Ông Nguyễn Quốc Thái cùng vợ niềm nở chào đón phóng viên của Zing.vn tại căn biệt thự mà ông xây ngay trên nền căn nhà cấp 4 cả gia đình ông từng sinh sống hơn 20 năm qua.
Gặp lại "tỷ phú Vietlott đầu tiên" đầu tiên sau hai năm, không khó để nhận ra ông đã lên cân nhiều, khác với vẻ ngoài khi nhận giải thưởng 92 tỷ đồng vào tháng 10/2016.
Sau khi gọi người giúp việc pha trà, ông kể về những thay đổi của gia đình từ ngày "lịch sử" 2 năm trước.
Không phải trúng số lớn rồi nghỉ làm
- Cuộc sống của ông và gia đình đã thay đổi ra sao khi nhận số tiền thưởng hơn 82 tỷ đồng giải thưởng sau thuế?
- Trước khi trúng số tôi cùng cả nhà làm nghề mổ heo bán ngoài chợ, nhiều khi làm suốt đêm tới 1-2h chiều mới về. Giờ tôi chỉ ở nhà chăm vườn cây, nuôi mấy con vật, hưởng tuổi già thôi. Cuộc sống thấy khỏe hơn nhiều.
Thời điểm nhận giải, tôi nặng có 68 kg, giờ lên 79 kg rồi. Các con tôi giờ cũng mở được cửa hàng bán hủ tiếu, nem nướng... Cuộc sống mà, tiền thì mình vẫn còn thôi nhưng vẫn phải làm ăn lao động hàng ngày.
Tôi vẫn luôn dặn các con nghề nghiệp của mình thì mình phải làm, chứ không phải trúng số lớn rồi mình không làm nữa. Tiền có bao nhiêu ăn xài cũng hết. Hồi đó đến giờ tôi và vợ nuôi con cực quen rồi nên các con vẫn tiếp tục làm những nghề gia truyền đó. Cực quen rồi, giờ ngồi không đâu có chịu được, phải ra vườn chăm cây, nuôi cá, nuôi heo.
- Ông đã sử dụng số tiền hơn 82 tỷ đồng đó thế nào?
- Thực ra 2-3 tháng đầu, tôi để hết trong ngân hàng, sau đó mới rút ra chia cho các con rồi mua nhà mua đất.
Tôi dành nhiều tiền mua một dải đất gần nhà rồi xây 20-30 phòng trọ cùng 2 căn nhà cho thuê. Nguyên cái dải đất kia là của nhà tôi hết đấy.
Từ căn nhà cấp 4, sau khi trúng số, hai vợ chồng ông Thái đã xây biệt thự 4 tỷ đồng và mua lại nhiều nhà đất xung quanh. Ảnh: Việt Tường, Ngô Minh. |
Tôi muốn mua đất xây nhà vì nếu gửi ngân hàng nhiều thì tới tháng cũng nhận lãi nhưng đồng tiền nó "chết". Mua đất rồi xây nhà trọ, cho thuê mặt bằng thì thu được tiền phòng, lớn thì 3 triệu đồng/tháng, ít thì 800.000 đồng/tháng, mà giờ bán đất đi vẫn có lời.
Tôi cũng xây cho mỗi đứa con một cái nhà lầu, giờ chúng ở riêng hết rồi.
Phần còn lại tôi đem gửi vào ngân hàng. Tổng thu nhập từ lãi ngân hàng và cho thuê nhà giờ khoảng 100 triệu đồng/tháng. Những chi phí như ăn tiêu, mua xe môtô, tôi chỉ cần dùng tiền lời hàng tháng.
Tôi chỉ sợ côn đồ ở xa tới
- Khi ông trúng thưởng, đã có rất nhiều người tới tận nhà để xin bố thí. Tình trạng đó kéo dài bao lâu?
- Kéo dài tới hơn 2 tháng đó. Khi đó tôi cho nhiều lắm, tổng cộng các nơi hơn 2 tỷ đồng. Mỗi hộ kéo tới tôi cho 500.000 đồng. Tôi còn làm từ thiện quanh đây và các huyện nghèo trong tỉnh, cứ huyện nào khó tôi lại cho.
- Đời sống của gia đình ông có bị ảnh hưởng lớn khi dòng người kéo tới như vậy?
- Không có gì nặng nề. Người ta cũng nghèo khổ thì tới xin tiền vậy thôi chứ dân ở đây lành lắm, tôi sống lâu ở đây tôi biết.
Mấy bữa đầu thì về nhà không được vì người ta kéo tới quá đông. Họ đứng kín từ chợ tới cửa nhà, xe không thể nào đi vào được. Lúc đó có tới 300-500 người kéo tới mỗi ngày nên chúng tôi phải nhờ công an giữ hộ nhà.
