Bỏ thành phố về quê làm ăn tưởng chừng là một quyết định mạo hiểm, nhưng lại đang mang về thu nhập cả chục triệu đồng mỗi tháng cho anh Nguyễn Ngọc Tân (sinh năm 1986, ở Hải Dương).
Hai năm trước, Tân quyết định từ bỏ công việc sửa chữa, buôn bán điện thoại tại thành phố Hải Phòng để về một huyện thuần nông ở Hải Dương mở một cửa hàng di động nhỏ, chuyên buôn bán các loại iPhone cũ đời thấp. Tại thời điểm cuối 2012, đầu 2013, những chiếc iPhone 3GS được anh mang từ Hải Phòng, Quảng Ninh về và bán hàng theo phương thức trao tay từng người.
Anh Nguyễn Ngọc Tân coi vùng quê nơi anh sinh sống là một thị trường tiềm năng để kinh doanh các dòng sản phẩm iPhone. |
Tân cho biết, ý định về quê buôn bán iPhone nảy ra khi trước đó có một số người bạn ở quê, do biết anh đang làm thợ sửa chữa điện thoại, thường xuyên nhờ mua iPhone 3GS đời cũ để sử dụng. “Làm ăn trên thành phố quá khó khăn, các cửa hàng mọc lên san sát, cạnh tranh nhau từng milimet, nên sau mấy năm làm trong nghề, mình chỉ đủ ăn. Khi có người ở quê hỏi mua iPhone 3GS, mình nảy ra ý nghĩ, tại sao không về một nơi có tiềm năng lớn hơn để kinh doanh. Mức giá khoảng 3 triệu đồng cho một chiếc iPhone 3GS (thời điểm cuối năm 2012) không quá lớn đối với thu nhập của người dùng ở quê. Trong khi đó, Internet, smartphone cũng có dấu hiệu phát triển bùng nổ ở quê mình”.
Hiện tại, cửa hàng di động của anh Tân vẫn chủ yếu kinh doanh iPhone cũ, bao gồm iPhone 4, 4S và iPhone 5. Một chiếc iPhone 4 8GB đã qua sử dụng anh đang bán với giá 2,8 triệu đồng, gần như ngang với giá tại Hà Nội. Giá bán của iPhone 4S và 5 lần lượt là 4,5 và 6,5 triệu đồng.
Anh cho biết, iPhone 4 và 4S đã qua sử dụng tại cửa hàng anh đang bán khá tốt. Người mua chủ yếu là thanh niên. Mỗi ngày, anh bán được khoảng vài chiếc, thu lãi vài trăm nghìn đồng/máy, tùy chủng loại. Trừ các loại chi phí, thu nhập mỗi tháng của anh này không dưới 15 triệu đồng. “Ở quê, chi phí sinh hoạt thấp, lại không phải thuê nhà nên mức thu nhập đó đủ để mình sống khỏe”.
Khi được hỏi tại sao không mở rộng kinh doanh thêm các mặt hàng smartphone khác, Tân cho biết anh đã thử nhưng kết quả không khả quan, vì người dùng ở quê có xu hướng chọn các cửa hàng, đại lý lớn để mua máy chính hãng, hơn là từ những cửa hàng nhỏ như của anh.
Anh này chia sẻ, việc buôn bán iPhone cũ ở quê khó mà dễ. Dễ là ở chỗ, nhu cầu sử dụng smartphone của người dùng đang tăng cao. Nếu những người như anh biết tận dụng cơ hội, họ có thể có mức thu nhập ổn so với mặt bằng ở quê. Tuy nhiên, cái khó ở chỗ những người mua máy phần nhiều đều là bạn bè, người thân quen. Do đó, bản thân anh phải kiểm tra máy rất kỹ trước khi giao cho khách mua để đảm bảo máy không bị lỗi hay hỏng hóc bất thường, trong khi với những sản phẩm đã qua sử dụng, đây lại là vấn đề hay gặp.
Những chiếc iPhone 4, 4S cũ, giá mềm đang trở thành sản phẩm hút khách ở một số vùng quê Bắc Bộ. |
Khâu chăm sóc khách hàng, theo anh Tân, cũng đặc biệt hơn so với buôn bán trên thành phố: “Nếu như trên thành phố, bán một chiếc máy coi như là xong, thì ở quê, hầu như mình sẽ phải đảm nhiệm tất cả công việc, từ cập nhật phần mềm, cài game, ứng dụng, hướng dẫn cách sử dụng cho một số khách. Do đó, mình gần như nhớ mặt từng vị khách một”.
Theo anh Tân, đã qua rồi cái thời cửa hàng lấy vài chục nghìn tiền phí tải nhạc cho khách. Những chủ hàng như anh hiện đều cam kết nâng cấp phần mềm trọn đời máy cho khách và sẵn sàng giúp khách bất cứ vấn đề gì về phần mềm để chiều lòng các thượng đế. “Có như vậy, khách mới yên tâm mua máy và giới thiệu bạn bè giúp mình. Cách thức truyền thông sản phẩm ở đây thật khác xa so với đăng Facebook, spam diễn đàn giống như ở Hà Nội hay Hải Phòng”, anh Tân chia sẻ sau khi kết thúc ngày làm việc vào lúc 9h tối. Hôm nay, anh bán được 8 máy iPhone 4 và 4S.