Anh Linh Huynh vốn là một người làm nghề lái xe taxi ở TP.HCM. 13 năm trước, người thân của anh làm việc trong một tiệm nail ở Mỹ rủ anh sang làm cùng. Từ khi đặt chân tới Miami, anh Huynh làm việc 10 giờ mỗi ngày, 6 ngày 1 tuần. Công việc của anh là cắt tỉa và chăm sóc móng. Sau khi tiết kiệm được một khoản tiền, anh cùng vợ và một người bạn mua lại nail có tên Lovely Nails ở Kendall vào năm ngoái.
“Ở Mỹ, tôi nghĩ là khoảng cách giàu nghèo không lớn lắm. Người giàu có xe hơi, tôi cũng có một chiếc. Điều quan trọng nhất là tôi làm việc chăm chỉ để lo cho tương lai của con gái. Cháu đang có cơ hội tốt để được học hành”, anh Huynh, 44 tuổi, nói. Anh Huynh và nhiều người Việt khác ở Mỹ đang đi theo con đường tương tự như các cộng đồng người nhập cư Mỹ Latin và Caribbean ở Nam Florida. Đó là tìm ra một nghề kinh doanh riêng để phát triển kinh tế gia đình. Tại Nam Florida cũng như ở nhiều nơi khác trên đất Mỹ, có rất nhiều người Việt làm nghề nail.
Anh Huy Van, một người Việt làm chủ tiệm nail ở Miami, Mỹ. |
“Nhờ nghề nail, cuộc sống gia đình tôi giờ đã ổn định”, cô Dieu Nguyen, người đã làm việc 3 năm trong tiệm International Nails ở Doral nói. Chồng của Dieu cũng làm việc trong một tiệm nail ở Tây Miami. Hiện nay, họ đã mua được nhà riêng. “Hồi còn ở Việt Nam, tôi làm việc khá vất vả nhưng thu nhập không cao. Sang đây làm nghề nail, tôi và chồng mỗi tháng cũng tiết kiệm được 2.000-3.000 USD”, Dieu nói.
“Câu chuyện gây cảm hứng”
Mỹ là quốc gia có số người nhập cư đông nhất trên thế giới, lên tới 14 triệu. Dân số Mỹ chỉ chiếm 5% dân số toàn cầu, nhưng 20% người nhập cư trên toàn cầu sống ở Mỹ - theo số liệu từ Viện Chính sách nhập cư của nước này. Mang theo “giấc mơ Mỹ”, những người nhập cư thường theo chân đồng hương đến trước, tìm kiếm công việc và mua lại cơ sở làm ăn trong cùng lĩnh vực, hình thành nên những cộng đồng đặc trưng. Chẳng hạn người Dominica sở hữu nhiều cửa hiệu bán rượu vang ở New York, người Hàn làm nghề giặt khô ở Los Angeles, hay người Ethiopia lái taxi ở thủ đô Washington.
Tương tự, người Việt Nam đã tạo thành một lực lượng hùng hậu, có chỗ đứng vững chắc trong nghề nail ở Mỹ. Thống kê từ tạp chí Nail Magazine của Mỹ cho thấy, tại nước này, hiện có 374.345 người Việt được cấp chứng chỉ kỹ thuật viên nghề nail, chiếm hơn 40% nhân lực làm trong nghề nail ở Mỹ. Vào thời điểm năm 2010, Miami có tới 279, còn ở Florida có 1.152 tiệm nail do người Việt sở hữu và đăng ký.
Vào tháng 11 vừa qua, đã xảy ra một vụ việc khiến dư luận lo ngại. Một nhóm cướp có vũ khí đã ập vào tiệm nail có tên Hong Kong Nail Salon ở Miami-Dade, bắn chết cậu con trai 10 tuổi của chủ tiệm người Việt. Ông chủ tiệm này là Hai Nam Vu cũng bị thương và hiện đang trong quá trình hồi phục. Tiệm nail này đến nay vẫn chưa mở cửa trở lại.
