khoảng 130 km “để vừa tránh dịch, vừa giúp các con có không gian vận động và vui chơi”.

Nga đang là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu trong đại dịch. Ngày 6/11, lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 nước này báo cáo kỷ lục 41.335 ca nhiễm mới trong 24 giờ và 1.188 ca tử vong, Moscow Times đưa tin.

Để khống chế sự lây lan của dịch bệnh, Moscow tiến hành lệnh phong tỏa một phần từ ngày 28/10, với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất kể từ tháng 6/2020.

Chính quyền yêu cầu chỉ cửa hàng thiết yếu như hiệu thuốc hay siêu thị mở cửa, dịch vụ ăn uống cho bán hàng mang về. Vì vậy, chị Huyền - chủ một quán ăn ở Moscow - cũng quyết định cho nhân viên của quán tạm nghỉ vì không còn được phục vụ tại chỗ.

Diệu Anh - người Việt sinh sống tại Moscow - nhận định đợt phong tỏa lần này không căng thẳng như trước là phải ở nhà phần lớn thời gian.

"Đợt này tôi vẫn được ra ngoài, chỉ là phải chú ý hơn và hạn chế tới nơi đông người", chị nói. "So với đợt đầu, hiện tại nhiều người Nga không còn lo lắng".

Đồng quan điểm, Ngọc Châm - du học sinh - cho biết dù lần này có nhiều biện pháp gay gắt hơn, chính quyền không triệt để yêu cầu người dân ở nhà: "Có đợt phong tỏa đầu tiên của năm ngoái khá nghiêm túc, cấm ra ngoài không có lý do và phạt nhiều, chứ giờ mọi người sống bình thường hết rồi".

Lúc dịch bùng lại, nhịp sống vẫn sôi động

Vào thời điểm trước phong tỏa, dù số ca mắc và tử vong ở Nga liên tiếp lập kỷ lục mới với Moscow là tâm dịch, cuộc sống vẫn nhộn nhịp như Covid-19 không hề xuất hiện. Thu Hiền - sinh viên Đại học Kinh tế Nga G.V. Plekhanov - chia sẻ nhiều xe cộ đi lại, giờ cao điểm vẫn tắc đường, người dân ra ngoài hầu hết không đeo khẩu trang, quán xá tụ tập đông đúc, đặc biệt vào thời điểm vài ngày trước phong tỏa.

“Trên phương tiện công cộng như tàu điện ngầm hay xe buýt, hầu hết chỉ đeo để qua cửa kiểm tra vào tàu. Xuống tàu tôi không thấy nhiều người đeo nữa”, Hiền cho biết.

Tại bến tàu điện ngầm có cảnh sát đứng ở chốt kiểm tra. Chị Hiền quan sát trung bình ở cửa soát vé có một chốt, khi xuống tàu có thêm một chốt nữa. Mỗi bến tàu đều có nhiều máy rửa tay tự động.

Châm cho biết nếu bị phát hiện không đeo khẩu trang, người vi phạm bị phạt từ 1.000-5.000 RUB (khoảng 300.000-1.600.000 đồng).

Tại siêu thị hay nhà hàng, Moscow không áp dụng thẻ xanh hay bắt buộc khử trùng trước khi vào không gian kín.

“Máy khử trùng tay tự động ở khắp nơi nên có dùng hay không là do ý thức mỗi người”, Hiền nhận định, đồng thời cho biết “khi trả tiền phải đeo khẩu trang thì nhân viên mới đồng ý thanh toán hóa đơn”.

Ký túc xá của Hiền được phép nấu ăn. Mỗi tầng với khoảng 20 phòng chỉ có một bếp nên giờ nấu ăn đông đúc, không có giãn cách hay quy định phòng nào nấu giờ nào, và sinh viên hầu hết không đeo khẩu trang.

Tại trường của Hiền cũng xảy ra tình trạng tương tự, chỉ duy nhất thu ngân ở quầy căng tin mới sử dụng khẩu trang. Hiền cho biết có một thời gian trường bắt toàn bộ phải sử dụng và nói có đoàn kiểm tra việc chấp hành.

