Quang Van Ho đồng ý đi lên phía bắc từ London trong đêm khuya với hy vọng được đảm bảo việc làm.
Nhưng sau khi đến Khu công nghiệp Foxhills ở Scunthorpe, các cánh cửa đã bị khóa và đóng chặt sau lưng anh để đảm bảo cả anh và hai người đàn ông khác bị nhốt bên trong đều không thể trốn thoát.
Theo Metro, họ không có gì để ăn ngoài những túi gạo và phải tuân theo mệnh lệnh nghiêm ngặt để canh tác 15.000 cây cần sa trị giá tới 4 triệu bảng (tương đương 5,2 triệu USD)
Số cây cần sa được phát hiện bên trong nhà máy có giá khoảng 4 triệu bảng trên thị trường chợ đen. Ảnh: Metro. |
Trong phiên tòa xét xử hôm 31/1, cảnh sát cho biết họ phải mất gần một tuần để thu gom hàng nghìn chậu cây sau cuộc đột kích vào ngày 28/7/2019.
Chúng được trồng dưới ánh đèn nhiệt công nghiệp chạy bằng nguồn điện ăn cắp dưới lòng đất và được vận chuyển bởi đội xe chở hàng cũ của Tesco đến mạng lưới rộng lớn các đại lý trên toàn Lincolnshire.
Các nhà điều tra cho biết đây là một trong những nhà máy lớn nhất và chuyên nghiệp nhất mà họ từng thấy. Họ vẫn đang cố gắng truy tìm những kẻ cầm đầu đứng sau đường dây.
Ho và những người cùng bị giam giữ được cho là được tuyển mộ trên đường phố ở thủ đô và không biết sẽ phải làm công việc gì.
Cả ba ban đầu bị bắt và buộc tội sản xuất cần sa. Nhưng tuần trước, các công tố viên đồng ý rằng ba người là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại.
Luật sư bào chữa cho biết Ho đến Vương quốc Anh bằng visa du lịch với hộ chiếu của mình nhưng cuối cùng bị giam trong trung tâm giam giữ nhập cư.
Sau khi được trả tự do, anh không biết làm gì để kiếm sống cho đến khi có người ở London hứa cho anh công việc.
Ho cho biết anh được đưa đến Scunthorpe giữa đêm và bị nhốt. Anh không được trả tiền và buộc phải làm việc nếu không sẽ bị đánh đập. Anh bị bỏ lại với một túi gạo và một số thứ chỉ đủ để duy trì sinh hoạt cơ bản.
Hai người còn lại được cho là đã nhập cảnh trái phép khi ở trong thùng xe tải.
Ho đã được thả tự do và không bị trục xuất nhờ hộ chiếu và visa còn hiệu lực.