Sang Nhật Bản từ năm 2016 và đã trải nghiệm 7 mùa đông tại quốc gia này, anh Văn Hoài vẫn bất ngờ trước cái giá lạnh tại đất nước này vào mùa đông năm nay.
“Khoảng 2 tuần trở lại đây, thời tiết chuyển lạnh sâu. Nhiệt độ giảm thấp kèm theo tuyết rơi và gió mạnh càng tạo thêm cảm giác rét buốt. Vào giữa tuần trước, thời tiết đột ngột giảm mạnh và lạnh buốt, đến mức nhiều người Nhật nói với tôi rằng chưa từng thấy những bông tuyết lớn và rơi dày như vậy”, anh Hoài, hiện sống ở tỉnh Aichi, chia sẻ với Zing.
Giá lạnh bất thường đã tấn công châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á, trong những tuần gần đây. Thời tiết giá lạnh đã đã đẩy nhiệt độ tại Nhật Bản và Hàn Quốc xuống mức thấp kỷ lục, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của nhiều người Việt đang sinh sống tại hai quốc gia này.
“Làm việc ngoài trời là cực hình”
Theo anh Văn Hoài, mùa đông năm nay khá đặc biệt so với mọi năm, đến trễ hơn và có những đợt lạnh sâu hơn, với lượng tuyết dày đáng kể.
Trong đợt lạnh kỷ lục này, để giữ ấm cho bản thân, anh Hoài phải áp dụng nhiều biện pháp chống lạnh như mua đồ chống lạnh với chất lượng cao hơn, mặc nhiều quần áo hơn, uống nước ấm,... “Đặc biệt, lúc ở nhà, điều hòa giữ ấm là điều không thể thiếu”, anh chia sẻ.
Anh Hoài đặc biệt yêu thích trượt tuyết trong mùa đông tại Nhật Bản. Ảnh: NVCC. |
Không những vậy, thời tiết giá rét gần đây khiến công việc và cuộc sống sinh hoạt của anh Hoài gặp đôi chút chao đảo. Điều kiện giá rét khiến anh Hoài - nhân viên một công ty kiểm tra chất lượng đầu ra của hãng xe Mercedes - thực hiện công việc càng thêm vất vả.
“Trời lạnh khiến tay tôi dễ bị tê cóng, từ đó gây ảnh hưởng đến quá trình kiểm tra xe. Hôm nào làm việc ở ngoài trời thì thực sự là một cực hình. Gió mạnh trong nhiệt độ âm rất dễ gây cảm lạnh nếu không mặc đủ ấm”, anh chia sẻ.
“Không những vậy, trời lạnh ảnh hưởng tới toàn bộ cuộc sống sinh hoạt, khi tôi không thể tham gia các hoạt động ngoài trời, chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết. Đặc biệt, quần áo phơi ngoài trời rất có thể bị đóng băng”, anh Hoài nói thêm.
Bên cạnh đó, theo chia sẻ của anh Hoài, giá năng lượng tại Nhật hiện nay khá cao. Trong vòng vài năm trở lại đây, nước này đã không ít lần tăng giá điện và gas.
“Hiện tại hóa đơn tiền điện một tháng của tôi rơi vào khoảng 4 triệu đồng, gas khoảng 1,8 triệu đồng. Trong lúc mọi mặt hàng đều tăng giá chóng mặt thì việc tăng giá năng lượng làm cho cuộc sống càng trở nên chật vật, phải giảm bớt chi tiêu để trang trải chi phí điện nước tăng quá cao, đặc biệt trong mùa đông”, anh nói.
Anh đồng thời bày tỏ lo ngại về việc giá điện nước có thể sẽ tăng cao trong thời gian sắp tới, khiến anh phải cân nhắc hạn chế sử dụng bất chấp thời tiết vẫn còn khắc nghiệt.
“Cứ hở tay là đau như dao cắt”
Cũng ở thành phố Aichi, chị Nguyễn Thị Thủy khổ sở trước cái lạnh tê tái của thành phố này trong thời gian qua.
“Vào những ngày trời lạnh nhất, việc di chuyển đến chỗ làm rất vất vả. Trong những ngày như vậy, tôi cảm nhận cứ hở tay ra ngoài là đau như dao cắt. Mặt ai cũng đỏ ửng vì lạnh. Nhiệt độ xuống thấp thậm chí còn khiến ống nước thải của gia đình tôi đóng băng”, chị nói với Zing.