Còn với Châm, trước phong tỏa, chị học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Những lớp học tại giảng đường lớn học online, sinh viên vẫn có thể đến học nếu có nhu cầu. Với những lớp học nhỏ sẽ học tại trường, hai người một bàn ngồi san sát, trừ khi giảng viên trên 65 tuổi, hoặc lớp có người mắc Covid-19 sẽ học online trong 2 tuần.

“Hồi đầu đi học lại tôi cũng cẩn thận đeo khẩu trang cả tiết. Đến lúc cả giảng viên lẫn sinh viên đều thoải mái bỏ hết nên dần cũng quen theo”, chị chia sẻ.

“Được nghỉ là người Nga lại đi chơi”

Nhìn từ tòa ký túc xá mà Hiền sống xuống đường vào giờ chiều ngày đầu Moscow tái áp đặt bán phong tỏa, chị nhận thấy “không khác ngày thường là mấy, vẫn có nhiều xe cộ đi lại, bãi đỗ xe ở dưới trống trơn”.

Minh Ngọc - sinh sống tại Nga được 5 năm - mô tả “khu vực tôi sống chỉ vắng vẻ hơn một chút, nhưng không thay đổi nhiều”. Ra siêu thị mua nhu yếu phẩm, chị cho hay nhân viên đều đeo khẩu trang, nếu khách hàng không đeo siêu thị sẽ không phục vụ.

Châm nhận thấy nhiều cảnh sát đứng tại chốt kiểm soát trên đường phố hơn, “nhưng lượng người ra ngoài vẫn khá đông”. Vào trong siêu thị "thấy yên tâm hơn hẳn vì mọi người đều đeo khẩu trang, ra ngoài đường lại không thấy nhiều người đeo nữa", chị cho biết.

Hiền lo lắng trước tình hình dịch bệnh hiện nay vì số ca nhiễm tăng nhanh từng ngày. Học online khiến Hiền cảm thấy chất lượng học tập và giảng dạy không bằng học trực tiếp khi giáo viên không có cơ hội để hướng dẫn tận tình cho mỗi sinh viên.

“Hầu hết giáo viên sẽ giao bài tập, sau đó sinh viên chỉ làm và nộp. Công việc làm người mẫu tự do của tôi cũng bị ảnh hưởng, vì dịch nên không thể thường xuyên ra studio chụp”, chị chia sẻ.

Trái ngược với tâm lý của Hiền, Châm cho biết hồi đầu cũng sợ, “nhưng bây giờ ‘nhờn’ với quen” khi hầu như mọi người không chấp hành nghiêm chỉnh.

“Tôi thấy giãn cách kiểu ‘nửa mùa’ nên mọi người vẫn đi lại bình thường. Bọn tôi mang tiếng ở nhà học online cho giãn cách mà nhiều người Nga vẫn đi vào rừng nướng thịt chứ không ở nhà”, chị chia sẻ.

Ngoài ra, vì quán ăn vẫn cho phép bán mang về, đồng thời trùng vào thời điểm nhiều sinh viên mới thi xong, Châm cho rằng chuyện người trẻ tụ tập ăn uống hay đi chơi là không tránh khỏi.

“Trong một tuần tôi đoán số ca mắc chưa chắc đã giảm, thậm chí tăng, vì được nghỉ là nhiều người Nga lại đi chơi. Họ hay thuê nhà ngoại thành xong nghỉ tại đó, thậm chí đi cùng với 20-30 người, không thì đi bộ, đi dạo tại quảng trường, công viên”, chị Châm nhận định.

Trong giai đoạn phong tỏa, người Nga không bị cấm đi du lịch. Moscow Times cho biết ngành du lịch có nhu cầu cao hơn trong kỳ nghỉ học mùa thu. “Ngày không làm việc đã thúc đẩy lượng khách du lịch đặt tour đến Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)”, Dmitry Gorin - Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà điều hành tour Nga - nói.

Thị trưởng thành phố Sochi dự kiến ​đón khoảng 100.000 khách trong tuần không làm việc.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến ngành dịch vụ nên chị Huyền luôn nhận được hỗ trợ từ chính phủ. Chị nhận xét thủ tục đăng ký tương đối đơn giản. Cổng điện tử của chính phủ ghi rõ quy trình nộp và yêu cầu đối với công ty nhận trợ cấp.

