Năm mới 2017 đã đến trong sự nô nức của người dân khắp thế giới. Các màn trình diễn pháo hoa ở Sydney, Hong Kong, Singapore khiến người xem không muốn rời mắt. Người Việt khắp bốn phương cũng hòa chung không khí đó.
Âm 30 độ vẫn ra đường vui chơi
Tối 31/12, nhiệt độ ngoài trời tại Ulaanbaatar là -30 độ C. Dù vậy, quảng trường Chinggis lớn nhất thủ đô Mông Cổ vẫn chật kín người. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Quỳnh (26 tuổi, quê Nam Định) cùng nhóm bạn, chủ yếu là sinh viên, rủ nhau ra đây chờ xem pháo hoa.
"Trời lạnh lắm, tối giao thừa còn lạnh hơn mọi hôm, nhưng ai cũng tập trung ở quảng trường xem pháo hoa, không khí phấn khởi lắm", anh Quỳnh chia sẻ với Zing.vn. Đây là lần thứ 6 anh đón năm mới ở Mông Cổ kể từ khi sang đây học vào năm 2009 rồi ở lại làm việc. Anh đang điều hành một cơ sở kinh doanh nhỏ ở Ulaanbaatar.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Quỳnh tại quảng trường Chinggis ở Ulaanbaatar, Mông Cổ, tối 31/12. Ảnh: NVCC. |
"Hồi còn là sinh viên, năm nào cũng tổ chức liên hoan chào đón năm mới. Năm nay tụi mình cũng tụ tập ăn uống rồi ra quảng trường xem pháo hoa, uống sâm banh rồi về", anh nói. Nhóm bạn của anh gồm khoảng 10 sinh viên, đang theo học ngành ngoại giao và nông nghiệp.
Anh Huỳnh Anh Vũ (26 tuổi, quê Quảng Nam) chia sẻ năm nay là lần đầu tiên anh đón "tết Tây" ở Nhật Bản. Anh vừa sang thành phố Kobe làm việc cách đây một tháng.
"Tôi mới sang, chưa quen ai nhiều, đường sá thì lạ nước lạ cái. May có nhóm bạn cùng quê từ thành phố khác đón tàu tới chỗ tôi, tụ tập ăn uống một bữa. Tôi vui lắm vì mọi người ở cách xa cả 500 km mà vẫn cố gắng đến chỗ tôi", anh Vũ nói với Zing.vn.
Anh Huỳnh Anh Vũ (thứ 3 từ trái sang) cùng bạn bè tại nhà ga Kobe, Nhật Bản, hôm 31/12. Ảnh: NVCC. |
Sau khi ăn uống, anh cùng bạn bè ra đường vui chơi. Kobe vốn nổi tiếng với lễ hội pháo hoa mùa hè nhưng tối giao thừa thành phố không bắn pháo hoa. "Tuy không có pháo hoa nhưng không khí vẫn rất náo nhiệt. Người Nhật ăn tết dương, nên dịp này có rất nhiều hoạt động", anh Vũ cho hay.
Hòa cùng văn hóa bản địa
Chị Nguyễn Ngọc Hà (26 tuổi, quê Hà Nội), nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học La Trobe ở Melbourne, Australia, năm nay quyết định đi xem pháo hoa trước khi về Việt Nam đón năm mới cùng gia đình. Từ 19h, chị và một người bạn đã có mặt tại bến cảng Docklands, một trong 4 điểm bắn pháo hoa ở Melbourne.
"Năm trước thì mình về nước sớm rồi, năm nay muốn đi xem pháo hoa để biết không khí như thế nào", chị Hà nói với Zing.vn. Chị cho biết các địa điểm bắn pháo hoa ở Melbourne dường như không còn chỗ trống nhưng người dân vẫn ngồi hoặc đứng rất trật tự. Chị cũng như một số người khác mang theo thức ăn nhẹ chờ đến giao thừa.
Chị Nguyễn Ngọc Hà trước giờ xem pháo hoa tại Melbourne, Australia, tối 31/12. Ảnh: NVCC. |
Chị Nguyễn Thanh Mai, hiện học cao học tại bang North Rhine-Westphalia, Đức, chia sẻ rằng năm nay nhiều du học sinh Việt Nam tự mua pháo hoa về đốt. Việc chính quyền cho phép người dân tự tổ chức đốt pháo hoa (tầm thấp) tại nhà là điều khiến chị cảm thấy ngạc nhiên nhất về phong tục đón năm mới của người Đức.
"Từ ngày 29 đến 31/12, các siêu thị, cửa hàng nhộn nhịp bán pháo hoa, mọi người cũng nhộn nhịp đi mua. Tất nhiên ở Đức việc bắn pháo hoa cũng có những quy định cụ thể để đảm bảo an toàn cho mọi người, ví dụ như thời gian đốt pháo là từ 0h01 ngày 31/12 đến 23h59 ngày 1/1", chị Mai cho biết.
