Đằng sau cánh cửa đóng kín ở Trung Quốc giờ đây là hàng triệu doanh nhân, nhân viên đang xoay sở tìm cách duy trì, điều hành công việc của mình khi đại dịch virus corona bùng phát.
Theo South China Morning Post, "nhờ" đại dịch virus corona, làm việc ở nhà không còn là đặc quyền mà đã trở thành điều bắt buộc với nhiều người Trung Quốc.
Nhìn bề ngoài, các nhà máy, cửa hàng, khách sạn, nhà hàng, đang dừng hoạt động. Trung tâm thành phố và các trung tâm thương mại hoang vắng như thành phố ma. Nhưng các nhân viên Trung Quốc vẫn làm việc miệt mài ở một nơi khác: nhà của họ.
“Đây là cơ hội tốt để chúng tôi thử nghiệm mô hình làm việc tại nhà”, Alvin Foo, Giám đốc điều hành Reprise Digital, công ty quảng cáo ở Thượng Hải với 400 nhân viên, nói. “Rõ ràng, điều này không dễ đối với một công ty quảng cáo sáng tạo đòi hỏi các nhân viên phải động não liên tục. Điều này có nghĩa sẽ có nhiều cuộc gọi video và điện thoại”.
Con số người làm việc tại nhà sắp tăng mạnh khi người Trung Quốc kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài vì virus corona. Đây dường như là cơ hội làm việc tại nhà hiếm hoi, lớn nhất thế giới.
Gặp gỡ đối tác qua ứng dụng
Các doanh nghiệp phải sắp xếp cuộc họp hay gặp gỡ đối tác qua các ứng dụng chat video. Các trung tâm tài chính Trung Quốc ở Hong Kong và Thượng Hải đang tiên phong cho mô hình này.
Một nhân viên ngân hàng Hong Kong cho biết anh sẽ kéo dài kỳ nghỉ ở nước ngoài vì anh ta có thể làm việc ở bất cứ đâu với máy tính xách tay và điện thoại. Số khác nói rằng họ sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí đón tiếp khách hàng.
Hàng nghìn doanh nghiệp đang tìm cách vận hành hoạt động qua Internet. Ảnh: SCMP. |
Một doanh nhân cho biết ông đang chuyển hướng làm ăn sang Đông Nam Á, theo SCMP.
“Không có ai tham gia các cuộc họp nên lịch trình của tôi khá trống rỗng”, ông Jeffrey Broer, cố vấn kinh doanh mạo hiểm ở Hong Kong, cho biết. “Một người đã gửi email cho tôi: ‘Chúng ta sẽ gặp nhau ở đâu đó vào tháng 2 chứ?’”.
Một trong những điều đáng lo ngại nhất đối với người lao động là diễn tiến phức tạp của chủng virus mới khiến họ phải chờ chỉ thị mỗi ngày của công ty.
Chỉ thị bất thường
Tiko Mamuchashvili, nhân viên tổ chức sự kiện cấp cao của khách sạn Hyatt ở Bắc Kinh, là một trong nhiều người lao động phải dời ngày làm việc năm lần bảy lượt.
Kỳ nghỉ lễ của cô ban đầu dự kiến kéo dài đến ngày 3/2. Sau đó, cô nhận được thông báo làm việc tại nhà thêm hai ngày nữa. Vài ngày sau, chỉ thị được gia hạn đến ngày 10/2. Mamuchashvili hàng ngày đều phải thông báo về nơi ở và tình trạng sức khỏe của mình, như có bị sốt hay không.
“Thông thường, việc trở lại làm việc sau kỳ nghỉ dài sẽ có cảm giác không quen lắm, nhưng thông báo ở nhà làm việc như lần này còn bất thường hơn”, cô Tiko chia sẻ. “Các sự kiện của khách sạn liên tục bị hủy nên việc tôi có thể làm bây giờ là trả lời email”.
Nhiều nhà quản lý lo lắng việc đảo lộn môi trường làm việc sẽ làm giảm năng suất làm việc nhưng một nghiên cứu của Đại học Stanford ở California năm 2015 đã chỉ ra năng suất làm việc của các nhân viên trực điện thoại của công ty du lịch Trung Quốc Ctrip tăng 13% khi họ làm việc ở nhà. Lý do là thời gian nghỉ ngơi bị rút ngắn và môi trường làm việc thoải mái hơn.
Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng
Tuy nhiên, một số ngành nghề kinh doanh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh vì nhân viên cần có mặt ở nơi làm việc hoặc chia sẻ không gian làm việc chung.
