Sau khi nghe người quen ở gần nói một số cửa hàng đã hết bánh mì, bà Phạm Thị Xuyên, 61 tuổi, sống ở trung tâm Berlin vội vã mua đồ ăn khô và nước.
“Những chỗ mua bán rất đông đúc, người ta mua để dự trữ”, bà Xuyên nói với Zing.vn. “Học sinh vẫn đi học, không thấy người ta tuyên truyền đeo khẩu trang, không ai đeo”.
Bệnh nhân virus corona được đưa vào viện tại Dusseldorf, Đức ngày 26/2. Ảnh: AP. |
Cháy hàng khẩu trang
Tính đến ngày 8/3, hầu hết các bang ở Đức đều đã có ca nhiễm với tổng cộng hơn 639 trường hợp. Từ tuần trước, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã tuyên bố tình hình ở Đức đã “đạt ngưỡng một dịch bệnh”.
Việc người Đức đồng loạt mua đồ ăn khô tích trữ đã khiến lợi nhuận các siêu thị ở Berlin và bang Brandenburg bên cạnh tăng lên, có nơi tới 40%, theo trang tin The Local.
Nhưng đa phần, cuộc sống ở Berlin vẫn diễn ra bình thường, chỉ cẩn trọng thêm một chút, theo bà Xuyên. Đã nghỉ hưu và không thích ở nhà quá nhiều, mỗi ngày, bà vẫn thường xách balô đi chơi xung quanh nhà, ở gần tháp truyền hình tại Berlin. Các cửa hàng vẫn có nhiều khách. Công viên trước nhà vẫn đông người tập thể dục, dắt cháu đi chơi.
Khẩu trang đang “cháy hàng” ở nhiều nơi, trong khi hàng trên mạng tăng giá nhiều lần. Nhưng ra đường, vẫn ít người đeo khẩu trang, một số người Việt ở Đức nói với Zing.vn.
Bà Xuyên vẫn có thói quen dùng nước khử trùng tay từ trước, và khi về nhà vẫn dùng sau khi phải bám, vịn trên tàu xe. Nhưng bà không mua khẩu trang, dù một số người bạn của bà đang phải vất vả tìm chỗ mua.
“Nhiều bạn Việt Nam của tôi tìm mua khẩu trang, nước rửa tay nhưng đều không còn nữa”, bà Xuyên nói.
“Tôi muốn đeo (khẩu trang) nhưng không thấy ai đeo bao giờ... kể cả trẻ con lẫn người già”, bà giải thích. “Giờ mình đeo người ta lại dị nghị, sợ mình mắc bệnh”.
Một số người trong cộng đồng Việt Nam “cũng hoảng” do “theo dõi đài báo của Việt Nam”, bà Xuyên cho biết. Chẳng hạn, một người bạn của bà về Đức sau chuyến đi Việt Nam ăn Tết bị chỗ làm cho nghỉ vì “sang lại, người ta cũng sợ”.
Khi người bạn đó định tới thăm, bà nói “chả sợ gì đâu, cũng muốn bạn tới thăm, nhưng đành phải bảo một tháng nữa hãy tới vì còn liên quan tới gia đình chồng, sợ rằng người ta ngại tiếp xúc”.
Bảng khuyến cáo về virus corona đặt bên trong một buổi họp ứng phó dịch ở Đức. Ảnh: Reuters. |
“Mua rất nhiều gạo, đồ hộp”
Khoảng nửa số ca nhiễm tập trung ở bang North Rhine-Westphalia, bang đông dân nhất của Đức, theo Viện Robert Koch, trung tâm kiểm soát dịch bệnh liên bang của Đức. Ngoài ra, Bavaria và Baden-Württemberg cũng có số lượng lớn ca bệnh.
Theo Bộ Y tế Đức, việc cách ly, cô lập các khu vực chưa được tính đến. Tuy nhiên, một số trường học, bệnh viện, và công sở, bao gồm văn phòng tập đoàn lớn như BMW đã tạm đóng cửa vì có nhân viên nhiễm virus corona. Thủ tướng Angela Merkel trong một hội nghị gần đây thông báo sẽ không bắt tay các đại biểu.
