Theo nghiên cứu hành vi người dùng của Criteo với đại diện của 14 triệu người sử dụng các ứng dụng mua sắm qua thương mại điện tử, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á mà người dùng dành nhiều thời gian nhất trên mạng, chỉ sau Thái Lan. Người Thái Lan mỗi tháng sử dụng trung bình 27,2 giờ trên mạng, người Việt Nam sử dụng khoảng 26,2 giờ. Người Indonesia dành ít thời gian trên mạng nhất, với 13,5 giờ mỗi tháng.
Đáng chú ý, nam giới chính là đối tượng mất nhiều thời gian trên mạng nhất.
Tại Việt Nam, đàn ông mất 27,9 giờ mỗi tháng trên mạng (phụ nữ Việt khoảng 24,2 giờ), còn Thái Lan là 29 giờ.
Nghiên cứu cũng cho thấy người tiêu dùng Việt Nam sử dụng các app để kết nối mua sắm ngày càng cao. Hơn 90% người dùng Việt Nam mua sắm ít nhất một lần một tháng bằng cách sử dụng ứng dụng bán lẻ, trong khi 60% người làm điều này 3 lần hoặc nhiều hơn mỗi tháng.
Mức chi mua sắm cũng đồng đều ở mọi lĩnh vực từ tiêu dùng, thực phẩm, hàng thời trang, du lịch... Theo ông Alban Villani, Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á, Hong Kong và Đài Loan của Criteo, thói quen tiêu dùng của người Việt khác với hầu hết quốc gia châu Á khác.
Trong khi các nước, người dùng chi mua sắm qua thương mại điện tử lớn nhất là hàng thời trang, phụ kiện, thì người Việt lại thường sử dụng các ứng dụng để đặt vé du lịch, đi lại. Có khoảng 67,3% người được hỏi cho biết họ thực hiện dịch vụ thuê xe, book xe qua mạng. Trong khi đó, khoảng 55,2% số người nói họ đặt khách sạn và các dịch vụ lưu trú qua Internet. Có 45,4% khách cho biết họ thường đặt mua vé máy bay trực tuyến.
Dịch vụ book xe nằm trong nhóm sử dụng nhiều nhất của người Việt qua mạng. |
Ngoài ra, các nhóm hàng như thiết bị điện tử, tiêu dùng; thời trang và phụ kiện; trang sức và đồng hồ cao cấp cũng có trên 50% số người được hỏi nói họ thường mua qua các kênh thương mại điện tử. Hàng tạp hóa cũng có 52,1% người thường xuyên mua qua mạng.
Điều khác biệt trong mua sắm qua thương mại điện tử ở Việt Nam so với các nước là thanh toán. Có hơn 37% người được khảo sát cho biết họ đã mua hàng trực tuyến bằng cách sử dụng phương thức trả tiền mặt khi nhận hàng. Hình thức thanh toán phổ biến tiếp theo là chuyển tiền qua ngân hàng. Việc thanh toán trực tuyến qua các ứng dụng được đánh giá cho được phổ biến tại Việt Nam.
Đơn vị này nhận định 2019 sẽ là năm bản lề để Việt Nam bắt nhịp trào lưu thương mại điện tử và số hóa toàn diện. Những ứng dụng mua sắm nào tiện lợi, được đầu tư mạnh sẽ thắng thế. Người dùng không thích tải nhiều app về thiết bị và cũng có tâm lý muốn sử dụng 1-2 app tiện lợi nhất.