Sau vụ việc, cộng đồng người Việt làm nail ở Mỹ rất lo lắng. Một số tiệm đã bắt đầu đóng cửa sớm hơn vào buổi tối. Các tiệm khác thì khóa cửa và chỉ mở mỗi khi có khách ra vào. “Làm ơn đóng cửa vào. Nhỡ đâu lại có cướp”, anh Huynh nói với người bạn cùng làm Phuc To tại tiệm Lovely Nails sau khi có một vị khách bước ra.
Thống kê vào năm 2012 cho thấy, ở Florida có khoảng 54.597 người Việt sinh ra tại Việt Nam sinh sống, chiếm 1,5% trong tổng số khoảng 3,75 triệu người nhập cư ở bang này. “Họ bắt đầu bằng cách làm thuê trong các tiệm nail. Sau đó, khi có đủ khách hàng, họ quay ra mở tiệm riêng. Trước khi mọi người biết, thì họ đã có thể làm được những dịch vụ chất lượng cao hơn và sử dụng điều đó làm nền tảng để mở rộng một hệ thống”, ông Alfred Osborn, một giáo sư thuộc đại học California, nói về những người Việt làm nghề nail. “Họ đã tới Mỹ, làm việc chăm chỉ, và khá giả lên và sống giấc mơ Mỹ. Việc họ vượt qua được tất cả mọi trở ngại và chiếm lĩnh một thị trường riêng thực sự là một câu chuyện gây cảm hứng”.
Khởi nguồn của câu chuyện
Có thể nhiều người không biết, nhưng việc người Việt làm nghề nail phổ biến ở Mỹ bắt nguồn từ nỗ lực dạy nghề được bà Tippi Hedren, một ngôi sao Hollywood, khởi xướng. Bà Hedren cũng là mẹ của một nữ minh tinh Hollywood, Melanie Griffith.
Vào năm 1975, bà Hedren tới thăm trại tị nạn Hope Village ở Sacramento, California, nơi có 20 người phụ nữ Việt Nam vừa được đưa tới. Khi thấy những người phụ nữ này thích thú với bộ móng tay của bà, Hedren - khi đó là một điều phối viên về cứu trợ quốc tế - đã nghĩ ngay tới chuyện giúp họ làm nghề nail. “Tôi để ý thấy những người phụ nữ đó rất khéo tay. Tôi nghĩ, tại sao họ không học làm nail chứ”, bà Hedren kể lại trên tờ Los Angeles Times trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào năm 2008.
Sau đó, bà Hedren đã đưa người thợ làm móng của bà tới trại tị nạn này mỗi tuần một lần để dạy những người phụ nữ Việt Nam ở đây làm móng. Bà cũng yêu cầu họ phải được học cách sơn phủ bóng (silk wrap), một kỹ thuật giúp đem đến những chiếc móng giả bền và trông tự nhiên hơn. Sau đó, bà Hedren thuyết phục một trường dạy làm đẹp gần đó giúp những người phụ nữ này tìm việc làm.
“Bà ấy đã giúp những người phụ nữ này xây dựng một chỗ đứng trong nghề nail, và nghề này ngày càng phát triển. Thứ nọ kéo theo thứ kia. Nhờ đó mà nghề nail đến nay đã là nghề phục vụ cho đại chúng”, giáo sư Osborne nhận xét.
Từ chỗ chỉ có 20 người phụ nữ Việt nhập cư vào Mỹ được đào tạo, ngày nay đã có hẳn một cộng đồng người Việt làm nail ở nước này. Họ sở hữu tiệm nail ở mọi ngóc ngách trên đất Mỹ, không khác gì những tiệm cà phê Starbucks hay hiệu đồ ăn nhanh McDonald’s - ông Osborne đưa ra so sánh. “Có những người giữ thế độc quyền trên thị trường ở một số cộng đồng nhất định trên đất Mỹ và sở hữu nhiều tiệm, có khả năng tạo công ăn việc làm cho nhiều người”, ông Osborne nói.
Đối với nhiều người, các salon làm nail đem đến cơ hội gia nhập với những yêu cầu tối thiểu về giáo dục và đầu tư. Khi làm thuê trong tiệm, họ được sống cùng bạn bè hoặc người thân mà vẫn kiếm được chứng chỉ. Sau đó, khi đã có đủ tiền, họ chuyển ra mở tiệm riêng.