Chị Thủy chia sẻ bản thân rất khổ sở trước mùa đông giá lạnh của Nhật Bản. Ảnh: NVCC. |
Theo chia sẻ của chị Thủy, chị có cơ địa chịu lạnh kém nên dù đã sống ở đây 3 năm, vượt qua mùa đông này vẫn là một thử thách đối với chị. Chị cũng cho biết phải xả vòi nước chảy nhỏ giọt để tránh việc đường ống nước sinh hoạt bị đóng băng.
Bên cạnh đó, tuyết rơi dày cũng khiến đường trở nên trơn trượt hơn. Do vậy, chị Thủy đã nhiều lần ngã đau đớn trên đường di chuyển đến chỗ làm trong mùa đông giá rét.
Cùng chung tình trạng với anh Hoài, chị Thủy phải vật lộn trước hóa đơn năng lượng tăng chóng mặt trong mùa đông. “Tiền điện hiện tăng gấp đôi, giá cả những hàng hóa khác cũng tăng, trong khi tiền lương vẫn giữ nguyên khiến chi phí giữ ấm trong mùa đông này là một vấn đề lớn”, chị nói thêm.
Không những vậy, giá đồng yen cũng giảm khiến chị Thủy "không tiết kiệm được là bao để gửi về gia đình".
Không chỉ tại Nhật Bản, người Việt ở Hàn Quốc cũng chật vật vì giá rét. Chia sẻ với Zing ngày 1/2, chị Văn Thị Mỹ Ngọc, đang học tập và làm việc tại Seoul (Hàn Quốc) cho biết “thời tiết hiện tại đã dần ấm hơn, nhưng khoảng một tuần trước nhiệt độ thấp nhất rơi vào khoảng -19 độ C”.
“Tôi đã học tập và làm việc ở Hàn được 3 năm. Theo cảm nhận riêng, độ lạnh mỗi năm tương đối giống nhau. Lần đầu tiên nhập học kỳ đầu ở Hàn, tôi từng bị sốc nhiệt và cảm vì nhiệt độ hạ đột ngột”, chị nói.
Chị Hằng sinh ra và lớn lên ở miền Nam Việt Nam với đặc trưng thời tiết ấm áp, nhiệt độ thấp nhất chỉ khoảng 20 độ C, do đó thời tiết lạnh giá ở Hàn dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của chị.
Chị Hằng nhận thấy mùa đông năm nay lạnh hơn so với những năm trước. “Vì là du học sinh, tôi cần tranh thủ đi làm nhiều hơn vào mùa đông để trang trải học phí. Khi ra đường, tôi phải mặc chiếc áo phao to dài và thêm nhiều lớp áo, quần ở trong. Tôi không thể để bất cứ bộ phận nào hở ra ngoài vì thật sự rất buốt”, chị nói với Zing.
Việc chi trả học phí và phí sinh hoạt cũng là một điều khó khăn với chị Hằng, đặc biệt với tình trạng giá năng lượng tăng cao trong năm nay.
“Giá năng lượng tăng cao khiến mình phải chi trả khá nhiều cho tiền điện và gas sưởi. Bên ngoài rất lạnh nên bắt buộc phải dùng máy sưởi. Bình thường tiền gas sưởi một tháng chỉ khoảng 30.000-40.000 won (570.000-760.000 VNĐ) nhưng tháng vừa rồi nhà tôi phải chi trả tới 140.000 won (2.600.000 VNĐ)”, chị nói thêm.
Tuy nhiên, dù thời tiết giá rét ở Hàn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, chị Hằng chia sẻ bản thân đã dần quen sau 3 năm trải qua mùa đông tại đây.
“Tuy lạnh, tôi vẫn được ngắm mưa tuyết rất đẹp. Tôi thường di chuyển bằng tàu điện ngầm hoặc xe buýt nên không gặp nhiều bất tiện trong thời tiết này. May mắn, hệ thống đường ống nước trong nhà cũng không bị đóng băng”, chị cho hay.
Cuốn sách thức tỉnh hàng triệu người dân Nhật
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách Khuyến học bàn về những yếu tố cơ bản khi xây dựng quốc gia hưng thịnh, về tinh thần học tập để quốc dân tự cường, dựa trên kinh nghiệm của người Nhật.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.