Người Việt mưu sinh ở Angola: Giàu sang và nước mắt
Lâu nay, nhiều người cứ nghĩ đi xuất khẩu lao động sang Angola là con đường kiếm bộn tiền. Nhưng mưu sinh ở đất nước châu Phi này không hề đơn giản, bên cạnh giàu sang là những cạm bẫy, rủi ro.
Một thành phố ở Angola nơi thu hút nhiều lao động Việt Nam buôn bán kinh doanh. |
Tới Angola bắt máy photocopy đẻ ra tiền
Ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đa số các xã đều có người đi làm việc tại Angola. Truyền thống đi Angola làm giàu đã trở thành phong trào từ nhiều năm nay ở vùng quê nghèo khó này.
Theo một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, những năm trước đây, không phải ai cũng có điều kiện đi Angola làm việc. Chỉ những gia đình có quan hệ, có tiền mới dám cho con em sang nước này mở nhà xưởng, cửa hàng để buôn bán, kinh doanh.
“Những lao động Việt Nam đầu tiên đến Angola giờ đều đã thành danh và trở thành các ông chủ, bà chủ” - vị lãnh đạo nói.
Ở Kỳ Anh, hầu như ai cũng biết đến ông Lê Thiết Thảo. Bằng kinh nghiệm 20 năm sinh sống và làm ăn tại Angola, ông Thảo đã đưa rất nhiều con em Kỳ Anh sang nước này làm việc.
Nhiều người coi ông Thảo là ân nhân, doanh nhân thành đạt khi gắn với tên tuổi Tập đoàn TIC của ông ở Angola. Những người được ông đưa sang Angola làm ăn đều đã thành danh.
Thậm chí, có người mở được cả công ty và đang dần chuyển hướng đầu tư sang nước láng giềng Mozambique. Khi gặp PV Tiền Phong, ông Thảo nói rằng, nước bạn rất khuyến khích người Việt Nam làm giàu cho mình.
Ông Lê Thiết Thảo, một tỷ phú Việt Nam tại Angola. |
Ngoài ông Thảo, tại Kỳ Anh, nhiều người đi Angola về đã trở thành tỷ phú. Các căn nhà bạc tỷ mọc lên ở Kỳ Anh đa số được xây dựng từ tiền của những người đi Angola gửi về. Anh L.T.Q, sinh năm 1980, xã Kỳ Châu là một điển hình.
Năm 2001, anh Q. tốt nghiệp trường CĐ Sư phạm Hà Tĩnh. Sau khi ra trường, anh không theo nghiệp giáo viên mà sang Angola lập nghiệp. Chi phí để sang Angola thời điểm đó khá cao, vào khoảng 1.000 USD.
Khi sang Angola, anh Q. mở một cửa hàng photocopy. Anh Q cho biết, không hiểu sao, đất nước châu Phi này người dân lại rất thích photocopy. Giấy tờ gì họ cũng đem đi photocopy. Nhiều khi, máy photocopy hoạt động 24/24 giờ mà vẫn không đáp ứng nhu cầu.
Vào những năm 2000, nhiều người Việt Nam sang Angola chỉ mở cửa hàng photocopy. “Máy photocopy thời điểm đó được ví như máy in tiền. Nếu hoạt động hết công suất, có thể thu hàng ngàn USD/tuần” - anh Q cho biết.
Chết xứ người vẫn nợ 3 tỷ
Nhưng không phải ai đi Angola cũng thành danh và trở nên giàu có. Nhiều lao động đi Angola về cho biết, người Việt khi sang Angola đều phải chủ động thành lập các nhà xưởng, cửa hàng...
Thậm chí, có nhiều người thuê cả lao động sở tại để phụ giúp kinh doanh. “Sang Angola phải làm ông chủ mới có tiền, chứ sang làm thuê, lương chỉ được 500 - 600 USD/tháng, là không đủ sống” - anh Nguyễn Tiến Dũng, một lao động vừa về từ Angola cho biết.
Còn theo anh Bùi Thắng ở thị trấn Kỳ Anh, nhiều người, vì không chịu được áp lực công việc nên phải chấp nhận về nước. Năm 2012, qua môi giới, anh Thắng bỏ khoảng 9.500USD để được sang Angola làm việc.
Đến Angola, anh Thắng được bố trí làm thuê cho một ông chủ Việt Nam, với mức lương chỉ 500 USD/tháng. “Công việc nặng nhọc, nhưng lương thấp, trong khi ăn ở sinh hoạt tại Angola rất đắt đỏ. Dù biết về nước là mất tiền nhưng không còn cách nào khác” - anh Thắng nói.
Theo anh Thắng, đông đảo lao động đến từ Hà Tĩnh, Nghệ An khi sang Angola chủ yếu đi qua cò mồi, môi giới nên rủi ro rất cao.
Gần đây, tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, rộ lên nhiều đường dây đưa người sang Angola làm việc. Bất chấp cảnh báo từ phía Bộ LĐ-TB&XH, nhiều công ty vẫn ngang nhiên thông báo tuyển lao động đi làm việc tại Angola. Nhiều lao động vì giấc mơ làm giàu, chấp nhận rủi ro nên đã dính bẫy các “công ty lừa”.
Ông Nguyễn Công Hợp (phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) vì cả tin nên đã vay 6.500 USD đưa cho người quen cùng xã để con trai Nguyễn Công Nguyên được sang Angola. Nhưng vì đi chui, bắt đầu từ ngày 7/5/2012 khi đặt chân đến Angola, anh Nguyên phải sống chui lủi.
Bức xúc trước thái độ của những người đưa đi, anh Nguyên và 3 lao động cùng xóm chuyển sang làm việc cho một chủ thầu xây dựng khác. Làm việc được ít tháng, anh Nguyên bị ốm. Do không được chạy chữa nên bệnh tình trầm trọng.
Ở nhà, dù chưa nhận được khoản tiền nào từ con trai gửi về, nhưng ông Hợp vẫn phải chạy vạy mượn thêm 6.000USD để gửi sang Angola cho con chữa bệnh. Do bệnh tình quá nặng, anh Nguyên đã tử vong vào ngày 9/3/2013, để lại khoản viện phí khổng lồ lên tới hơn 150.000 USD (khoảng hơn 3 tỷ đồng).
Anh Nguyên mất để lại người vợ trẻ và đứa con thơ mới chỉ 10 tháng tuổi. Đau lòng hơn, để đưa được xác anh Nguyên về nước, chính quyền địa phương phải nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola kêu gọi ủng hộ và đàm phán để bệnh viện giảm chi phí từ 3 tỷ đồng xuống 700 triệu đồng.
Angola nằm ở phía Tây Nam châu Phi, là đất nước có ít nhà xưởng nên lao động Việt Nam sang đây thường mở các cửa hàng để buôn bán, kinh doanh. Hiện, có hàng nghìn lao động phổ thông Việt Nam đang làm việc ở Angola.
Theo Tiền Phong