“Tôi hét toáng lên khi thấy được trái bàng vuông nảy mầm, vậy là loài cây gắn liền với thủy binh hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải có thể nhân giống bảo tồn được. Có niềm hạnh phúc nào hơn thế”.
Đó là niềm hạnh phúc của trung tá Nguyễn Văn Đào (52 tuổi, trưởng ban hậu cần kỹ thuật huyện đội Lý Sơn, Quảng Ngãi). 10 năm đã trôi qua kể từ ngày ông ươm thành công cây bàng vuông. Đến nay, hơn 10.000 cây con đã ra đời.
Những thế hệ lính trẻ ở huyện đội Lý Sơn được trung tá Đào (phải) truyền kinh nghiệm để gìn giữ cây bàng vuông mang nhiều giá trị lịch sử. |
Từ Lý Sơn, cây bàng vuông đi vào đất liền được trồng khắp các vùng miền Tổ quốc. Hơn 100 cây cùng các chiến sĩ hải quân ra Trường Sa phủ bóng mát cho vùng đất máu thịt của Tổ quốc.
Trăn trở
Cả đời gắn bó với đảo tiền tiêu Lý Sơn, hơn ai hết ông hiểu được giá trị lịch sử của cây bàng vuông với đất đảo. Cả đảo trước năm 2004 chỉ có vỏn vẹn ba cây bàng vuông cổ thụ.
Bao đời nay, chẳng ai ươm trồng thêm được bất kỳ cây nào. Những cụ bô lão ở đất đảo Lý Sơn cũng khẳng định ba cây bàng vuông tại Lý Sơn là do các bậc tiền hiền lấy về từ Hoàng Sa để trồng. Kể từ đó trên đảo Lý Sơn không có thêm bất kỳ cây bàng vuông nào khác ngoài ba cây này. Người dân Lý Sơn đã nhiều lần thử ươm trồng nhưng chẳng ai “bắt” được trái bàng nảy mầm.
Trung tá Đào trăn trở nếu chẳng may ba cây này chết thì công sức của các vị tiền hiền đổ sông đổ biển. Bao đêm ông thức trắng cùng với suy nghĩ phải làm gì đó cho đảo Lý Sơn trước khi ông rời khỏi quân đội.
20 năm theo đuổi ý định nhân giống cây bàng vuông, chẳng biết bao nhiêu lần thất bại khi trái bắt đầu mục vỏ rồi bị côn trùng ăn sạch mà chẳng trái nào chịu nhô lên được một mầm xanh.
Năm 2004, ông Đào mang về một bao tải trái bàng vuông thử lần cuối cùng. Đồng đội nhìn ông xới đất gieo từng trái Bàng vuông, ai cũng xót xa cho cố gắng của ông.
“10 năm ươm mà chưa một lần mọc một cái chồi nào, tôi không dám nghĩ một ngày trái bàng vuông cho mầm” - trung tá Hồ Ngọc Hiên, phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự Lý Sơn, tâm sự.
Một năm miệt mài tưới nước, khoảng đất ông Đào ươm trồng vẫn trơ trọi chẳng có cây gì nảy mầm ngoài cỏ dại mọc lên rồi ông Đào nhổ đi.
Đầu năm 2005, cả đơn vị bỗng nghe tiếng hét to của ông Đào: “Lên rồi, lên rồi”. Mọi người chạy về phía ông Đào mà chẳng ai biết chuyện gì cho đến khi ông chỉ vào mầm xanh bé tí nhú lên khỏi mặt đất.
Đến lúc này, mọi người mới tin cây bàng vuông có thể ươm trồng được.
Cây bàng vuông đi xa
Ngồi trầm tư, ông Đào lặng lẽ nhìn về phía biển nơi có hàng cây bàng vuông 10 năm tuổi đã rợp bóng. Đó là đợt cây đầu tiên được ươm thành công, cả đảo Lý Sơn có 129 cây cùng độ tuổi này.
“Đợt đó, tôi đem cây con đi trồng khắp đảo, cây nào cũng lớn rất nhanh. Mỗi ngày nhìn cây lớn dần mà lòng tôi vui như trẻ nhỏ” - ông Đào cười hiền.
Ký ức vẫn còn nguyên vẹn trong đôi mắt sâu đầy tâm sự của người lính già. Đợt thứ hai, hơn 1.000 cây nữa ra đời. Toàn bộ số cây này ông tặng hết cho người dân, du khách đến đảo tham quan. Có người đến đơn vị xin cây sáu bảy lần.
