Tại Việt Nam, tất cả các model iPhone có mặt trên thị trường đều là sản phẩm bán chạy. Đặt câu hỏi đâu là smartphone cao cấp bán chạy nhất với một hệ thống bán lẻ lớn, họ sẽ không ngần ngại xướng tên iPhone 6 hoặc 6 Plus. Đến những cửa hàng nhỏ hơn, dòng máy tầm trung là câu trả lời, chúng là iPhone 4S, 5 và 5S.
Những sản phẩm đời cũ như iPhone 4, 4S hiện vẫn rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Ảnh: The Hindu. |
Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng lớn người dùng chuộng iPhone của Apple. Những người có thu nhập cao coi iPhone 6, 6 Plus là chiếc điện thoại hàng đầu. Theo một thống kê mới đây, tỷ lệ iPhone 6 Plus bán ra so với iPhone 6 ở Việt Nam cao thứ 2 thế giới (36%), chỉ sau Phillipines.
Trong khi đó, người có thu nhập thấp thì coi các sản phẩm đời cũ là mục tiêu để họ tiết kiệm tiền. Nếu có một thống kê khác, không loại trừ khả năng thị trường Việt Nam cũng sẽ nằm trong top đầu những nước tiêu thụ các sản phẩm iPhone đời cũ, chủ yếu là máy đã qua sử dụng. iPhone 4, 4S đang là những món hàng hot ở các vùng nông thôn, trong khi 5, 5S lại được nhiều đối tượng như học sinh, sinh viên cố gắng tích góp để mua.
Apple - hãng sản xuất đang gặp khó trong việc tiếp cận các thị trường đang phát triển - đã nhìn ra cơ hội từ đó. Từ cách đây 2 năm, hãng này bắt đầu cho bán lại những chiếc iPhone đã khai tử ở các thị trường như Việt Nam, bắt đầu từ iPhone 3GS. Ở thời điểm cách đây ít tháng, Việt Nam cũng nằm trong số ít các thị trường vẫn còn bán iPhone 4 bàn 8 GB. Tuần này, hãng cũng bán trở lại iPhone 5C với giá từ 8,5 triệu đồng.
Trong quá khứ, Apple từng dùng đẳng cấp thương hiệu để làm mờ mắt người dùng, nhưng hiện tại, mọi chuyện đang dần thay đổi. Họ hiểu có một số thị trường được xem là đặc biệt “nhạy cảm” về yếu tố giá.
“Cầm một chiếc iPhone với logo táo khuyết, người ta sẽ biết bạn dùng điện thoại gì. Bạn không thể làm chuyện này với một chiếc Android”, Hạnh Nguyên - một sinh viên năm 3 của trường Đại học Công đoàn cho hay, sau khi vừa mua một chiếc iPhone 4S chính hãng với giá 7 triệu đồng. “Không quan trọng đó là một chiếc iPhone đã 2-3 năm tuổi. Chỉ cần nó là hàng Apple”, cô nói.
Từ những thiết bị đời cũ, người dùng sẽ có xu hướng nâng cấp lên các model đời cao hơn khi có điều kiện. Bằng cách sẵn sàng mua những sản phẩm đời cũ, thậm chí là máy đã qua sử dụng, người dùng tại Việt Nam đã giúp Apple mở ra một hướng tiếp cận với những thị trường đang phát triển nhưng rất giàu tiềm năng.
Apple đã coi trọng thị trường Việt Nam?
Tại cuộc họp quý hồi đầu năm, CEO Tim Cook bất ngờ đưa Việt Nam vào nhóm thị trường phát triển nóng nhất của hãng. Liền sau đó, hãng cho đăng một đoạn quảng cáo chiếc iPad Air, trong đó chiếu những cảnh đẹp đặc trưng của Việt Nam đầy ẩn ý. Tuy nhiên, nếu bảo Apple đã coi trọng thị trường Việt Nam thì có lẽ là chưa.
Trong một bài báo đăng hồi tháng 8/2013, trang TechinAsia đã đưa ra một loạt các lý do về việc tại sao Apple ghét thị trường Việt Nam, chẳng hạn như việc người Việt chỉ thích cài ứng dụng “chùa”, hay các cửa hàng nhái mọc lên nhan nhản. Người Việt cài ứng dụng chùa nhiều đồng nghĩa với việc Apple không có thêm nguồn thu từ các ứng dụng trả phí trên iTunes, trong khi các cửa hàng nhái mọc lên sẽ khiến họ không thể kiểm soát chặt chẽ hình ảnh, thương hiệu và chất lượng dịch vụ như họ mong muốn.
Tuy nhiên, với việc doanh số của các sản phẩm iPhone chính hãng đang ngày một tốt lên, các đơn vị bán hàng làm việc ngày một chuyên nghiệp, việc thị trường Việt Nam được coi trọng hơn chỉ còn là vấn đề thời gian.