Trước đây, người giàu Trung Quốc thường tìm đến Hong Kong, Singapore, Tokyo hay các trung tâm mua sắm lớn của châu Á để "săn" hàng hiệu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Mỹ nổi lên là một điểm hứa hẹn mới với người Trung Quốc.
Ngân hàng HBSC dự đoán người Trung Quốc sẽ quyết định việc làm ăn của các thương hiệu cao cấp, trong khi nước Mỹ sẽ là "El Dorado" mới của họ, theo CNN. "El Dorado" nghĩa là "dát vàng" trong tiếng Tây Ban Nha và hay được dùng để chỉ thành phố vàng trong truyền thuyết.
Người Trung Quốc giảm sắm hàng hóa xa xỉ trong nước, nhưng lại ra nước ngoài để mua những món tương tự. Ảnh: AFP. |
Mỗi năm, khoảng 2 triệu người Trung Quốc đến Mỹ và tốc độ tiêu tiền của họ là rất triển vọng. Khách du lịch Trung Quốc tiêu xài nhiều hơn người từ các nước khác trung bình 7.200 USD trong mỗi chuyến đi.
Người Trung Quốc chiếm đến 31% trong 273 tỷ USD tổng doanh số các mặt hàng cao cấp trên thế giới, theo số liệu của hãng tư vấn Bain & Co.
Năm 2015, doanh thu hàng hóa xa xỉ bán ra tại Trung Quốc giảm 2%, nhưng số tiền người Trung Quốc bỏ ra để mua hàng hiệu ở nước ngoài lại tăng 10%. Hình thức du lịch mua sắm của khách Trung Quốc tăng trưởng 32% trong cùng năm.
"Thượng đế" trong những cửa hàng Mỹ
South Coast Plaza (Quận Cam, California) là trung tâm mua sắm có doanh thu cao nhất nước Mỹ khi thu về 1,7 tỷ USD tiền bán hàng trong năm 2015. Mùa mua sắm cao điểm của South Coast Plaza bắt đầu từ Lễ Tạ ơn (cuối tháng 11) và kết thúc vào Tết Âm lịch của người châu Á, thay vì Giáng sinh hay Tết Dương lịch theo lịch nghỉ của người phương Mỹ, Qz cho hay.
Vào dịp Tết Âm lịch năm nay, tại cửa tiệm của Carolina Herrera và Balenciaga ở South Coast Plaza, người ta có thể thấy các mannequin mặc bộ xường xám của Trung Quốc, trong khi Dolce & Gabbana đang bày bán loại áo thun in hình khỉ, con vật của năm âm lịch.
Louis Vuitton là nhãn hiệu được nhiều người Trung Quốc ưa chuộng. Ảnh: Reuters. |
Để đáp ứng các khách hàng từ phương Đông, các thương hiệu phải thuê thêm nhân viên thông thạo tiếng Hoa để tiếp đón người tham quan, nâng cao dịch vụ khách hàng, theo chuyên gia Nathalie Remy từ hãng tư vấn McKinsey.
"Họ (người Trung Quốc) thích từ từ. Mua sắm là chuyện giải trí, không phải chuyện chọn đồ hiệu quả rồi thanh toán, người tiêu dùng cần cảm thấy thích thú", bà Remy nhận định.
Một thách thức nữa đang chờ đón các nhà sản xuất và bán lẻ những năm tới là việc không ít khách du lịch Trung Quốc sẽ chuyển từ hình thức đi tour sang du lịch cá nhân. Cách tiếp cận hiện nay, chủ yếu nhắm vào các nhóm du khách đi theo tour, sẽ không hiệu quả với tầng lớp người mới xuất hiện này.
"Chúng ta đang chứng kiến rất nhiều kiểu du khách khác nhau. Các nhà bán lẻ cần phải thực hiện marketing trực tiếp nhiều hơn, thay vì lúc nào cũng chỉ làm ăn với các công ty bán tour", ông Hartmann nhận định.
"Không thể chỉ có một chiến lược và nhắm đến mọi du khách Trung Quốc được", chuyên gia này kết luận.
Trung tâm mua sắm Los Angeles Beverly đặc biệt nhanh nhạy khi gửi xe buýt đến Đại học California và Đại học Nam California vào sau lễ khai giảng và lễ tốt nghiệp của các trường đại học. Khách hàng mục tiêu của chiến lược này là các gia đình Trung Quốc đưa con đến học ở Mỹ hoặc tới dự lễ tốt nghiệp của con cái mình, theo Business Insider.
Bảo chứng cho địa vị xã hội
Có nhiều lý do làm nên vị trí của nước Mỹ trong mắt những người du lịch mua sắm Trung Quốc. Ông Wolfgang Georg Arlt, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu du lịch nước ngoài Trung Quốc, nhận định những người giàu Trung Quốc xem một chuyến đi Mỹ là bằng chứng cho sự thành đạt.
"Để xác nhận cho xã hội về địa vị của mình, ít nhất họ phải tới được San Francisco, Las Vegas, Grand Canyon và New York", ông Arlt nhận định.
Người Trung Quốc đến Mỹ tìm kiếm những thương hiệu xa xỉ với giá rẻ hơn trong nước. Ảnh: Reuters. |
Tất nhiên, Mỹ vốn là một thị trường hàng hóa rất đa dạng và người tiêu dùng gần như chắc chắn không phải đối mặt với hàng giả. Giá cả cũng là một hấp lực không dễ từ chối.
Chuyên gia Renee Hartmann của hãng China Luxury Advisors, chuyên tham vấn cho các thương hiệu hạng sang về thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc, cho biết hàng hóa xa xỉ bán ở Mỹ thường rẻ hơn ở Trung Quốc khoảng 35%.
Dù vậy, không phải cứ thương hiệu cao cấp và ở Mỹ là "hút" được người tiêu dùng Trung Quốc và nhà sản xuất phải chú trọng vào cả sản phẩm lẫn dịch vụ khách hàng. Ví dụ, quần áo phải phù hợp với kích cỡ lẫn thị hiếu người châu Á.