“Họ xin cây bàng vuông về cho người thân trồng, chứ không phải xin cho riêng mình” - ông Đào nói. Cây bàng vuông cũng cho ông Đào rất nhiều người bạn. Có người giờ thân quen như anh em ruột thịt.
Trong mỗi chuyến công tác ở TP Đà Nẵng, ông Đào vẫn ghé thăm nhà của anh Lê Thành Trung, tại quận Thanh Khê. Bảy năm trước khi đi du lịch ở đảo Lý Sơn, anh Trung xin hai cây bàng vuông về trồng, giờ cây đã rợp bóng mát trước sân.
Ông kể khi mới về trồng được hai tháng, anh Trung điện thoại nói cây bỗng úa lá, hỏi tôi dùng thuốc gì chữa. Tôi bảo anh Trung ra biển múc ít nước mặn về trộn với nước ngọt tưới. Hơn mười ngày sau cây đã bình thường trở lại.
“Cây bàng vuông ưa nước biển nên khi trồng ở đất liền cây còn non không chịu được nước ngọt nên úa, chỉ cần hòa ít nước biển vào tưới là cây trở lại bình thường. Khi cây lớn dần, chúng sẽ đủ sức chống chọi với khí hậu đất liền mà không cần dùng cách này nữa” - ông Đào chia sẻ.
Cuốn sổ tay cũ kỹ của ông dài ngoằng tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại những người từng được đơn vị tặng cây. Trong số đó có cả những người đến từ Sơn La, Cà Mau, Quảng Ninh...
Mỗi chuyến công tác, có thời gian rảnh ông lại ghé đến những địa chỉ đó để xem cây lớn như thế nào.
Cây bàng vuông cũng là món quà vô giá mà Ban chỉ huy quân sự huyện Lý Sơn tặng các đơn vị khác. Trong rất nhiều cây đi khắp mọi miền Tổ quốc, ông Đào nhớ nhất là những cây bàng vuông theo chân các chiến sĩ hải quân ra Trường Sa.
Với ông, đó là điều ý nghĩa nhất. Cùng với cây phong ba, cây bàng vuông gắn liền với cuộc sống của các chiến sĩ bảo vệ quần đảo thiêng liêng này của Tổ quốc.
Truyền “bí kíp” cho thế hệ trẻ
Ngồi bên những cây bàng vuông con vừa cho vào bầu chuẩn bị mang đi tặng các đơn vị kết nghĩa, ông Đào cho biết:
“Giờ lính trẻ ai cũng biết cách ươm cây, thậm chí còn thành thục hơn cả tôi. Lính trẻ giờ biết cách kích thích trái nảy mầm bằng nước nhiễm mặn, chứ hồi tôi mới trồng đâu có biết”.
Trong số những chiến sĩ ở đơn vị, người yêu cây bàng vuông sau ông Đào là trung úy Lê Đức Thuyên, hai thầy trò họ có thể nói với nhau cả ngày về cây bàng vuông.
Thuyên là “đệ tử chân truyền” thay ông Đào tiếp tục gìn giữ cây bàng vuông. “Chắc các bậc tiền hiền chọn tôi làm người kế nghiệp chú Đào trong việc bảo tồn cây bàng vuông” - Thuyên nói.
Đã thành lệ, mỗi đợt nhận quân vào đơn vị, ông Đào lại hướng dẫn các chiến sĩ trẻ cách ươm cây. Chỉ mới vào đơn vị được hơn nửa năm nhưng chiến sĩ Phạm Văn Hải (19 tuổi) giờ cũng thuần thục cách ươm, trồng, tách bầu.
“Chú Đào nói ươm cây bàng vuông cũng dạy cho con người tính nhẫn nại. Không thể một sớm một chiều mà thành công ngay được. Mỗi cây đâm chồi cũng như một nhiệm vụ mà người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phải hoàn thành” - Hải tâm sự.
“Cha đẻ” của cây bàng vuông là tên gọi thân mật mà các chiến sĩ ở huyện đội Lý Sơn đặt cho ông Đào. Những thế hệ chiến sĩ sau ông Đào sẽ tiếp tục thay ông gìn giữ và bảo tồn mãi mãi cây bàng vuông.