Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Việt chi tiền triệu đặt hàng ngày 'thứ sáu đen' của Mỹ

Để mua được hàng trong ngày giảm giá lớn nhất của Mỹ, khách Việt phải trả thêm 15-18% thuế, công mua, cộng phí vận chuyển thông qua dịch vụ đặt hàng.

Black Friday hay còn gọi ngày "Thứ sáu đen" tại Mỹ là thời điểm mà hàng loạt nhãn hàng bán lẻ tung ra đợt khuyến mãi rầm rộ nhất trong năm với tỷ lệ chiết khấu từ 20 đến 70%. Vì hầu hết website thương mại điện tử lớn tại Mỹ đều từ chối gửi hàng trực tiếp về địa chỉ tại Việt Nam nên đây trở thành cơ hội vàng kiếm lời cho nhiều đầu mối nhận đặt hộ, vận chuyển hàng hóa từ Mỹ về.

Theo đó, với mỗi hóa đơn mua hàng, khách thường phải trả thêm cho các đầu mối này tiền thuế, công mua hàng và phí vận chuyển. Thông thường, thuế sẽ được tính bằng 8% giá trị sản phẩm công bố, công mua là 7-10% và phí vận chuyển 10 - 12 USD/kg đối với đường hàng không. Các sản phẩm như quần áo, giày dép, túi xách... được khuyến cáo nên sử dụng phương thức vận chuyển bằng đường biển, với giá chỉ bằng một nửa (nếu tính theo khối lượng) hoặc 5% (nếu tính theo giá trị hàng).

Các trang đặt hàng thuê, vận chuyện hộ của Việt Nam nhanh chóng bắt kịp ngày lễ giảm giá lớn nhất ở Mỹ. Ảnh: FBNV.

Chị Nguyễn Nguyên, một đầu mối chuyên nhận hàng đặt tại Mỹ cho biết, những mặt hàng được nhiều người Việt hướng đến nhất là quần áo, giày, túi xách, dây lưng, kính, đồ chơi trẻ em và hàng điện tử. 

"Black Friday và dịp Giáng sinh, cuối năm dương lịch là lúc hàng đặt từ các nước Mỹ, châu Âu tăng mạnh, trước khi bước vào đợt nghỉ dài ngày. Năm nay, khách hàng nhận và báo các đường dẫn hàng giảm giá khá sớm bởi các hãng đã có chương trình ngay từ ngày 13/11, nên số lượng đặt mua tính đến ngày 26/11 cao hơn năm ngoái khoảng 20%".

Đầu mối này cũng cho biết, bình thường hàng đặt sẽ về vào thứ 3 và thứ 7 hàng tuần, sau một thời gian đặt. Nhưng khách mua hàng vào ngày thứ 6 này của Mỹ (tương ứng với thứ 7 tại Việt Nam) có thể phải chờ sau một tuần mới được nhận hàng.

"Thông thường hàng về vẫn được chia theo kiện 10-30 kg, nhưng số lượng hàng trong đợt này có thể lên tới vài trăm kg. Mỗi đầu mối gom hàng tại Mỹ không thể đặt số lượng hàng quá nhiều, nên có thể phải chia nhỏ yêu cầu của khách, hoặc đặt theo chủng loại riêng. Vì vậy, khi hàng đến Việt Nam thì đầu mối lại phải mất công phân loại trở lại, khiến thời gian giao hàng có thể kéo dài hơn", chị này chia sẻ.

Không tiết lộ về mức lợi nhuận thu được khi nhận đặt hàng trong ngày "Thứ sáu đen tối" nhưng Lan Vũ, đầu mối nhận đặt hàng Mỹ tại Hà Nội, cho biết đây là mùa làm ăn quan trọng nhất trong năm. 

"Lãi lớn, nhưng rủi ro cũng cao và rất vất vả. Khách sẵn sàng thức thâu đêm để gửi đường dẫn hàng giảm giá, mình vừa làm việc với mối mua hàng, vừa lên danh sách cho khách. Nhiều người mua theo dạng buôn, đặt tới vài chục triệu đồng, rải rác suốt một tuần nên phải cẩn trọng. Đôi lúc còn xảy ra cãi vã giữa khách đặt hàng trước và hàng sau với mặt hàng nào đó gây sốt mà chỉ mua được 1-2 chiếc đúng size, mối phải cẩn thận giữ lại bằng chứng để còn phân xử khi hàng về tới nơi".

Để cạnh tranh nhau, không ít mối nhập hàng tại Việt Nam cũng tranh thủ đưa ra những dịch vụ giảm giá đi kèm. Giám phí đặt hàng (từ 10% xuống 5%), miễn phí vận chuyển với các đơn từ 100 USD đến 300 USD là cách làm mà khá nhiều nơi đang áp dụng.

Theo thông tin từ các báo Mỹ, Black Friday là ngày thứ sáu ngay sau Lễ Tạ Ơn (Lễ Tạ Ơn rơi vào thứ năm thứ tư của tháng 11) và được coi là ngày mở hàng cho mùa mua sắm tấp nập nhất ở Mỹ.

Ngày đặc biệt này có xuất xứ từ tình trạng kẹt xe xảy ra vào ngày thứ sáu sau Lễ Tạ Ơn năm 1965 ở Philadelphia, khi hàng trăm nghìn người Mỹ chen chúc nhau, đen kịt các con phố, vỉa hè đi mua sắm để sửa soạn cho Lễ Noel sắp đến.

Nó chỉ trở thành thuật ngữ mang tính “toàn quốc” sau thập niên 90. Trước đó, Black Friday vẫn “nằm” lại ở Philadelphia và chỉ tác động một chút đến Trenton, New Jersey. Phải đến giữa thập niên 90, thuật ngữ này mới được sử dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ.

Black Friday trở thành ngày mua sắm lớn nhất năm từ 2001 và dần được toàn cầu hóa. Tuy nhiên, ít ai biết, thuật ngữ “Black Friday” nguyên bản vốn được dùng cho sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ hồi thế kỷ 19.

 

T.A

Bạn có thể quan tâm