Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần, chứng khoán Trung Quốc ghi nhận mức tăng kỷ lục trong phiên giao dịch đầu năm vào ngày 18/2. Theo Nikkei Asian Review, Chỉ số CSI 300 theo dõi các mã cổ phiếu hoạt động tốt nhất giao dịch tại hai thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến đã vượt kỷ lục hồi tháng 10/2007 nhờ xu hướng đổ về chứng khoán của giới đầu tư.
Tuy nhiên, đà tăng chỉ duy trì ngắn hạn khi các nhà đầu tư cân nhắc lại tác động của lợi suất trái phiếu. Các chuyên gia nhận định lãi suất dài hạn Mỹ và giá cổ phiếu Trung Quốc tăng có thể làm giảm sự nhiệt tình của nhà đầu tư đối với chứng khoán ở đại lục.
Chứng khoán Trung Quốc tăng 41% kể từ cuối năm 2019, gấp đôi mức tăng của Chỉ số S&P 500 tại Mỹ. Trong đó, một phần không nhỏ đến từ khối các nhà đầu tư ngoại. Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tính đến tháng 8 năm ngoái, tỷ lệ sở hữu nước ngoài của cổ phiếu Trung Quốc đã vượt 2.910 tỷ nhân dân tệ (451 tỷ USD).
Chứng khoán Trung Quốc tăng 41% kể từ cuối năm 2019, gấp đôi mức tăng của S&P 500. Ảnh: Reuters. |
Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới, Chỉ số CSI 300 tăng 2,2%, lên 5.930,91 điểm. Trước đó, kỷ lục cao nhất mà chỉ số này đạt được là 5.891,72 điểm, thiết lập hồi tháng 10/2007. Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng tăng 1,33%, đạt mức cao nhất trong năm qua hồi ngày 17/2.
Trong giai đoạn Tết Nguyên đán, chỉ số chứng khoán tại các thị trường khác trên thế giới cũng chứng kiến đà tăng tích cực. Niềm tin vào vaccine Covid-19 và sự hỗ trợ tài khóa từ Washington khiến thước đo các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu tăng tích cực trong tháng này.
Trong đó, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 lần đầu vượt 30.000 điểm kể từ năm 1990, tăng 3% trong khoảng thời gian nghỉ Tết từ ngày 10/2 đến ngày 17/2. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 2,4% trong hai phiên giao dịch đầu tuần. .
Cũng bắt đầu tư hôm nay, kênh giao dịch Stock Connect (cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc mua cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong và ngược lại) hoạt động trở lại. Chỉ hai tháng đầu năm, giới đầu tư đại lục đã mua gần 50 tỷ USD cổ phiếu tại Hong Kong, chiếm hơn 50% tổng lượng mua của cả năm 2020.
Một cuộc khảo sát hồi tháng 9 của HSBC Qianhai Securities cho thấy gần 2/3 trong số hơn 900 nhà đầu tư tổ chức và các tập đoàn lớn trên thế giới có kế hoạch tăng đầu tư trung bình 25% vào thị trường Trung Quốc trong năm tới.
Trong đó, các mã cổ phiếu từ những công ty sản xuất hàng hóa bền vững, thương mại điện tử, năng lượng tái tạo và chăm sóc sức khỏe là những lĩnh vực được ưa chuộng nhất ở Trung Quốc hiện nay. "Các lĩnh vực như xe năng lượng và lĩnh vực có trọng tâm bền vững sẽ có nhiều khả năng hưởng lợi trong tương lai", ông Kenny Wen thuộc Everbright dự đoán.