Người trồng bưởi da xanh không hạt ở Bến Tre
Mạnh dạn trồng và nhân rộng bưởi da xanh, ông Nguyễn Văn Hồng Vân (45 tuổi), ngụ ấp 4, Bình Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre đã đạt được nhiều giải thưởng tại các hội thi trái cây.
Năm 1996, ông Vân ra Vũng Tàu chơi. Tại một quán ăn cũng khá lớn, vài du khách người Đức kêu 2 trái bưởi ăn tráng miệng và tấm tắc khen ngon. Ông tò mò hỏi thăm và được biết giá mỗi trái là 75.000 đồng. “Đây là bưởi da xanh ở Bến Tre, do người bà con của chủ quán trồng và gửi ra bán giùm”- cô phục vụ cho ông biết.
Ông Nguyễn Văn Hồng Vân “mặc áo” cho trái bưởi để ngừa sâu đục trái. |
Những phát hiện tình cờ
Ông tâm sự, phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần vì bản thân mình là người trồng bưởi, lại nghe nói 2 trái bưởi mà giá gần nửa chỉ vàng thì nếu không chứng kiến tận mắt chắc không tin nổi. Về đến nhà, ông quyết tâm trồng bằng được giống bưởi này.
Theo ông Vân, tỷ lệ bưởi có hạt trong vườn nhà mình chỉ khoảng 1/1.000 trái. |
Ông nhờ người quen “truy tìm” giống và hơn 1 năm sau mới mua được chục nhánh. “Lúc đầu, vợ tui phản đối dữ lắm. Bả cứ cằn nhằn là bưởi gì đắt dữ, có 10 cây mà tới 600.000 đồng. Ông mua cho cố đi rồi trồng không ra bưởi da xanh thì biết tay tui. Một người bạn tui còn nói: "Mày mà trồng giống bưởi này bán được tiền thì tao... đi đầu xuống đất”.
Phát hiện “kỳ lạ” của ông Vân về giống bưởi da xanh là vào năm 2006, khi cơn bão số 9 đổ vào Bến Tre. Ông kể: “Hồi đó tui đang đi đóng đáy ở Vàm Hồ, gần cống đập Ba Lai thì cơn bão ập vào nên phải trú lại ở đó.
Sau cơn bão, tui về nhà thì mọi thứ tan hoang, ngôi nhà kiên cố chỉ còn vài tấm tôn chỏng chơ. Ngoài vườn, gần 100 gốc bưởi da xanh trái rụng sạch. Tiếc của, tui gom lại, ai tới chơi thì xẻ ra ăn. Ai ăn bưởi cũng khen giống gì mà ngon quá. Rồi tui phát hiện bưởi của mình hoàn toàn không có hạt. Chắc cũng nhờ đó mà tui đi thi thường đoạt giải”.
Nhiều bí quyết
Nói về kinh nghiệm trồng và chăm sóc bưởi da xanh, ông Vân nhận định là không khó. Cái quan trọng nhất là thổ nhưỡng, rồi kế tiếp là phân bón. Ông cho biết, vườn bưởi nhà mình chỉ sử dụng phân bò và tro trấu: “Phân bò thì cả tỉnh ai cũng dùng rồi. Nhưng theo tui để trái bưởi ngon, ruột hồng có màu đậm hơn thì bà con nên dùng thêm tro trấu. Chắc do loại này có nhiều kali nên trái bưởi ngon hơn”. Hiện ông đang trồng khoảng 150 gốc bưởi trên diện tích gần 4 công đất (có xen dừa, chanh) và đang tiếp tục nhân rộng loại cây này. Năm vừa qua, mỗi tuần ông hái được khoảng 60kg bưởi và liên tục như vậy suốt cả năm. Tính ra, tổng thu nhập từ vườn bưởi cũng hơn 120 triệu đồng.
Từ năm 2007 đến nay, ông Vân đã nhận được gần 10 giải thưởng tại các hội thi trái cây ngon - an toàn tỉnh Bến Tre và hội thi trái cây ngon - an toàn tại TP.HCM. Ngoài ra, ông cũng nhận được bằng khen của Trung ương hội nông dân Việt Nam và nhiều giải thưởng, bằng khen tại các hội chợ của khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Ông Lê Thanh Hải - Chủ tịch hội nông dân xã Bình Hòa cho biết: “Nguyễn Văn Hồng Vân là một nông dân đầy sáng tạo. Việc liên tục đoạt được giải thưởng cao tại các hội thi trái cây ngon cấp tỉnh và khu vực của ông Vân đã góp phần quảng bá cho loại trái cây đặc sản Bến Tre này. Hội nông dân xã đang xúc tiến thành lập 3 tổ hợp tác trồng bưởi da xanh để bà con có “sân chơi” chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, rồi đầu ra cho sản phẩm cũng thuận lợi hơn. Hơn nữa, có tổ liên kết sản xuất hoạt động hiệu quả cũng là một tiêu chí nông thôn mới”.
Theo Dân Việt