Thậm chí ngay sáng hôm sau khi biết tin chúng tôi trúng thưởng lớn họ đã kéo tới dù tôi còn chưa nhận tiền, cả nhà chắc chỉ có 100.000 đồng bỏ túi.
Thời điểm mới lĩnh giải tôi về đây thấy lộn xộn quá nên lên Lâm Đồng ở tạm. Tôi bảo mấy đứa nhỏ ở nhà cho tiền người ta rồi phải gần 1 tháng sau mới về nhà. Tới lúc tôi về cũng bình thường rồi, khi đó ngày chỉ có trên dưới chục người tới xin tiền, giảm nhiều so với trước. Tới bây giờ thì hết hẳn rồi.
Ông Thái cho hay phải đeo mặt nạ nhận giải để tránh các đối tượng xấu từ các tỉnh thành xa nhòm ngó. Ảnh: Ngô Minh. |
Tôi chỉ sợ đám côn đồ ở xa tới chứ ở đây tôi lo được, tôi là dân giết mổ heo thì cũng đâu có tầm thường. Tôi chỉ không dám ngủ nhà vì nhà cửa khi đó cũng không chắc chắn mà người ta tới đông quá.
- Rồi ông có bị côn đồ tới làm phiền?
- Cũng có những người hút chích kéo tới nhưng cũng không có vấn đề gì quá lớn, chỉ xin tiền tôi. Họ xin tử tế thì tôi vẫn cho.
Rồi cả nhóm trấn lột từ Cần Thơ qua xin tiền. Tôi cho vài trăm nghìn tới 2 triệu là họ chịu.
Người ta nói tôi được mướn 10 tỷ đồng để giả trúng số
- Năm 2016, cả gia đình ra sao khi biết tin mình trúng 92 tỷ đồng?
- Dò số qua điện thoại mình biết trúng, nhưng tôi vẫn thấy mọi chuyện mơ hồ, chưa thể tin được. Cả đêm không ai ngủ được vì chưa dám tin, cứ đi ra đi vào rồi tìm cách liên hệ đại lý xổ số để lĩnh giải.
Liên hệ được với công ty rồi nhận được tiền chúng tôi mới tin. Khi đó cả nhà 9-10 người đi xe 16 chỗ lên Vĩnh Long gặp đại lý xổ số. Đại diện đại lý xổ số hướng dẫn tiền thưởng sẽ chuyển về tài khoản rồi thuê cho tôi khách sạn cũng 'dữ' lắm, còn mời chúng tôi ăn uống.
Đời tôi cũng từng cầm 500-700 triệu hay bạc tỷ rồi nhưng 92 tỷ đồng thì thực sự lớn quá, lúc đầu cũng không quen. May là tôi gửi trong ngân hàng rồi từ từ có việc mới rút nên thấy cũng bình thường. Giờ một năm có việc rút 2-3 tỷ đồng thôi chứ không rút nhiều.
Nói chung, mọi chuyện đến cũng từ từ nên tôi cũng tiếp nhận được.
- Khi nghe ông trúng thưởng, hàng xóm của ông phản ứng thế nào?
- Cả Trà Vinh và Vĩnh Long này làm gì có ai là không biết, tại hồi đó tôi giao thiệp cũng rộng. Thời điểm mới trúng, có người xuống đây nói công ty mướn tôi giá 10 tỷ đồng để nhận là người trúng số.
Nhiều người còn nói trúng loại xổ số này làm sao mà lĩnh tiền được, họ bảo đây là xổ số ma. Đến lúc tôi lĩnh tiền mua gạo tặng cho họ mới tin.
Ông Thái và vợ tại căn biệt thự gia đình mới xây trên nền căn nhà cấp 4 cũ. Ảnh: Ngô Minh. |
- Vậy tại sao ông lại đeo mặt nạ khi nhận giải?
- Hồi đó mình cũng không muốn để những đối tượng xã hội đen như từ TP.HCM hay Vĩnh Long này nọ biết đến, chứ tên tôi với mặt tôi thì cả thành phố này ai chả biết.
- Ông có thể chia sẻ căn nhà gia đình đang ở xây dựng hết bao nhiêu chi phí?
- Toàn bộ xây dựng và đồ đạc tốn khoảng độ 4 tỷ đồng. Trúng số xong thì qua Tết năm đó nhà tôi xây.
- Ông và gia đình đã đi du lịch đâu chưa?
- Đi 3, 4 chỗ rồi, toàn đi nước ngoài. Đi Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc rồi Hàn Quốc mới về. Qua Tết này hai vợ chồng đang tính đi Mỹ.