Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Triều Tiên hoan hỉ, người HQ hoài nghi sau hội đàm liên Triều

Trong khi Triều Tiên coi chuyến viếng thăm của Tổng thống Moon Jae In là chiến thắng chính trị, người Hàn Quốc chia rẽ về cuộc hội đàm cùng lời hứa giảm căng thẳng của Bình Nhưỡng.

Người dân Triều Tiên đã bỏ lỡ nhiều hình ảnh đáng nhớ suốt 9 tháng qua. Đầu tiên là hình ảnh các lãnh đạo cấp cao đáp máy bay sang Hàn Quốc, đối thủ ý thức hệ trong hàng chục năm, tham dự Olympics PyeongChang.

Không lâu sau đó, nhà lãnh đạo tối cao của họ, ông Kim Jong Un, thân mật ôm lấy Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, tay trong tay bước qua đường biên giới. Và mới đây nhất, đó là hình ảnh ông Kim Jong Un song hành cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc hội đàm lịch sử ở Singapore.

Nhưng với cuộc hội đàm liên Triều tại Bình Nhưỡng lần này, mọi chuyện đã khác. Hôm 19/9, Đài truyền hình trung ương Triều Tiên KCTV đã phát sóng các hoạt động của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong chuyến thăm Bình Nhưỡng, dẫu chậm hơn 1 ngày so với phần còn lại của thế giới.

Người Triều Tiên tận hưởng chiến thắng

Chương trình truyền hình kéo dài 30 phút được KCTV phát sóng gửi đi thông điệp chính về tự hào dân tộc, thống nhất và công lao của nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã mở đường cho một giải pháp do "người Triều Tiên lãnh đạo" nhằm giải quyết bài toán nan giải: mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.

Toàn bộ chương trình không một lần nhắc tới Mỹ, Tổng thống Trump hay vấn đề phi hạt nhân hóa. Thay vào đó, nước Mỹ lại xuất hiện trên tờ Rodong Sinmun hôm 18/9 đúng ngày ông Moon hạ cánh xuống Bình Nhưỡng.

Bài bình luận trên tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, một lần nữa buộc tội chính quyền Mỹ "cứng đầu" và "hành xử như xã hội đen" đòi hỏi Triều Tiên đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân, và tuyên bố đó là nguyên nhân khiến các cuộc đối thoại Mỹ - Triều đổ vỡ.

hoi dam lien Trieu anh 1
Người dân thủ đô Bình Nhưỡng theo dõi thông tin về chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Ảnh: AP.

Tại Triều Tiên, tình hình các cuộc đối thoại với Washington không phải chủ đề người dân quan tâm, hoặc ít nhất thì đó không phải là chủ đề mà người dân có nghĩa vụ phải bận tâm tới. Dẫu chuyện gì đang xảy ra giữa ông Kim và ông Trump, hay giữa ông Kim với những người kế vị ông Trump trong tương lai, giây phút Tổng thống Moon Jae In đặt chân xuống Bình Nhưỡng vẫn là một chiến thắng và người Triều Tiên có quyền ăn mừng.

Chuyến viếng thăm của lãnh đạo Hàn Quốc diễn ra ngay sau lễ kỷ niệm hoành tráng 70 năm quốc khánh Triều Tiên. Sự có mặt của tổng thống miền Nam tại Bình Nhưỡng được xem như lời chúc mừng, một cử chỉ thể hiện sự tôn trọng dành cho miền Bắc. 

Khi những hình ảnh đầu tiên của ông Moon Jae In xuất hiện trên màn hình TV, người dân thủ đô Bình Nhưỡng dừng mọi hoạt động, họ chăm chú theo dõi lãnh đạo hai miền song hành, tận hưởng giây phút được miêu tả là chiến thắng về mặt chính trị cho Triều Tiên.

Thông điệp mà chính quyền Triều Tiên gửi đi rất rõ ràng: sự khôn ngoan của nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã mở ra con đường tới tương lai tươi sáng. Đối với phần lớn người Triều Tiên, đó dường như là suy nghĩ an ủi và đầy hy vọng.

Vài tuần gần đây, tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên xung quanh vấn đề giải trừ hạt nhân lâm vào bế tắc. Giới lãnh đạo Triều Tiên hiểu rõ đổ vỡ trong đối thoại với Washington sẽ mang lại hậu quả khó lường. 

Cuộc gặp với lãnh đạo Hàn Quốc, diễn ra ở một thời điểm không thể phù hợp hơn, giúp gửi đi thông điệp lớn khác tới Tổng thống Trump: các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên có thể tự đạt được các thỏa thuận, và ông Trump nên ngừng nghe theo lời cố vấn của giới diều hâu để đi theo con đường hòa giải mà lãnh đạo Hàn - Triều đang vạch ra.

