Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người Việt ngày càng làm chủ công nghệ sản xuất ôtô

Tỷ lệ nội địa hóa ôtô của Việt Nam ngày càng tăng trong những năm gần đây. Đã có doanh nghiệp mạnh vươn lên dẫn dắt thị trường, dần làm chủ công nghệ ôtô.

o to anh 1

Cách đây 5 năm, trong một chuyến công tác với báo chí tại Vĩnh Phúc, một chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí - chế tạo máy, chia sẻ mong ước "giá như tỷ lệ nội địa hóa ôtô của Việt Nam giống như xe máy thì công nghiệp cơ khí trong nước phát triển mạnh đến mức nào".

Lúc đó, Vĩnh Phúc là một trong những thủ phủ sản xuất xe máy ở Việt Nam, tập trung nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp trong nước có thể tự sản xuất phụ tùng xe máy, bán cho các doanh nghiệp FDI. Có những dòng xe, tỷ lệ nội địa hóa xe máy đạt trên 90%, Việt Nam gần như làm chủ công nghệ sản xuất xe máy.

Khi đó, tỷ lệ nội địa hóa ôtô của Việt Nam vẫn còn khá thấp, tăng trưởng chậm chạp. Tuy vậy, những năm gần đây, ngành công nghiệp ôtô trong nước phát triển rõ nét, nhanh chóng vươn lên trở thành một ngành quan trọng, tỷ lệ nội địa hóa đã tăng mạnh.

Tỷ lệ nội địa hóa ngày càng tăng

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong 3 năm trở lại đây, sản lượng lắp ráp ôtô dưới 9 chỗ ngồi đã đáp ứng được 70% nguồn cung ứng trong nước. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết cộng dồn cả năm 2021, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam đã cho xuất xưởng tổng cộng 299.800 chiếc, tăng đến 9,1% so với năm 2020. Dù 2021 là năm Việt Nam phải trải qua nhiều đợt giãn cách xã hội, nhưng sản xuất xe hơi không những không đình trệ mà còn tăng trưởng cao, đáp ứng nhu cầu nội địa.

o to anh 2

Tính trong cả năm 2022, tổng số ôtô xuất xưởng tại Việt Nam đạt 439.600 xe, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Việt Linh.

Tính trong cả năm 2022, tổng số ôtô xuất xưởng tại Việt Nam đạt 439.600 xe, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng lượng ôtô mới có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2022 ước đạt 616.190 xe, tăng trưởng mạnh so với năm 2021.

Trong những mẫu xe bán chạy luôn có những mẫu xe lắp ráp trong nước. Những mẫu xe hot trong năm qua như Kia Seltos, Kia K3, Kia Sorento, Mazda 3, Mazda BT-50, Mazda CX-8, các mẫu BMW...

Có thể thấy, các dòng xe bán chạy được lắp ráp ở Việt Nam đã đạt tỷ lệ trung bình 30-40%, cao hơn rất nhiều tỷ lệ 10-20% ở giai đoạn trước. Nếu trước kia, tỷ lệ nội địa hóa chỉ nằm ở một số bộ phận đơn giản như ghế, sơn, lốp... thì nay đã có thể sản xuất được khung gầm, hệ thống điện, thân vỏ...

Chất lượng của các dòng xe ôtô nội địa cũng được cải thiện rõ rệt, không hề thua kém những mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc trên thị trường và có lượng tiêu thụ rất tốt do giá thành cạnh tranh.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành gồm: xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; và ôtô và phụ tùng ôtô. Số liệu thống kê cho thấy, ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước. Và tỷ lệ nội địa hóa của cơ khí ôtô và phụ tùng ôtô đang ngày một cải thiện nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và vươn lên của một số doanh nghiệp mạnh.

