Bà Eriko Kobayashi đã cố gắng tự sát bốn lần trong đời. Khi mới 22 tuổi, bà lần đầu có ý định tự sát vì công việc trong ngành xuất bản không thể giúp bà duy trì mức sống đắt đỏ tại thủ đô Tokyo. “Tôi thực sự đã rất đáng thương”, bà Kobayashi kể về khoảng thời gian khó khăn.
Năm nay, bà Kobayashi đã bước sang tuổi 43. Bà có việc làm khá ổn định ở một tổ chức phi chính phủ, đồng thời tập viết sách để giải tỏa tinh thần. Nhưng đại dịch Covid-19 lại bùng phát, khiến bà Kobayashi cảm thấy căng thẳng, bức bối như khi còn trẻ.
“Tôi bị cắt lương và tôi đang đánh mất niềm hy vọng”, bà Kobayashi nói. “Tôi luôn gặp khủng hoảng khi nghĩ đến cảnh nghèo đói”.
Nhiều chuyên gia y tế đã cảnh báo đại dịch có thể gây ra một cuộc khủng hoảng về sức khỏe tâm thần. Thật vậy, nạn thất nghiệp hàng loạt, tình trạng cô lập về mặt xã hội và cảm giác lo lắng kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến bất kỳ ai.
Tại Nhật Bản, số người tự tử thành công trong tháng 10 còn cao hơn số người tử vong vì Covid-19 trong cả năm 2020. Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản báo cáo 2.153 vụ tự tử trong tháng 10, so với 2.087 người tử vong vì Covid-19 trong năm 2020.
Xu hướng tự sát trong thời dịch
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Nhật Bản luôn ghi nhận tỷ lệ tự sát cao nhất trên thế giới. Năm 2016, nước này có tỷ lệ người tử vong do tự sát là 18,5/100.000 người, gấp đôi mức trung bình trên toàn cầu và chỉ đứng sau số liệu của Hàn Quốc trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
Bà Eriko Kobayashi đã cố gắng tự sát bốn lần trong đời. Ảnh: CNN. |
Song ít ai biết rằng số vụ tự sát ở Nhật Bản đã giảm đáng kể trong 10 năm tính đến năm 2019. Cụ thể, Bộ Y tế nước này hồi đầu năm ngoái thông báo con số đã giảm xuống khoảng 20.000 vụ tự sát/năm, mức thấp nhất kể từ năm 1978, cũng là khi chính phủ bắt đầu thu thập số liệu.
Giờ đây, đại dịch Covid-19 ập đến và có thể sẽ đảo ngược xu hướng này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định tự sát trong thời dịch, bao gồm áp lực công việc hay học tập, bị cô lập về mặt xã hội, bị kỳ thị văn hóa hay các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác.
Trên thực tế, Nhật Bản là một trong số ít nền kinh tế lớn chịu công khai dữ liệu về các trường hợp tự sát. Những con số này có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách đại dịch tác động lên đời sống tinh thần của người dân.
Phó giáo sư Michiko Ueda từ Đại học Waseda cho biết: “Chúng tôi không áp đặt lệnh phong tỏa bắt buộc. So với các nước khác, tác động của đại dịch đã phần nào bị hạn chế tại Nhật Bản. Song chúng tôi vẫn ghi nhận số vụ tự tử tăng nhanh trong năm 2020”.
Theo bà Ueda, thủ đô Tokyo là khu vực có số vụ tự sát cao nhất cả nước. “Điều này đồng nghĩa với việc người dân ở các quốc gia khác cũng có thể tự sát và số liệu của họ còn khủng khiếp hơn Nhật Bản”.
Phụ nữ và trẻ em gặp nguy
Năm 2020 tiếp tục ghi nhận một xu hướng đáng lo ngại: thêm nhiều phụ nữ lựa chọn việc tự kết liễu cuộc đời mình. Trong tháng 10/2020, số phụ nữ tự sát tại Nhật Bản tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số liệu này ở nam giới chỉ tăng 23%.
Các chuyên gia nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau lòng này. Cụ thể, lao động nữ thường làm việc bán thời gian trong các ngành dịch vụ ăn uống, khách sạn và bán lẻ. Đây cũng chính là những ngành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch và buộc phải sa thải hàng loạt nhân viên.