Ngoài ra, người dân phải mua những loại pháo có các ký hiệu chứng tỏ là đã được kiểm tra an toàn, nếu vi phạm có thể bị phạt rất nặng. "Năm ngoái nhà nhà, người người đều đốt pháo, pháo nổ cũng rất đẹp, rất vui", chị Mai nói.
Tin tưởng lực lượng an ninh
Khi được hỏi về nguy cơ an ninh trong dịp Giáng sinh và năm mới, chị Hà nói chị không quá lo lắng. "Đợt này thấy cảnh sát ngoài đường nhiều nên không có cảm giác sợ", chị giải thích. Vài ngày trước, cảnh sát Melbourne đã bắt giữ 5 nghi phạm tình nghi tấn công khủng bố đêm Giáng sinh.
Tương tự, chị Mai cũng chia sẻ với Zing.vn rằng chị "tin tưởng vào sức mạnh của an ninh và cảnh sát Đức", nên vẫn đi dạo, mua sắm với bạn bè như thường dù thủ đô Berlin vừa bị tấn công ngay trước thềm Giáng sinh. Đây là dịp các cửa hàng, nhãn hiệu ở Đức giảm giá nhiều và mạnh tay nhất trong năm nên mọi người đi mua sắm rất đông.
"Người dân vẫn đón Giáng sinh và năm mới như bình thường, có khác chăng là hoạt động an ninh trở nên nghiêm ngặt hơn, cảnh sát thường xuyên đi tuần tra ở các khu vực tập trung đông người như nhà ga, chợ…", chị Mai nói. "Tuy nhiên nếu chỉ có một mình, tôi sẽ không mạo hiểm đi vào buổi tối hoặc tới những địa điểm có nguy cơ cao như Cologne, nơi xảy ra một vụ cưỡng hiếp chấn động vào đêm giao thừa năm ngoái".
Chị Nguyễn Thanh Mai (thứ 3 từ trái sang) tụ tập cùng nhóm du học sinh Việt Nam tại Đức trước thềm năm mới. Ảnh: NVCC. |
Ngô Đình Hoàng, 22 tuổi, du học sinh Việt Nam tại Tokyo, Nhật Bản, nói với Zing.vn rằng để đảm bảo an ninh, Nhật Bản tổ chức bắn pháo hoa từ lúc 19h tại đảo nhân tạo Odaiba, thành phố Yokohama và một số quận ở Tokyo.
Hoàng có mặt ở ga Shibuya, trung tâm Tokyo, từ lúc 23h để tham gia màn đếm ngược chào năm mới. "Không khí ở đây rất náo nhiệt và đông vui. Những người tham dự phần đông là du khách phương Tây và một số ít du khách châu Á", anh nói.
Bạn Nguyễn Thị Thu Uyên (25 tuổi, quê Hà Tĩnh) chia sẻ với Zing.vn đây là năm đầu tiên bạn đón giao thừa ở Mỹ sau nhiều năm du học ở Hàn Quốc.
Thu Uyên (thứ 3 từ phải sang) đón giao thừa cùng các bạn học ở Berkeley, California, Mỹ. Ảnh: NVCC. |
"Ở Berkeley không có các hoạt động đón năm mới sôi nổi như bắn pháo hoa, nhạc hội giống San Francisco. Mình cũng cảm nhận sau khi ông Trump thắng bầu cử Mỹ, không khí ở đây khá căng thẳng, Berkeley có truyền thống theo đảng Dân chủ rất mạnh. Không khí khá trầm lặng, mọi người hầu như đón giao thừa ở nhà".
Uyên hiện là nghiên cứu sinh ngành lịch sử tại Đại học California, Berkeley. Nói về cảm xúc đêm giao thừa, Uyên cho biết: "Mình thấy buồn vì thế giới phương Tây đang trở nên cực đoan hơn, nhưng được học ở Berkeley cũng là điều may mắn với mình. Đây là nơi mọi người không ngại thể hiện ý kiến và đấu tranh cho những gì tốt đẹp".
Anh Đào Huy Toàn (33 tuổi) là nghiên cứu sinh ở Vienna, Áo nhưng sang Paris, Pháp để đón năm mới cùng gia đình.
"Ở châu Âu, Giáng sinh được coi trọng hơn nên không khí đón năm mới không sôi nổi bằng. Đường phố, siêu thị có đông hơn bình thường đôi chút. Năm nay, Paris và nhiều nơi ở Pháp không bắn pháo hoa vì sợ khủng bố. Riêng Paris có một chương trình chiếu 3D lazer lên Khải Hoàn Môn khá thú vị", anh Toàn nói với Zing.vn.
Anh Toàn cũng chia sẻ vào dịp này, hội người Việt ở các nước châu Âu thường chỉ tụ tập hoặc đi chơi cùng nhau, đến Tết âm lịch mới làm tất niên đón giao thừa. Với riêng anh, đây là lễ đón năm mới khá đặc biệt vì cả gia đình được đoàn tụ đón năm mới.
"Tôi sẽ rất nhớ năm nay vì đây là đêm giao thừa đầu tiên của con gái, sang tháng sau cháu sẽ được một tuổi", anh Toàn cho biết thêm.