Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Hongkong và Viện Lão khoa thủ đô Tokyo, tỷ lệ tự tử từ tháng 7 đến tháng 10 ở Nhật Bản tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu sự đảo ngược hoàn toàn so với mức giảm từ tháng 2 đến tháng 6 là 14%.
“Đại dịch này ảnh hưởng không nhất quán đến sức khỏe tâm lý của trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ (đặc biệt là những phụ nữ nội trợ)”, các tác giả viết trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Human Behavior hôm 15/1.
Nghiên cứu cho thấy sự sụt giảm ban đầu về số vụ tự tử do tác động của các yếu tố như trợ cấp của chính phủ, giảm giờ làm việc và đóng cửa trường học.
Một tình nguyện viên trả lời cuộc gọi đường dây nóng tại trung tâm tư vấn trợ giúp người muốn tự tử Tokyo Befrienders. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, xu hướng này đã bị đảo ngược, với tỷ lệ tự tử tăng 37% ở phụ nữ - tức tăng khoảng 5 lần so với nam giới. Các tác giả nghiên cứu cho rằng mức tăng này xảy ra khi đại dịch kéo dài gây tổn hại tới các ngành nghề mà phụ nữ chiếm ưu thế, làm gia tăng gánh nặng lên những phụ nữ lao động, trong khi bạo hành gia đình bùng nổ.
Nghiên cứu này - dựa trên dữ liệu của Bộ Y tế Nhật Bản từ tháng 11/2016 đến tháng 10/2020 - cho thấy tỷ lệ trẻ em tự tử tăng vọt 49% trong làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 ở Nhật Bản, tương ứng với giai đoạn sau khi trường học đóng cửa trên toàn quốc.
Thủ tướng Yoshihide Suga trong tháng này đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì Covid-19 ở Tokyo và ba quận xung quanh, trong nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát trở lại.
Ông đã mở rộng lệnh khẩn cấp trong tuần này đến 7 tỉnh khác, bao gồm cả Osaka và Kyoto. Bộ trưởng Cải cách Hành chính và Quy định Taro Kono, nói với Reuters hôm 14/1 rằng mặc dù chính phủ sẽ xem xét việc mở rộng tình trạng khẩn cấp, nhưng không thể để tình trạng này bức tử nền kinh tế.
“Mọi người lo lắng về Covid-19, nhưng rất nhiều người cũng đã tự tử vì mất việc làm, mất thu nhập và không tìm được hy vọng”, ông nói. "Chúng ta cần đạt được sự cân bằng giữa quản lý Covid-19 và quản lý nền kinh tế".