Diễn biến phức tạp và sự tái bùng phát của dịch Covid-19 gần đây ở Bắc Kinh khiến nhiều công dân Trung Quốc nộp đơn xin cư trú dài hạn tại Thái Lan bởi công tác chống dịch ở xứ chùa Vàng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Theo ba đại lý của công ty Thẻ đặc quyền Thái Lan nói với tờ Nikkei Asian Review, kể từ tháng 2, số lượng đăng ký dịch vụ Thẻ cao cấp Thái Lan tăng đột biến. Loại thẻ này cho phép người đăng ký có thể tái gia hạn thị thực trong thời gian lên đến 20 năm và nhiều đặc quyền khác cho những khách hàng đủ khả năng chi trả.
Công ty Thẻ đặc quyền Thái Lan là đơn vị phân phối chính của dịch vụ Thẻ cao cấp Thái Lan. Ảnh: TTR Weekly. |
Lượng lớn đơn mua visa
“Chúng tôi nhận được lượng lớn yêu cầu làm thẻ mới sau khi có nhiều đồn đoán về đợt tái bùng phát dịch Covid-19 ở Trung Quốc” kể từ giữa tháng 6, Bobby He, đại lý Thẻ đặc quyền Thái Lan chi nhánh Bangkok, trả lời Nikkei Asian Review.
Bobby He cho biết thêm rằng có hôm đại lý của ông nhận được tới 7 hồ sơ xin cấp Thẻ cao cấp. “Điều lạ là nhiều người thậm chí còn chưa tới Thái Lan bao giờ,” ông nói. “Dịch Covid-19 buộc nhiều người Trung Quốc phải lánh ra nước ngoài, như đi tìm kiếm một ‘ngôi nhà thứ hai’ vậy”.
Hàng nghìn khu dân cư ở Bắc Kinh bị đưa vào tình trạng cách ly kể từ khi một trường hợp dương tính với virus corona được phát hiện vào ngày 12/6, cũng là ca nhiễm đầu tiên ở thành phố này trong gần 2 tháng.
Trong một tuần, số ca nhiễm tăng vọt lên 158. Người dân ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao không được phép rời khỏi thành phố. Những người còn lại phải cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona nếu muốn di chuyển tới những tỉnh khác thuộc Trung Quốc.
Tình hình ở Thái Lan thì hoàn toàn ngược lại. Giới chức nước này cho biết không phát hiện ca nhiễm mới nào trong 31 ngày liên tiếp. Quốc gia Đông Nam Á này mới chỉ ghi nhận hơn 3,150 ca nhiễm cho tới thời điểm hiện tại.
Theo một số tài liệu nội bộ, cho tới ngày 29/2, tổng cộng có 9,578 thành viên đăng ký Thẻ cao cấp Thái Lan, trong đó có 20% là người Trung Quốc, 6% là người Anh, trong khi người Nhật và Mỹ đều chiếm khoảng 5%.
Công ty Thẻ đặc quyền Thái Lan chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào. Chủ tịch Somchai Soongswang trả lời tờ Bangkok Post vào tháng 4 rằng công ty vẫn đang theo đuổi mục tiêu bán thêm 2,500 thẻ nhằm hướng tới doanh thu 1,5 tỷ baht trong năm 2020.
Du khách Trung Quốc chụp hình tại bãi biển tỉnh Phang-Nga của Thái Lan trước khi dịch bùng phát. Ảnh: Reuters. |
Thị thực cao cấp - giải pháp dự phòng của người Trung Quốc
Chính phủ Thái Lan bắt đầu phát hành Thị thực cao cấp từ năm 2003 nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Thị thực loại này cho phép người đăng ký ở lại Thái Lan trong vòng 5 đến 20 năm.
Các đại lý cho biết yêu cầu đầu vào để đăng ký loại thị thực này không quá cao, miễn là hộ chiếu của người đăng ký không nằm trong danh sách đen của chính phủ.
Nhưng chương trình đăng ký thường trú này rõ ràng không dành cho mọi người, khi mà ứng viên phải trả trước khoản phí từ 500,000 đến 2 triệu baht.
