Bán hàng ăn rong kiêm cắt tóc và ngoáy tai. Ảnh: Sách Bưu ảnh Đông Dương đầu thế kỷ 20. |
Người Việt cổ vốn ít râu và lông trên người, như lông chân, lông tay, còn lông ngực rất hãn hữu. Quá trình lội bùn cày cấy và mò cua bắt ốc, những lỗ chân lông gần như bị bịt hết, lớp da của họ nhẵn thín như tráng lên đó một lớp màng ni lông nâu bóng, do vậy khả năng đổ mồ hôi khi trời mưa nắng và nóng do lao động rất chậm, trừ khu vực đầu.
Đặc điểm này giúp cho cơ thể người nông dân tránh bị cảm nắng khi lội nước dầm dề, nhưng lại thường gây chướng khí trong bụng. Người Việt do đó hay bị đầy hơi chướng, hay đánh rắm bừa bãi, hay khó tiêu. Cho nên theo truyền thống phần lớn thức ăn đem luộc ít xào nướng bằng dầu mỡ và các loại ẩm thực đặc sản rất thanh nhẹ, như bánh tro, bánh cuốn, bánh tẻ.
Nếu ăn xong bị đầy bụng, đàn ông thường véo bảy cái vào bụng và mỗi lần véo thì hú lên một hú, còn đàn bà thì véo chín cái. Trừ tóc và bộ phận sinh dục, thì bao nhiêu lông sót trên người, người ta có xu hướng vặt bằng sạch, ví như lông nách.
Bộ tóc được chăm chút hàng ngày, chải bằng lược thưa và lược bí răng dầy. Bẩn thì gội bằng bồ kết nướng. Cả đàn ông và đàn bà đều không cắt tóc, cứ để dài, rồi búi tròn trên đỉnh đầu (gọi là Nhục kháo và thường búi ra phía sau gáy).
Các ông đồ thì chau chuốt hơn, mai tóc vắt lên tai, gọi là mai gọng kính, còn móng tay có vài người không bao giờ cắt, để dài tới vài chục phân. Tất cả tóc rụng, móng tay móng chân đều phải nhặt lại. Móng sừng thì cho vào cái túi nhỏ, tóc lại thường giắt vào liếp, có thể dùng đánh gió khi cảm.
Khi nào chết, người ta gom tóc và móng sừng để vào áo quan. Đó là một phần của trời đất và mẹ cha cho mình không được phép vứt bỏ. Người Việt không ưa đàn ông trẻ mà để râu. Râu ria chỉ được phép để khi ngoài 40 tuổi.
Nghề cạo râu, sửa tóc, lấy ráy tai có khá sớm, riêng môn cắt tóc chỉ thịnh hành khi phong trào Duy tân và Đông kinh nghĩa thục kêu gọi đổi mới. Còn nhổ lông trên người và nhổ tóc sâu, bắt chấy thì người ta thường làm giúp nhau [...].
Dẫu vậy từng người một, người Việt vẫn tự ngó ngoáy vào cơ thể mình cả ngày. [...] Nếu có đàn bà con gái đứng quanh thì cũng chòng ghẹo, phát vào mông, véo má, véo tai; nếu là trẻ con người ta hay cắn nhẹ vào tay và má.
Tất cả hành vi này đều mang tính vô thức, giải tỏa năng lượng thừa, tạo niềm vui trong cuộc sống thường nhật và gắn kết cộng đồng. Ai không như vậy lại thường không được ưa lắm.