“Tôi chọn làm nail vì công việc này không đòi hỏi bằng cấp cao, không cần nhiều vốn, và tôi có thể giúp những người Việt ở Mỹ khác muốn tìm việc làm”, anh Thanh Huynh, chủ tiệm Expo Nail ở Southwest Miami Dade nói. “Kế hoạch của tôi là trở thành chủ của một tiệm lớn ở vị trí tốt. Tôi sẽ tiết kiệm tiền để thực hiện ước mơ của mình”.
Thế hệ thứ hai
So với những spa và tiệm làm tóc sang trọng, các tiệm nail của người Việt ở Nam Florida thường nằm ở những vị trí có chi phí thấp hơn và đưa ra giá dịch vụ mềm hơn, chẳng hạn 10 USD cho cắt tỉa móng, 20 USD mỗi lần chăm sóc móng, và 30 USD sơn móng.
Tiệm USA Nails ở Biscayne Boulevard, Miami có rất nhiều dịch vụ, từ cắt tỉa, chăm sóc móng, cho tới vẽ móng nghệ thuật. Chủ tiệm này, anh Huy Van, rời Việt Nam vào năm 1988, đã đi qua Hong Kong, Philippines, Honolulu, Chicago, và Detroit trước khi dừng chân ở Miami vào năm 1998. “Khí hậu ở đây cũng giống như ở nước tôi, ấm áp và không có tuyết”, anh Huy Van nói. Trước khi có được tiệm riêng từ năm 2010, anh đã từng làm thuê hai lần trong hai tiệm khác nhau. Hiện nay, em gái và cháu gái của anh Huy đang làm trong tiệm nail của anh.
Anh Huy cho hay, dù đã là chủ, anh vẫn làm việc 60 giờ mỗi tuần giống như khi còn đi làm thuê trước kia. Anh từ chối tiết lộ thu nhập, chỉ nói rằng doanh thu được chia theo tỷ lệ 60% cho kỹ thuật viên và 40% cho tiệm. “Họ làm rất tốt. Tôi muốn sẽ đến đây thường xuyên hơn”, cô Toni Hunter, một khách hàng tới chăm sóc móng ở tiệm của anh Huy nhận xét.
Ở phía Bắc của Biscayne Boulevard, tiệm Nail Capital có đầy đủ dịch vụ từ móng tới tẩy lông. Chủ tiệm này là cặp vợ chồng anh Loc Nguyen, 43 tuổi, và chi Hang Phan, 41 tuổi. Họ thuê 3 nhân viên không phải là người họ hàng. Anh Nguyen đã mua tiệm này từ người chú, người đã dạy anh làm nail sau khi anh chuyển từ Miami tới cùng với bố mẹ và anh chị em vào năm 1998.
Cũng giống như những chủ tiệm nói trên, anh Hieu Truong mở T-Nails ở Kendall vào năm 2006 sau nhiều năm làm thuê cho các tiệm ở Minnesota và California. Giờ anh và vợ đã là chủ, thuê 7 nhân viên. “Nghề nail giúp ổn định cuộc sống cho nhiều người Việt đến Mỹ. Nhưng thế hệ thứ hai, như con tôi, chắc sẽ không chọn nghề nail vì họ có bằng cấp và giỏi tiếng Anh, có thể tìm được công việc khác tốt hơn”, anh Trương nói.
Bà Jeanne Batalova thuộc Viện Chính sách nhập cư Mỹ cho rằng, đó cũng là một phần của giấc mơ Mỹ. “Con cái của họ thường dựa vào thành công của cha mẹ để phát triển lên. Thế hệ thứ hai sẽ chuyển sang những công việc trí thức. Quy trình này đã lặp đi lặp lại ở tất cả các làn sóng người nhập cư mọi dân tộc, từ người Italy, Bắc Âu, Do Thái, tới người từ các quốc gia khác đến Mỹ. Con cái của họ giờ đã trở thành một phần trong tầng lớp trung lưu ở Mỹ”, bà Batalova nói.