Doanh nghiệp Việt Nam làm được

Trong chuyến thăm đến Thaco - Chu Lai vào tháng 3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc sản xuất được ôtô phải chính từ công nghiệp cơ khí, bởi khi đã làm được cơ khí thì chúng ta làm chủ được nội địa hóa ôtô. Ông nhấn mạnh ngành công nghiệp ôtô là ngành mà đất nước khát khao hơn 40 năm nay.

Theo các chuyên gia, Việt Nam là một trong những nước có công nghiệp đang phát triển, dân số trên 100 triệu dân, là thị trường lý tưởng để phát triển công nghiệp ôtô. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh để phát triển công nghiệp ôtô thì cần sự quyết tâm và tâm huyết của những nhà đầu tư tư nhân và Thaco là một trong những doanh nghiệp như vậy.

Để có những bước đi lớn trong việc dần làm chủ công nghệ sản xuất ôtô, Thaco đã phải nỗ lực rất nhiều, từ những nhà máy sản xuất rắp ráp xe tải, xe bus nhỏ ở Chu Lai. Sau đó, dần mở rộng ra các xưởng cơ khí để sản xuất các linh kiện phụ tùng thân vỏ xe bus và thùng xe tải.

Năm 2007, Thaco đưa vào hoạt động nhà máy xe du lịch và mở rộng thêm các dây chuyền sản xuất linh kiện phụ tùng (khung xương ghế xe tải, linh kiện composite cho xe bus, keo thân xe ôtô). Sản lượng ôtô liên tục tăng kéo theo nhu cầu sản lượng linh kiện phụ tùng cũng tăng theo.

Từ năm 2009, THACO đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy gia công thép; Nhà máy cơ khí chế tạo và các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng ôtô, bao gồm: Nhà máy ghế ôtô, linh kiện nội thất, kính, dây điện, nhíp; linh kiện Composite; sản xuất khuôn, máy lạnh xe du lịch, máy lạnh xe tải, bus; linh kiện nhựa; thân vỏ ôtô với mục đích đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, giảm giá thành.

Hiện nay, Thaco tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng các nhà máy hiện hữu và đầu tư các dự án mới như tổ hợp nội thất xe du lịch; sản xuất kính xe du lịch; mâm xe; linh kiện và sản phẩm xuất khẩu; các dây chuyền đúc, dập nóng và phát triển các dự án sản xuất công nghệ cao như sản xuất & lắp ráp linh kiện bo mạch điện tử, robot công nghiệp…

Đến năm 2025, mục tiêu của doanh nghiệp nâng lên thành 36 nhà máy công nghiệp hỗ trợ và 1 tổ hợp cơ khí chế tạo với mục tiêu trở thành Trung tâm cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ và là hạt nhân liên kết vùng tại miền Trung.

o to anh 5

Tập đoàn BMW cũng đã tuyên bố hợp tác với Thaco để lắp ráp các mẫu xe BMW tại nhà máy ở Chu Lai.

Tập đoàn BMW cũng đã tuyên bố hợp tác với Thaco để lắp ráp các mẫu xe BMW 3 Series, BMW 5 Series, BMW X3 và BMW X5 tại nhà máy ở Chu Lai. Thaco cũng mới công bố thành lập Tập đoàn Công nghiệp Trường Hải - Thaco Industries với tổng vốn đầu tư hơn 550 triệu USD, diện tích 120 ha và 6.500 nhân sự.

Doanh nghiệp này sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm gồm: sơ mi rơ moóc; thiết bị công nghiệp; thiết bị nông nghiệp; linh kiện phụ tùng ôtô; linh kiện phụ tùng ngoài ngành ôtô, nguyên vật liệu và gia công cơ khí theo công đoạn của quy trình công nghệ sản xuất theo yêu cầu khách hàng.

Với những bước tiến như vậy, Thaco đang ngày càng chứng minh rằng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ sản xuất ôtô, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nỗ lực này đang đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của đất nước, dần làm chủ ngành quan trọng mà nhiều năm qua đất nước "khao khát".

Trần Nguyễn

Ảnh: Việt Linh

Bạn có thể quan tâm