Trong đợt dịch lần này, "tôi nhận được tiền mua đồ dùng y tế, khẩu trang cho nhân viên, tiền trợ cấp phí giao hàng và điện nước cho quán... Năm ngoái khi nghỉ ở nhà 3 tháng, chính quyền hỗ trợ cho mỗi nhân viên quán 12.130 RUB (khoảng 4 triệu đồng) một tháng", chị Huyền cho biết. Tất cả khoản trợ cấp đều chuyển vào tài khoản của công ty.

“Nhiều người Nga không tin vào vaccine”

Diệu Anh cho biết trong lớp có nhiều bạn người Nga không tiêm vaccine.

Tương tự, Châm cho hay rất nhiều sinh viên Nga không tiêm phòng. “Hồi đầu năm, trường có khảo sát để quyết định hình thức học, trong lớp tôi có kha khá người chọn phương án không tiêm”, Châm nói.

Bạn bè người Nga của chị Hiền thì coi dịch bệnh là điều bình thường trong cuộc sống.

“Có một số bộ phận không tiêm vì họ nghĩ vaccine miễn phí nên chất lượng không tốt. Số khác lại kỹ tính, họ sợ phản ứng sau tiêm. Có người cho rằng tiêm xong vẫn nhiễm nên không tiêm”, chị cho hay.

Moscow Times ngày 28/10 trích khảo sát của Gallup cho biết 3/4 người Nga chưa chủng ngừa không có kế hoạch đi tiêm. Dù nguồn cung vaccine Sputnik V có sẵn trong nước, mới khoảng 33,1% dân số Nga tiêm chủng đầy đủ, tính tới ngày 1/11.

Tất cả người Việt được hỏi đều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.

dich Covid-19 bung phat o Nga anh 6

Một con phố ở Moscow trong ngày thứ 2 tái áp đặt lệnh phong tỏa. Ảnh: NVCC.

Nhiều người Việt nhận định chuyện xét nghiệm tại Nga khá dễ dàng. Ngọc cho biết ngoài việc đến cơ sở y tế hoặc gọi người đến nhà lấy mẫu, chính phủ đã mở thêm một số điểm xét nghiệm miễn phí tại các bến tàu điện ngầm.

Tại ký túc xá của Hiền, nếu có những triệu chứng giống Covid-19, sinh viên sẽ liên hệ với đơn vị trưởng, trong trường hợp của Hiền là đơn vị sinh viên Việt Nam, để sắp xếp phòng tự cách ly. Khi có chuyển biến xấu, họ sẽ gọi xe cấp cứu để đưa người mắc tới bệnh viện.

Chị Huyền cho biết cả nhà chị từng mắc Covid-19. Ngoài chồng chị phải vào viện điều trị 3 tuần vì tổn thương 50% phổi, cả gia đình cách ly tại nhà, bác sĩ thăm khám và kê thuốc.

Chị chia sẻ tại Nga, riêng trẻ em khi bị mắc Covid-19 rất được quan tâm.

"Bác sĩ tới hàng ngày, đo nhiệt độ và nồng độ oxi trong máu, nghe phổi và hỏi han cách uống thuốc, dị ứng hay phản ứng phụ. Sau điều trị, xe phòng khám tới tận nhà để đón các con tôi đi chụp phổi xem có ảnh hưởng gì không", chị nói.

Chồng chị Huyền sau khi khỏi bệnh vẫn có di chứng, như "chân tay yếu đi nhiều và không làm được việc nặng".

Ông Putin thừa nhận tình trạng dịch Covid-19 chưa từng thấy ở Nga

Tổng thống Putin nói Nga cần quân đội hỗ trợ xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 giữa lúc nước này chống chọi với tình trạng ca nhiễm tăng vọt.

Nga trải qua ngày có số ca nhiễm nCoV cao nhất kể từ đầu dịch

Nga ghi nhận 40.251 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ qua, đánh dấu số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong một ngày kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm