Một cửa hàng túi xách ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: China Daily |
Khách hàng Trung Quốc chi 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (183 tỷ USD) mua sắm ở nước ngoài trong năm 2015. Các mặt hàng mà người dân của quốc gia đông dân nhất thế giới lựa chọn gồm từ các món đồ xa xỉ tới các dụng cụ thiết yếu hàng ngày, China Daily đưa tin ngày 15/2.
Hơn 60% khách hàng Trung Quốc mua các sản phẩm xa xỉ như túi xách, mỹ phẩm và các vật dụng liên quan đến điện thoại di động, với tổng số tiền 116,8 tỷ USD năm ngoái, chiếm 46% hàng đắt tiền bán ra trên trên thế giới, Fortune Character, cơ quan nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết.
Theo Bộ Thương mại nước này, sức mua của người Trung Quốc ở nước ngoài tăng trung bình 27,8% mỗi năm kể từ 2005 đến 2015. Con số này cao gấp đôi so với sức mua trong nước.
Jiang Yiyi, Giám đốc Viện Phát triển Du lịch Quốc tế, nhận định: “Điều kiện đi lại thuận tiện, các sản phẩm bán lẻ nước ngoài hấp dẫn, thị trường du lịch đã thúc đẩy người Trung Quốc mua nhiều mặt hàng nước ngoài cả tại các cửa hàng và trên mạng”.
Các con số của chính quyền Bắc Kinh cho thấy, hơn 120 triệu người Trung Quốc du lịch ngoài lãnh thổ năm ngoái và chi tiêu của họ chiếm ít nhất 12% trên thế giới.
Trong khi đó, việc tiêu thụ chậm trong nước đang là mối quan tâm của chính quyền trung ương.
Thị trường tiêu thụ trong lãnh thổ Trung Quốc trong năm qua nhìn chung ổn định, có dao động nhưng nhẹ. Đầu năm 2015, mức chi tiêu thấp nhưng tăng vào cuối năm.
Doanh số bán lẻ ở Trung quốc năm ngoái đạt 30,1 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng 10,7% so với 2014.
Li Jian, nghiên cứu cấp cao tại Viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc, chỉ ra rằng nếu chỉ 1/3 sức mua của người nước này ở nước ngoài đổ vào quốc nội, doanh số bán lẻ có thể tăng ít nhất 1 điểm phần trăm trong năm 2015.
Tuy nhiên, giá của các mặt hàng nhập khẩu trong nước vẫn cao hơn so với thị trường ngoại quốc.
Khảo sát của Phòng Thương mại Quốc tế Trung Quốc về sự phát triển của thị trường năm 2015 cho thấy, giá của các mặt hàng xa xỉ bán tại quốc gia đông dân nhất thế giới như đồng hồ, điện tử, rượu, quần áo, vali và túi xách đắt hơn từ 40% tới 68% so với ở Mỹ, Pháp và Đức.