Một số đặc quyền của visa loại này bao gồm được đưa đón miễn phí tại sân bay bằng xe limousine, làn VIP khi nhập cảnh tại sân bay, kèm theo đó là sân golf và dịch vụ spa miễn phí.
“Ngày càng có nhiều người Trung Quốc tìm kiếm một giải pháp dự phòng sau bài học từ dịch SARS năm 2003 và đợt động đất ở Tứ Xuyên hồi 2008,” ông Allen Chen, nhà sáng lập công ty bất động sản Summer Star Thailand ở Chiang Mai, nhận xét.
“Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, người Trung Quốc muốn tìm hiểu xem họ có những lựa chọn di trú nào phòng trường hợp thảm họa nào đó tương tự Covid-19 xảy ra trong tương lai”.
Chen hiện sống cùng vợ ở phía bắc Thái Lan với thị thực cao cấp. Chen cho biết một số người Trung Quốc quyết định ở lại đây vì tránh dịch Covid-19 đã tiếp cận ông và xin được tư vấn về vấn đề visa. Thái Lan đang cho phép những du khách hết hạn thị thực được ở lại nước này cho đến 31/7.
Chương trình thị thực cao cấp đã được sửa đổi vào năm 2014, sau nhiều năm thua lỗ dẫn đến việc phải tạm ngừng vào năm 2009.
Thời điểm đó, chỉ có 1 gói duy nhất được cung cấp cho thường trú nhân với giá 2 triệu baht có hiệu lực trong 20 năm, được cho là quá đắt đối với nhiều người. Sau khi được sửa đổi và bổ sung, các loại thẻ thuộc chương trình thị thực này nhanh chóng được ưa chuộng trở lại.
Với tình trạng nhiều trường học phải đóng cửa và hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ, nhiều người sợ rằng tình trạng cách ly xã hội sẽ tái diễn, tương tự như tình hình ở Vũ Hán vào cuối tháng 1.
Thành phố 11 triệu dân ở trung tâm tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, bị phong tỏa trong 76 ngày vào thời điểm dịch bùng phát mạnh mẽ. Nguồn lực y tế cạn kiệt khi mà chính quyền cho xây 2 bệnh viện chỉ trong vỏn vẹn vài ngày. Theo báo cáo chính thức, ít nhất đã có 2,500 người chết tại tâm dịch Vũ Hán.
Thành phố Vũ Hán một lần nữa rơi vào tình trạng phong tỏa. Ảnh: Business Insider. |
Những sai lầm từ khi dịch mới nhen nhóm của chính quyền Trung Quốc như việc không công khai và cảnh báo người dân về tình hình dịch bệnh hay mạnh tay với những bác sĩ lên tiếng về vấn đề này đã làm dấy lên mối nghi ngại từ phía người dân nước này, đặc biệt là về tổng số người chết.
Vài tháng sau, người dân Trung Quốc lạc quan trở lại khi tình hình dịch bệnh có vẻ khả quan hơn.
Nhiều người tin rằng Trung Quốc đã làm tốt công tác chống dịch, vài người thậm chí còn gọi nơi đây là quốc gia an toàn nhất thế giới. Nhưng làn sóng những ca nhiễm mới nhanh chóng cuốn phăng sự lạc quan đó.
Somchai cho biết chương trình thị thực cao cấp bắt đầu có thêm nhiều người đăng ký hơn kể từ khi Thái Lan ban bố tỉnh trạng khẩn cấp vào cuối tháng 3 và lệnh cấm các chuyến bay nội địa vào tháng 4. Đa số những thành viên mới của chương trình thị thực này là du khách người Anh, Mỹ và Úc mắc kẹt tại Thái Lan.
Trước đại dịch, công ty Thẻ đặc quyền Thái Lan có kế hoạch tung ra các gói thành viên mới vào tháng 10, dự kiến bao gồm các dịch vụ kiểm tra và chăm sóc y tế nhằm đảm bảo sức khỏe cho khách du lịch tại Thái Lan.