Chia sẻ tại Hội thảo sáng nay (ngày 28/9), ông Đặng Khắc Lợi, Cục phó Cục báo chí và xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết việc thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn Việt Nam còn rất nhiều hạn chế khi 99% các giao dịch thanh toán mặt hàng dưới 100.000 đồng vẫn là tiền mặt. Bên cạnh đó, hơn 80% giao dịch thẻ ATM cũng chỉ là rút tiền…
Lý giải điều này, ông Lợi cho biết chủ yếu đến từ tâm lý của người dân vùng nông thôn, đặc biệt là tâm lý ngại thay đổi.
Vị Cục phó thông tin thêm tại Việt Nam hiện nay Internet đang được phổ cập rất rộng với hơn 64 triệu người đang sử dụng Internet và số người sử dụng mạng xã hội lên tới 58 triệu người. Việt Nam cũng thuộc 7 quốc gia đứng đầu về sử dụng mạng xã hội.
“Tại sao người dân sử dụng mạng xã hội nhưng lại không chịu sử dụng các công cụ về thanh toán hiện đại tại các khu vực, trong khi các dịch vụ thanh toán này có rất nhiều lợi ích. Đây có phải hạn chế của ngân hàng, nhà cung cấp hay do người dân?”, ông Lợi đặt câu hỏi.
Hơn 58 triệu người dân Việt Nam đang sử dụng mạng xã hội, trong khi số lượng người sử dụng dịch vụ tài chính hiện đại ít hơn rất nhiều. Ảnh: Anh Tuấn. |
Nguyên nhân một phần đến từ cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán chưa đồng đều, hệ thống ATM, POS lắp đặt chủ yếu ở các khu vực đô thị, thành phố, nhà hàng hay siêu thị. Trong khi đó, khu vực nông thôn số lượng này còn rất hạn chế. Trung Quốc nhiều năm gần đây cũng áp dụng thanh toán ngân hàng ngay cả với các gánh hàng rong, cửa hàng nhỏ lẻ nhưng tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế.
“Viettel đang xin NHNN để được phép cung cấp dịch vụ thanh toán như Trung Quốc đang áp dụng. Việt Nam cũng là một trong 30 quốc gia có nền CNTT mạnh nhất thế giới, tại sao chúng ta không làm được. Cần phải có hướng dẫn cụ thể để người dân có thể sử dụng một cách dễ dàng nhất”, ông Lợi nói.
Cũng tại hội thảo, bà Lê Thúy Sen, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN cho biết ngân hàng trung ương luôn chủ trương khuyến khích thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Để thúc đẩy việc này, truyền thông đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
“Trong 3 đề án của Chính phủ về chủ trương tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt đều đề cập đến vai trò của công tác truyền thông. Điều này cho thấy truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính hiện đại”, bà Sen khẳng định.
Bà Sen cũng cho biết hiện cơ quan đang hướng tới đối tượng là những người dân ở vùng sâu, vùng xa và giới trẻ... Kinh nghiệm quốc tế cũng chỉ ra muốn tăng cường khả năng tiếp cận tài chính của người dân thì phải hướng tới đối tượng ít thông tin về tài chính trong xã hội.
Trước đó, đề cập về tình hình cơ sở hạ tầng trong thanh toán tại Việt Nam, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ thanh toán, NHNN, cho hay hiện cả nước có trên 18.200 điểm ATM cùng gần 300.000 thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS), tăng lần lượt 4,2% và 7,5% so với cuối năm 2017. Cùng với đó, số lượng tài khoản cá nhân cũng đã tăng hơn 5% đạt trên 72 triệu tài khoản, trong đó, số người dân có tài khoản ngân hàng đã chiếm trên 60% dân số trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên), tương đương hơn 43 triệu người.
Ngoài ngân hàng, các công ty fintech cũng phát triển với hơn 5,76 triệu ví điện tử đã được phát hành và có liên kết với tài khoản ngân hàng để hỗ trợ thanh toán. Việt Nam hiện cũng đứng thứ 19/50 nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về số người dân có sử dụng Internet và điện thoại di động thông minh với 72% người dân khu vực thành thị và 53% khu vực nông thôn có sử dụng smartphone. Đây chính là điều kiện để thúc đẩy thanh toán qua điện thoại di động rất tốt.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho biết cơ sở hạ tầng này chủ yếu vẫn tập trung tại các thành phố lớn, trong khi khu vực nông thôn vẫn còn rất hạn chế. Điều này khiến cho hơn 60% dân số sống ở nông thôn còn khó khăn trong việc tiếp cận tài chính ngân hàng. Thói quen sử dụng tiền mặt của người dân ở khu vực nông thôn vẫn còn phổ biến, cùng với đó là tâm lý e ngại tiếp cận công nghệ mới khiến lĩnh vực này còn chưa phát triển tại đây.
Hiện cũng chưa có khuôn khổ pháp lý cho dịch vụ đại lý ngân hàng tại vùng sâu, vùng xa khiến khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân còn thấp. Các dịch vụ điện tử còn thiếu cơ sở định danh, sản phẩm chưa được thiết kế phù hợp với hành vi và nhu cầu của đại đa số người dân ở nông thôn…
Theo đó, ông Sơn đề xuất ngoài việc cần cơ sở hạ tầng tài chính, CNTT và truyền thông cần có khuôn khổ pháp lý và cam kết của khu vực công và tư nhân. Nghiên cứu xây dựng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với một số vấn đề như mô hình đại lý ngân hàng, định danh khách hàng điện tử, tài chính số, thanh toán qua di động…