Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Người Việt có thực sự hiểu hết sự giàu, đẹp của tiếng Việt?

Cái giàu, đẹp của tiếng Việt trong văn chương cho đến giao tiếp, lời nói hàng ngày được các tác giả bộ sách "Tiếng Việt giàu đẹp" truyền tải qua nhiều góc nhìn, lăng kính thú vị.

Trong khuôn khổ buổi giao lưu về bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp, 5 tác giả Nguyễn Đức Dân, Trần Thị Ngọc Lang, Trịnh Sâm, Dương Thành Truyền, Lê Minh Quốc đã chỉ ra rằng tiếng Việt mà người Việt sử dụng hàng ngày trong lời nói, giao tiếp, thông báo, thông tin... tưởng chừng là quen thuộc đến hiển nhiên, lại ẩn chứa nhiều triết lý sâu xa và phản ánh được tâm hồn Việt, văn hóa Việt.

Như lời nhà báo Dương Thành Truyền, người có 40 năm sống với công việc nói và viết (từ làm cán bộ Đoàn, giáo viên, huấn luyện phát triển cá nhân, tổ chúc đến viết tạp bút, du ký, làm sách báo, biên tập tổ chức bản thảo...), sau bao năm ngỡ "quen quá lại không thấy đẹp nữa", nhưng đến giờ "đọc một câu tiếng Việt hay… tôi vẫn thấy vui, thích thú lắm". Bởi lẽ ngôn ngữ này có thể "chơi chữ đến đơn vị nhỏ nhất" để người viết linh hoạt "chủ động tạo nhịp cho câu".

tieng viet giau dep anh 1

GS.TS.NGƯT Nguyễn Đức Dân (trái) và PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang tại buổi giao lưu hôm 21/9. Ảnh: NXB Trẻ.

Logic của ngôn ngữ

GS.TS.NGƯT Nguyễn Đức Dân, người đặt nền móng cho bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp (cuốn đầu tiên in cách đây 20 năm), vốn xuất thân là một người học Toán. Năm 1957, Nguyễn Đức Dân tốt nghiệp cử nhân ban Toán (khoa Toán - Lý, Đại học Sư phạm Hà Nội). Từ tháng 8/1957, ông dạy Toán tại trường Bưởi (nay là Trường THPT chuyên Chu Văn An - Hà Nội). Ông là một trong những thầy giáo chuyên Toán đầu tiên của thủ đô.

Từ năm 1966 đến năm 1970, Nguyễn Đức Dân được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Ba Lan. Quan tâm các vấn đề về logic và thống kê trong toán học, ông đề xuất nguyện vọng đi sâu về vấn đề toán học trong nghiên cứu ngôn ngữ. Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học hình thức (formal linguistics) với đề tài “Minh họa câu đơn tiếng Việt bằng ngữ pháp phạm trù” tại Warszawa, Ba Lan đánh dấu bước chuyển hướng quan trọng từ Toán học sang Ngôn ngữ học trong sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu của Nguyễn Đức Dân.

Sự chuyển hướng này, theo ông là vì "tiếng Việt có những câu mình dùng mỗi ngày, nhưng lại không thấy được ý nghĩa sâu xa". Do đó, như ông nói, từ "một người ngoại đạo", ông dấn thân vào con đường nghiên cứu ngôn ngữ, nhìn cái thường nhật dưới lăng kính phương pháp khoa học.

Phát biểu giữa 4 tác giả khác của bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp và trước hàng chục độc giả tại Đường sách TP.HCM trong buổi giao lưu diễn ra hôm 21/9, vị giáo sư ngôn ngữ gốc toán này nhẹ nhàng nhận mình là người "không biết đưa nhiều ví dụ dài dòng khi nói".

tieng viet giau dep anh 2

Tác giả Dương Thành Truyền. Ảnh: NXB Trẻ.

Tuy nhiên, theo nhà báo Dương Thành Truyền, tác giả cuốn sách Tình ca tiếng nước ta và cũng là học trò của GS Nguyễn Đức Dân, trong các công trình của GS, độc giả luôn dễ dàng bắt gặp rất nhiều ví dụ gần gũi, thực tế, cập nhật thường xuyên.

Nguyễn Đức Dân không giới hạn phạm vi quan sát ngôn ngữ trong văn chương kinh điển hay sách vở. Với ông, hiện diện của ngôn ngữ trong đời sống thường ngày, trên mặt báo, trong những cuộc trò chuyện... đều là những chất liệu để những người yêu tiếng Việt, những nhà nghiên cứu có thể phân tích, đào sâu. Đến nay ông vẫn đều đặn theo dõi chương trình Vua tiếng Việt và cảm thấy "mừng vì bạn trẻ bây giờ vẫn quan tâm đến tiếng Việt".

Là chuyên gia đầu ngành với nhiều đóng góp cho các bộ môn Ngôn ngữ học thống kê, Ký hiệu học, Logic và tiếng Việt, GS Nguyễn Đức Dân từng có nhiều công trình học thuật chuyên sâu như Từ điển tần số tiếng Việt/Dictionnaire de fréquence du Vietnamien (Paris VII, 1980); Ngôn ngữ học thống kê (1984); Lôgích - ngữ nghĩa - cú pháp (1987); Lôgích và tiếng Việt (1996); Ngữ dụng học, tập I, (1998)...

