Quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã căng thẳng trong hơn một năm qua.
Canberra đã thúc đẩy một cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19 mà không tham vấn ý kiến Bắc Kinh. Để trả đũa, Trung Quốc đã dừng nhập khẩu không chính thức hàng loạt sản phẩm đến từ Australia, bao gồm tôm hùm. Những lô hàng tôm hùm bị giữ tại cảng với lý do nhiều lần không tuân thủ quy tắc hải quan.
Sau khi tôm hùm hợp pháp biến mất khỏi thị trường, người dân Trung Quốc đại lục đang tìm mọi cách để đưa món ăn quen thuộc trở lại. Cách dễ dàng nhất là nhập lậu tôm hùm từ Hong Kong, nơi không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của chính quyền Trung Quốc, theo South China Morning Post.
“Hầu hết tôm hùm nhập lậu là tôm hùm Australia. Người tiêu dùng đại lục đã quá quen với hương vị của loại hải sản này, đến nỗi nhu cầu vẫn còn rất lớn”, một thương nhân Hong Kong cho biết.
Tôm hùm được đánh bắt bởi Hợp tác xã ngư dân Geraldton. Ảnh: Bloomberg. |
“Cơn khát” tôm hùm
Kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc - Australia (ChAfta) được ký kết vào năm 2015, Trung Quốc đã trở thành thị trường chính cho tôm hùm đá tươi sống của Australia.
Năm 2019, hơn 90% tôm hùm đá Australia được xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo Bộ Nông nghiệp Australia, thị trường Trung Quốc đại lục nhập khẩu hơn 553 triệu USD tôm hùm mỗi năm.
Tôm hùm Australia ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc do hương vị đậm đà vượt bậc so với những loại tôm hùm khác. Vào các mùa cao điểm như Tết Nguyên đán, giá một kg tôm hùm có thể vượt mức 100 USD. Điều tương tự cũng xảy ra tại thị trường Australia.
Đối với nhiều người Trung Quốc, một con tôm hùm đỏ tươi trên đĩa tượng trưng cho sự thịnh vượng và địa vị.
Kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực, người Australia đã chứng kiến giá tôm hùm giảm mạnh. Trong những dịp cao điểm năm 2021, mỗi kg chỉ có giá 30 đến 45 USD.
Dữ liệu thương mại cho thấy tôm hùm đang tìm cách trở lại bàn ăn Trung Quốc thông qua các kênh bất hợp pháp. Theo số liệu từ Cục Thống kê và Điều tra Dân số Hong Kong, xuất khẩu tôm hùm Australia sang Hong Kong đã tăng rất mạnh.
Một đĩa tôm hùm Australia được trưng bày tại triển lãm hải sản của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Trong tháng 4, Hong Kong đã nhập khẩu gần 158 tấn tôm hùm đá từ Australia, gấp khoảng 50 lần so với tháng 10/2020. Chính quyền Hong Kong cho biết không có con tôm hùm nào trong số đó được tái xuất khẩu sang đại lục. Chỉ có khoảng 5% được vận chuyển đến Macau.
“Ngay cả khi đã trừ số tôm chuyển sang Macau, thực khách Hong Kong sẽ không đột nhiên tiêu thụ khối lượng tôm hùm nhập khẩu cao như vậy”, một thương nhân hải sản Hong Kong nghi ngờ. “Chắc chắn chúng được chuyển vào đại lục”.
Trên các nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Xianyu và Taobao, các nhà cung cấp ở Bắc Kinh, Quảng Châu và Hàng Châu vẫn quảng cáo tôm hùm Australia tươi sống. Giá mỗi kg giao động từ 45 dến 155 USD.
Thực khách ở Thượng Hải nói với South China Morning Post rằng các nhà hàng vẫn cung cấp tôm hùm tươi. Tại Vân Nam, một nhà hàng quảng cáo trên mạng xã hội rằng bữa tiệc buffet chắc chắn sẽ có tôm hùm Australia.
Tại chợ Sanyuanli của Bắc Kinh, một nhà cung cấp cho biết lệnh cấm là không chính thức và không có giá trị pháp lý, vì vậy cô vẫn có thể buôn bán tôm hùm Australia. Tuy nhiên, nguồn cung “không ổn định” và mỗi kg được định giá 140 USD.
Một thương nhân tại Sydney cũng nói rằng cách duy nhất hiện tại để đưa tôm hùm từ Hong Kong vào đại lục là buôn lậu. Cố gắng tái xuất hợp pháp tôm hùm sẽ vấp phải sự cản trở của hải quan Trung Quốc.
Tôm hùm được nhập lậu như thế nào?
Các thương nhân chia sẻ rằng có ba cách để buôn lậu hàng hóa qua biên giới Hong Kong - Trung Quốc đại lục. Hàng nhập lậu có thể được vận chuyển qua đường thủy hoặc trà trộn vào hàng hóa hợp pháp trong xe tải. Một cách khác là thuê những người chuyển phát mang qua các trạm kiểm soát biên giới.
Tốc độ là yếu tố rất quan trọng bất kể tuyến đường nào được sử dụng. Giá trị của tôm hùm sẽ giảm đi rất nhiều nếu chúng chết trong quá trình vận chuyển.
Trước khi được gửi đi từ Australia, tôm hùm đá sẽ được làm lạnh, giúp chúng rơi vào trạng thái ngủ đông. Sau đó, chúng sẽ được vận chuyển bằng máy bay từ Perth tới Hong Kong trong vòng 8 tiếng.
Khi tới chợ hải sản Hong Kong, chúng sẽ được “đánh thức” và giữ trong bể nước biển trong hai đến ba ngày để phục hồi. Một khi đủ khỏe, chúng tiếp tục được xếp vào hộp xốp để bắt đầu cuộc hành trình bất hợp pháp tới đại lục.
Các tuyến đường thủy là lựa chọn chính của hầu hết kẻ buôn lậu. Dọc bờ biển phía Trung Quốc đại lục có rất nhiều điểm ra vào. Các tàu cá Trung Quốc đi lại tự do cũng có thể được sử dụng để đưa tôm hùm vào đất liền.
Một con tôm hùm bị hải quan Hong Kong thu giữ. Ảnh: Hong Kong Police. |
Một khi tôm hùm đến cảng trong đại lục, tôm hùm sẽ được dỡ xuống cùng với những loại hải sản khác. Thông qua các mối liên hệ tại bến tàu, ngư dân có thể dễ dàng tránh khỏi sự giám sát của các thanh tra hải quan.
Một số kẻ khác sử dụng xuồng cao tốc để nhanh chóng đưa tôm hùm vào đất liền.
“Tất cả các tỉnh ven biển phía nam Trung Quốc có thể là những điểm đến tiềm năng”, một thương nhân Hong Kong cho biết.
Đối với đường bộ, tôm hùm có thể được trà trộn lẫn với nhiều loại hàng hóa khác nhau hoặc được giấu sau xe tải để tránh kiểm tra hải quan tại biên giới giữa Hong Kong và Thâm Quyến.
“Trước đây, các tuyến đường bộ được sử dụng thường xuyên hơn. Nhưng bây giờ, do đại dịch, biên giới bị kiểm tra chặt chẽ hơn và việc vượt qua cũng khó khăn hơn”, thương nhân nói. “Tất nhiên một số người sẽ bị bắt, nhưng vẫn chỉ là thiểu số”.
Một khi tôm hùm cập bờ, chúng sẽ được vận chuyển khắp đất nước. Phần lớn điểm đến là các thành phố lớn.