“Đây là khoảng thời gian rất khó khăn”, ông Dave Tai, Phó giám đốc của Beeplus, cửa hàng bánh với 300 nhân viên nằm trong một tòa nhà ở Bắc Kinh, nói.
Virus corona đã trì hoãn thời gian mở cửa hàng và nhân viên của ông Dave thì đường nhiên không thể làm việc ở nhà. Thuê một phần không gian và diện tích trong tòa nhà ở các thành phố lớn của Trung Quốc như Beeplus là điều phổ biến dù giá thuê bất động sản cao ngút trời, và các công ty khởi nghiệp mọc lên như nấm.
Một người đàn ông đeo mặt khẩu trang đứng trước khu phức hợp Exchange Square ở Hong Kong hôm 29/1. Ảnh: Bloomberg. |
“Bản chất của công việc là làm việc trong môi trường chung, cùng nhau. Rất khó để tương tác và kết nối qua mạng”, ông Dave giải thích.
Tương tự, các nhà máy, công ty hậu cần (logistics) và cửa hàng bán lẻ cũng bị gián đoạn việc kinh doanh như hiệu bánh của ông Dave.
“Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến”
Các doanh nghiệp như Beeplus hiện tại không có kế hoạch B nào. Ngay cả đối với những doanh nghiệp có thể hoạt động với Internet và điện thoại thì dịch bệnh vẫn cản trở phần nào.
Các ngân hàng cho biết IPO (việc mở bán cổ phiếu lần đầu) và các giao dịch đang bị trì hoãn. Giá trị giao dịch trong 30 ngày đầu năm 2020 chỉ bằng một nửa so với năm trước, theo dữ liệu được tổng hợp bởi Bloomberg.
“Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến”, nhà phân tích của công ty tài chính Nomura, Ting Lu, cho biết. “Chúng tôi ước tính virus corona có thể giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới, vượt qua SARS năm 2003”.
Một trung tâm mua sắm bị phong tỏa vì đại dịch virus corona. Ảnh: CGTN. |
Mặc dù số liệu thống kê cho thấy virus corona mới không có tỷ lệ chết người cao như SARS, nhưng nó đã lây nhiễm cho nhiều người hơn với tốc độ lây lan chóng mặt. Đến sáng 3/2, số người chết tại Trung Quốc đại lục vì virus corona đã vượt qua đại dịch Sars với 361 người tử vong và 17.205 ca nhiễm.
Một cú đánh vào nền kinh tế trong đại dịch lần này liên quan đến thay đổi trong tâm lý con người vì sợ hãi và hoảng loạn, theo ông Warwick McKibbon, Giáo sư Kinh tế từ Đại học Quốc gia Australia ở Canberra.
Ông Warwick cho biết SARS lấy đi 40 tỷ USD của nền kinh tế toàn cầu và dự đoán virus corona sẽ đạt gấp ba hoặc bốn lần con số này. “Hoảng loạn là yếu tố làm kiệt quệ nền kinh tế lớn nhất, hơn cả cái chết”, ông nói.
Cú giáng vào lĩnh vực dịch vụ
Với các nhà máy đóng cửa và nhân viên văn phòng ở nhà, nhiều người trong ngành dịch vụ của Trung Quốc phải đối mặt với thời gian khó khăn.
Hiện tại, ngành dịch vụ của Trung Quốc, chiếm tỷ trọng 53% nền kinh tế, tăng từ 41% năm 2002, đang bị “lãng quên” vì không có khách hàng.
Các bộ phim bom tấn phục vụ Tết đã bị hoãn chiếu. Một số hãng phải chuyển sang loại hình kinh doanh trên Internet để giữ chân những người hâm mộ trung thành.
Một nhân viên bảo vệ đứng bên ngoài chợ bán buôn hải sản Huanan, nơi bị nghi khởi phát virus corona ở Vũ Hán. Ảnh: AFP. |
Chủ phòng gym Hi Funny ở Thượng Hải có ý định đóng cửa phòng tập trong 3 ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán. Nhưng hiện tại, ông Fenix Chen tính đóng đến hết ngày 10/2 theo khuyến nghị của chính quyền thành phố.
“Hầu hết mọi người ở Thượng Hải đều ở trong nhà, tránh những nơi công cộng”, ông giải thích. “Sự sợ hãi virus bùng phát sẽ ảnh hưởng lâu dài đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi”.
Ông Chen đang khuyến khích khách hàng tập thể dục tại nhà và đăng video hướng dẫn trực tuyến. “Nếu họ duy trì thói quen này, nó cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của chúng tôi sau khi đại dịch qua đi”.