Bên cạnh đó, ông cũng là tác giả hai đầu sách "gối đầu giường" của nhiều người viết, với văn phong dễ hiểu, ví dụ sinh động để độc giả dễ dàng học và áp dụng: Nỗi oan thì, là màTừ câu sai đến câu hay.

Triết lý tiếng Việt (2022) là tựa sách mới nhất Nguyễn Đức Dân viết cho bộ Tiếng Việt giàu đẹp. Sách phân tích điểm nhìn, tầm quan trọng của tư duy trong đọc hiểu và ứng dụng ngôn ngữ vào đời sống.

Nhà báo Dương Thành Truyền nhận định rằng qua cuốn sách, ta thấy trong giao tiếp, lời nói, người Việt luôn có tôn ti trật tự trên dưới. Do đó mà nhiều ca dao, tục ngữ tưởng chừng vô lý nhưng GS giải thích rất hữu lý. Đọc sách giúp người Việt hiểu hơn ngôn ngữ của mình, từ đó học được cách "diễn đạt rất Việt".

tieng viet giau dep anh 3

Bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp. Ảnh: NXB Trẻ.

Phương ngữ Nam bộ dồi dào vốn từ về sông nước

So với các tác phẩm khác của bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp, công trình của PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang lựa chọn nghiên cứu chuyên sâu tiếng Việt gắn với một vùng địa lý. Qua Tiếng Việt phương Nam, tác giả đặt phương ngữ Nam Bộ trong sự so sánh với các từ ngữ Bắc Bộ, Trung Bộ, và từ toàn dân nói chung.

Tập sách chia thành 3 phần: Phần 1 chuyên về phân tích, giải thích sự khác biệt các hiện tượng từ vựng - ngữ nghĩa ở 2 miền Nam-Bắc; Phần 2 là tập hợp ngữ liệu, những nhóm từ chính trong phương ngữ Nam Bộ; Phần 3 là những bài viết tản mạn về ngôn ngữ, phân tích các tác phẩm văn chương của Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư để làm rõ hơn những đặc điểm thú vị trong tiếng nói Nam Bộ, lời văn Nam Bộ.

Theo tác giả, điều kiện địa lý, tự nhiên, văn hóa, xã hội đã ảnh hưởng lớn đến ngôn ngữ tiếng Việt ở miền Nam. Một ví dụ điển hình là miền Tây Nam Bộ gắn liền với nhiều sông, ngòi, kênh, rạch, do đó phương ngữ Nam bộ có vốn từ dồi dào, phong phú từ về sông nước. Ngoài ra, sự giao thoa, tiếp xúc với ngôn ngữ của đồng bào thiểu số như tiếng Khmer đã tạo ra những cách dùng từ, cách nói lai ghép như "mình ên".

GS đặc biệt chỉ ra rằng ngôn ngữ mà người TP.HCM sử dụng hiện nay là "bán phương ngữ", tính chất hình thành do sự hội tụ của người nhiều phương về đây an cư lập nghiệp. Những người di dân từ ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam và Quảng Ngãi) năm xưa vào ảnh hưởng đến tiếng Việt ở vùng đất này, nên người TP.HCM vừa quen với "bánh canh giò heo" mà cũng quen gọi "bánh da lợn". Về sau, sự va chạm, tiếp xúc với tiếng Hoa, tiếng Pháp, tiếng Anh càng làm cho ngôn ngữ ở thành phố này phát triển đa dạng hơn nữa.

Theo bà, trong văn học thành văn, cũng như trong văn học dân gian thì người Nam bộ rõ ràng, dứt khoát trong việc thể hiện tình cảm, đúng như câu Thò tay mà ngắt cọng ngò/Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ. Để làm rõ hơn điều này, tác giả đã lựa chọn khảo sát 3 ngôn ngữ trong tác phẩm của các nhà văn Nam bộ tiêu biểu thuộc 3 giai đoạn khác nhau là Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư.

Bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp có sự đóng góp của các tác giả là nhà nghiên cứu ngôn ngữ và những người có nghề nghiệp liên quan đến ngôn ngữ, văn hóa và viết lách trong nước. Đến nay bộ sách đã có 11 tựa, bao gồm Ăn, uống, nói, cười và khóc (Trần Huiền); Cuộc sống trong ngôn ngữ (Hoàng Tuệ), Muôn màu lập luận; Nỗi oan Thì, là, mà; Triết lý tiếng Việt, Từ câu sai đến câu hay (Nguyễn Đức Dân), Vẻ đẹp ngôn ngữ, vẻ đẹp văn chương (Lê Xuân Mậu), Đi tìm bản sắc tiếng Việt (Trịnh Sâm), Tiếng Việt Phương Nam (Trần Thị Ngọc Lang) và 2 tựa mới nhất vừa phát hành trong năm 2024 là Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm (Lê Minh Quốc) và Tình ca tiếng nước ta (Dương Thành Truyền).

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Tâm Anh

Bạn có thể quan tâm