Người Việt kể hành trình trở lại nơi trải qua ngày 11/3/2011 định mệnh
Thứ sáu, 10/3/2017 15:35 (GMT+7)
15:35 10/3/2017
Miyagi cách tâm chấn trận động đất ngày 11/3/2011 chỉ 75 km. Năm 2013, người viết đã tới nơi từng hứng chịu thảm họa kinh hoàng này và có những cảm xúc không thể quên.
Bên kia những con đê nhỏ chắn sóng ở Minami-sanriku là màu xanh thẳm mênh mang, bên này đê lại ngổn ngang bê tông với dấu vết những nền nhà, những con đường nhỏ lút trong cỏ dại, không một bóng người, chỉ có tiếng ù ù của gió, khiến người ta kinh ngạc sao thiên nhiên có thể tàn ác đến thế.
Chị Lý, một thông dịch viên đã sống ở thành phố Sendai của tỉnh Miyagi hơn 30 năm. Chị từng giúp rất nhiều người đến vùng này, khắp nơi đều in dấu chân chị. Gần như ngay sau khi thảm họa, khi đường xá đầy gỗ vụn và đinh, bên những đống đổ nát, bao người còn đang miệt mài tìm người thân, chị Lý đi hết Minami-sanriku rồi tới các thành phố Natori, Ishinomaki, Matsushima, "dọc Thái Bình Dương" theo như lời chị, để giúp đỡ mọi người.
Miyagi nằm giữa tỉnh Iwate và tỉnh Fukushima, quay mặt ra Thái Bình Dương. Đây là 3 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa ngày 11/3/2011. Trong ảnh, một ngôi chùa còn sót lại nhưng đã bị sóng thần đẩy bật khỏi móng.
Tháp phát thanh này được cả thế giới biết đến, nơi cô phát thanh viên còn rất trẻ đã quên mình để cảnh báo cho người dân rút chạy khi sóng thần đang ập vào. Quanh đây hiu hắt bóng người, nhưng hoa vẫn tươi dưới chân tháp. "Gió Thái Bình Dương mùa này vẫn tê tái, Miyagi nhỉ. Còn người và cảnh ở đây? Những ngôi nhà ở Minami-sanriku đã dựng xong chưa? Ngôi trường ở Natori giờ này ra sao?", người viết tự hỏi và luôn nhớ về Miyagi – cuộc gặp gỡ 4 năm trước mà ngỡ như ngày hôm qua…
Con đường này từng là của một khu phố sầm uất, nhà cửa san sát, nhưng nay chỉ còn con đường, hai bên chỉ là những móng nhà.
Tại Yuriage thuộc thành phố Natori, ngôi trường 5 tầng dường như là công trình duy nhất còn lại vững chắc, nhưng cảnh tượng có lẽ chưa ai từng thấy: Tấm bia dựng trước cổng ghi tên những em học sinh đã bị sóng thần cuốn đi.
Ngay trước cổng trường là ngôi nhà tưởng niệm. Hình ảnh những chiếc cặp sách đầy bùn đất, được xếp ngăn nắp, không có bóng học sinh.
Tại đây, vào ngày định mệnh, 14 em học sinh của ngôi trường đã trở về nhà sau trận động đất, nhưng rồi vẫn tới trường dù đã có cảnh báo sóng thần. "Chúng tôi rất tiếc, tôi luôn mong mọi người cảnh giác hơn", người phụ nữ bồi hồi kể lại, giọng cô nhẹ nhàng và tan nhẹ trong không khí lắng đọng của ngôi nhà dựng tạm.
Giữa mênh mông vắng vẻ của một thị trấn gần như đã chết, xuất hiện một cửa hàng bán cú bông. Lời giải thích của ông chủ khiến người nghe cay sống mũi: "Tôi vốn là chủ một doanh nghiệp ở đây. Giờ tôi chỉ chuyên tâm làm con cú (trong tiếng Nhật phát âm như chữ “phúc”) để cầu chúc may mắn cho mọi người, và để những người làm cho tôi, họ thấy cuộc sống còn ý nghĩa.”
Gia đình tràn ngập tình yêu thương của chị Đào Bích Ngọc. Chồng chị là anh Aoki Kazuo, làm việc tại một công ty điện lực. Chị Ngọc là một trong không nhiều người Việt lập gia đình, sinh sống ở Miyagi và chứng kiến thời khắc xảy ra thảm họa. Chị chia sẻ những nắm cơm, chén nước với người dân ở vùng đất mà chị gọi là quê hương thứ hai của mình. Giữa đổ nát hoang tàn và hỗn loạn, chị cùng mọi người trải qua những ngày khó khăn, thiếu thốn nhất trong đời.
Trại nuôi hàu ở Matsushima. Ông Abe, một người nuôi hàu cho biết trại đang hợp tác với thị trường Việt Nam.
Khu dừng chân cho khách. Bên bát mì soba ăn vội, những công nhân kể về việc họ đã bỏ việc ở thành phố về giúp xây dựng lại quê hương như thế nào, về kế hoạch vực dậy cộng đồng dân cư ở đây ra sao… Câu chuyện của họ không chứa đựng một tiếng than, nhưng ánh mắt vẫn xa xăm khi nói về những mất mát sau ngày 11/3 định mệnh.
Nụ cười vẫn thường trực trên khuôn mặt của mỗi người dân ở Miyagi. Họ nói về thảm họa kinh hoàng như một cách cùng nhắc nhau cảnh giác và nỗ lực vun đắp cho cuộc sống trong tương lai. Cùng với họ là những người Việt Nam luôn kề vai sát cánh chia sẻ mọi khó khăn, hoạn nạn trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ảnh chụp từ xe ôtô của chị Lý, đi qua những đống đổ nát, hoang tàn vẫn vẹn nguyên dấu vết của ngày 11/3/2011.
Hôm nay, người Nhật ở khắp nơi trên thế giới nghiêng mình trước những tấm bia, đặt hoa lên mộ của những nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa kép ngày 11/3/2011.
5 năm sau thảm hoạ kép ở Nhật Bản, chỉ 440 người trong tổng dân số 8.000 người dân thị trấn Naraha quay trở lại quê hương, nhiều ngôi nhà đã bị bỏ hoang hoàn toàn.