Chính quyền đang tập trung vào việc theo dõi hiệu quả hơn, và nếu cần thiết thì truy vết quá trình tiếp xúc. Khách vào lãnh thổ Đức, bao gồm bằng xe buýt hay tàu, sẽ phải cung cấp thêm thông tin về chỗ ở dự kiến của họ.
Một số sự kiện lớn đã bị hủy để đề phòng dịch bệnh. Ngày 3/3, hội chợ sách nổi tiếng thế giới tại Leipzig tuyên bố hủy. Ngày 28/2, hội chợ du lịch lớn nhất thế giới ITB Berlin cũng không tổ chức tuần sau đó. Chính trị cũng bị ảnh hưởng: đảng AfD ở bang Schleswig-Holstein phía bắc tuyên bố hoãn hôi nghị của đảng vào ngày 29/3.
Vũ Tuấn Hưng, 23 tuổi, học năm nhất ngành điện tại Đại học Kỹ thuật Darmstadt, ở bang Hesse, cho biết nhiều người đi siêu thị, “mua rất nhiều gạo, đồ hộp dự trữ”. Hưng thấy họ chất đầy đồ lên xe, và dù bình thường có thể họ cũng mua nhiều đồ để tiện một lần lái xe, anh chắc chắn họ đang mua nhiều hơn bình thường.
“Khẩu trang y tế hầu như không ai đeo. Bên này họ cũng khuyến cáo không cần phải đeo, nói việc đeo khẩu trang không giúp hạn chế lây”, Hưng nói. Hưng cũng không đeo, vì “nếu đeo khẩu trang là sẽ mỗi mình em đeo thôi”.
“Bình thường chỗ này sẽ rất nhiều gạo”, Hưng nói về một gian hàng trong siêu thị. Ảnh: NVCC. |
“Bố mẹ ở Việt Nam lo, ở đây mình lại không”
Các buổi thi của Hưng tại các phòng “rất đông, khoảng vài trăm” sinh viên vẫn diễn ra bình thường, không bị hoãn. Hưng chưa thấy việc khử trùng như ở Trung Quốc, Hàn Quốc. Đọc các email của trường, Hưng hầu như không thấy nhắc đến dịch bệnh.
“Truyền thông Đức nói nhiều, nhưng bạn bè của em không nói nhiều vấn đề này”, Hưng nói. Nhưng anh chỉ ra một số điều nhỏ khác biệt so với khi chưa có dịch bệnh.
“Mọi người chăm rửa tay hơn, cần mở cửa thì chỉ dùng khuỷu tay hơn là dùng bàn tay”, Hưng nói. Ở quầy thanh toán tại siêu thị gần trường, “một số người châu Á hay sờ vào tiền cũng đeo găng tay”. Bình thường, họ không đeo găng tay.
Nguyễn Ngọc Bách, 21 tuổi, đang học chuyên ngành chuỗi cung ứng tại Đại học Kỹ thuật Hamburg, tại Hamburg, cho biết “chưa thấy dấu hiệu gì” về những biện pháp đang thấy ở Trung Quốc, Hàn Quốc như đóng cửa trường học, nhà hàng hay khử trùng.
Trường học của anh chỉ dán hướng dẫn phòng bệnh. “Hiện tại em vẫn đi học, đi làm bình thường, mọi người ý thức hơn là phải phòng tránh chứ chưa bị ảnh hưởng cuộc sống thường ngày”, Bách nói với Zing.vn. “Bố mẹ ở Việt Nam cũng lo, nhưng ở đây em lại không lo”.
Nhắn tin hỏi thăm bạn bè tại bang có dịch lan rộng, Bách cho biết họ cũng “hơi lo”, nhưng nhịp sống đi làm, đi học vẫn bình thường. Tại nhà hàng nơi anh làm việc, khách vẫn tới ăn đều đặn.
Nhưng Bách có nghe về việc nhiều người mua đồ tích trữ ở nhà. “Khẩu trang đặt trên mạng, giá gấp mấy lần, em đặt 50 cái mất 50 euro (tương đương 1,3 triệu đồng Việt Nam), so với ngày trước chỉ khoảng 9 euro”, anh cho biết.
Kệ giấy vệ sinh trống trơn trong siêu thị ở bang Hesse. |