Người dân Nhật Bản sử dụng khẩu trang khi ra ngoài. Ảnh: Nikkei Asia. |
Bà Eriko Kobayashi cũng quen biết nhiều người bị cho thôi việc. “Nhật Bản đã bỏ qua phụ nữ. Xã hội này sẽ ưu tiên cắt giảm nhóm người yếu thế nhất khi có điều gì tồi tệ xảy ra”, bà Kobayashi nói.
Trong một nghiên cứu toàn cầu của tổ chức viện trợ quốc tế CARE, khoảng 27% trong số 10.000 phụ nữ ghi nhận tình trạng bất ổn tâm thần trong thời kỳ đại dịch. Trong khi đó, con số này ở nhóm nam giới là 10%.
Cũng theo bản nghiên cứu, phụ nữ Nhật Bản đang phải đối mặt với chi phí bảo mẫu tăng vọt. Nếu muốn duy trì sự nghiệp, họ buộc phải gửi con đi nhà trẻ và chấp nhận đóng tiền hoặc tự mình hoàn thành nhiệm vụ kép.
Chính vì lẽ đó, các bà mẹ càng thêm căng thẳng, lo lắng cho sức khỏe và niềm hạnh phúc của con cái trong thời dịch. Akari, 35 tuổi, cho biết bà đã khá lo lắng khi phải sinh non cậu con trai. Đại dịch Covid-19 càng làm tâm trạng của bà tồi tệ hơn: “Tôi luôn lo lắng và không thấy hy vọng. Tôi luôn nghĩ về trường hợp xấu nhất”.
Ngoài ra, trẻ em cũng là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch. Khi các lệnh hạn chế di chuyển có hiệu lực, trẻ bị cô lập khỏi xã hội, đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng tại nhà riêng hoặc cảm thấy căng thẳng vì có quá nhiều bài tập về nhà.
Bằng một nghiên cứu dựa trên 8.700 phụ huynh, Trung tâm Sức khỏe và Phát triển Trẻ em Quốc gia đã phát hiện rằng 75% học sinh Nhật Bản gặp chứng căng thẳng trong thời đại dịch. Chuyên gia Naho Morisaki từ tổ chức này chỉ ra mối tương quan giữa cảm xúc của cha mẹ và con cái.
“Nhiều trẻ đã chọn cách tự gây thương tích và không trò chuyện với gia đình. Trẻ nghĩ rằng cha mẹ không thể lắng nghe và cảm thông cho suy nghĩ của trẻ”, Morisaki phân tích.
Hy vọng về tương lai
Trong vài tuần gần đây, Nhật Bản ghi nhận số liệu dịch tễ tăng cao kỷ lục. Trước tình hình này, các chuyên gia lo ngại làn sóng dịch bệnh sẽ kéo theo một đợt suy thoái kinh tế kéo dài, góp phần đẩy mạnh tỷ lệ tự sát.
“Chúng tôi thậm chí chưa trải qua hậu quả kinh tế tồi tệ nhất của đại dịch”, chuyên gia Ueda nói. “Đại dịch có thể sẽ còn tồi tệ hơn và chính phủ buộc phải phong tỏa bắt buộc. Nếu viễn cảnh này xảy ra, người dân sẽ hứng chịu hậu quả to lớn”.
Dù bị cắt giảm lương và đối mặt với nguy cơ mất an ninh tài chính, bà Eriko Kobayashi vẫn tin tưởng mình có thể kiểm soát được sự lo lắng. Bà dự định mở lòng với mọi người để cùng vượt qua nỗi sợ hãi. “Chúng ta không hề đơn độc”, bà nói.
“Tôi từng công khai nói về sức khỏe tâm thần bất ổn. Tôi đã tự nhận mình bị trầm cảm. Tôi hy vọng điều này sẽ khuyến khích những người giống như tôi lên tiếng chia sẻ”, bà Kobayashi nói. “Bây giờ tôi đang 43 tuổi, một giai đoạn vui vẻ giữa cuộc đời. Tôi cảm thấy biết ơn vì mình vẫn còn sống”.