Chia rẽ và hoài nghi từ Seoul

Đối với một số người, những gì đạt được trong hai ngày vừa qua tại Bình Nhưỡng là bước tiến lớn tới một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, ông Kim Jong Un và ông Moon Jae In xứng đáng giành giải Nobel Hòa bình cho bước tiến ấn tượng này.

"Tổng thống Moon đã đạt bước tiến lớn trong thúc đẩy quan hệ liên Triều thông qua hội nghị này", Lee Byong Chul, chuyên gia từ Viện Hòa bình và Hợp tác Seoul, đánh giá.

Tuy nhiên, nhiều người khác coi hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 trong năm 2018 chính là nấm mồ chôn của chiến dịch gây sức ép tối đa do Mỹ dẫn đầu, dựa trên ảo tưởng và sự lạc quan sai lầm về sự nồng ấm có thể chỉ là tạm thời giữa hai miền. 

hoi dam lien Trieu anh 2
Tổng thống Moon Jae In được chào đón nồng nhiệt tại Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP.

Một số người khác nhìn nhận kết quả đạt được hôm 19/9 chẳng qua chỉ là lời hứa suông khác của Bình Nhưỡng, chính quyền đã quá nhiều lần phủi đi những cam kết quốc tế về giảm căng thẳng và giải trừ hạt nhân.

"Dù có xem xét kỹ thế nào, tôi cũng không thấy bất cứ tiến triển gì trong tiến trình phi hạt nhân qua tuyên bố hôm nay", Cheon Seong Whun, chuyên gia từ Viện nghiên cứu chính sách Asan, nhận định.

Dẫu khác nhau về mặt quan điểm, phần đông người Hàn Quốc cảm thấy nhẹ nhõm, tuy rằng vẫn còn đó sự lo lắng, vốn là phản ứng thường trực trước mỗi sự kiện gắn liền với người láng giềng Triều Tiên. Điều này là dễ hiểu bởi chỉ 12 tháng trước, Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa đạn đạo và thử bom hạt nhân, đẩy bán đảo tới bờ vực chiến tranh.

Hàn Quốc là mảnh đất chia rẽ nặng nề về chính trị. Ở phía Nam vĩ tuyến 38, những người bảo thủ căm ghét Triều Tiên và quyết tâm theo đuổi con đường cứng rắn với làng giềng miền Bắc. Ngược lại, những người theo chủ nghĩa tự do muốn tái lập chính sách mềm dẻo để hướng tới đạt được hòa bình với Triều Tiên.

Đối với chính quyền Tổng thống Moon Jae In, một trong các ưu tiên lớn nhất là bảo vệ miền Nam trước mối đe dọa từ các loại vũ khí chính quy của miền Bắc. Bởi vậy, những thỏa thuận đạt được hôm 19/9 có thể coi là một chiến thắng, và bước tiếp theo cần thực hiện là hai bên cam kết thực thi những gì nay đã được soạn trên giấy trắng mực đen.

Lời giải cho quan hệ liên Triều?

Theo AP, những gì đã đạt được tại Bình Nhưỡng, từ việc phi vũ trang vùng biên giới, gỡ bỏ bom mìn, tới thiết lập vùng đệm tránh xung đột, đã tiến một bước đáng kể tới gần hơn mục tiêu của ông Moon nhằm bảo vệ an toàn cho 52 triệu dân Hàn Quốc.

"Miền Nam và miền Bắc hôm nay nhất trí loại bỏ mọi mối đe dọa có thể châm ngòi chiến tranh tại tất cả khu vực trên bán đảo Triều Tiên. Với việc biến bán đảo Triều Tiên thành không gian cho nền hòa bình lâu dài, chúng tôi sẽ có thể tái lập cuộc sống bình thường cho người dân", Tổng thống Moon Jae In tuyên bố tại Bình Nhưỡng, đứng cạnh ông là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

hoi dam lien Trieu anh 3
Tổng thống Moon Jae In và nhà lãnh đạo Kim Jong Un đạt được một số thỏa thuận giảm căng thẳng giữa hai miền hôm 19/9. Ảnh: Yonhap.

Trong khi vẫn có những lo sợ thường trực về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, người Hàn Quốc lo lắng nhiều hơn về những cuộc xung đột dọc biên giới nơi hàng triệu binh sĩ và thiết bị quân sự của cả hai bên hàng ngày hàng giờ đối đầu nhau. Chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể kích động một cuộc xung đột nóng và cái giá là sinh mạng của hàng trăm nghìn người vô tội.

Hai miền từng có những va chạm đẫm máu dọc biên giới trên biển. Năm 2010, một ngư lôi được cho là phóng từ tàu ngầm Triều Tiên đã đánh chìm tàu chiến Cheonan và khiến 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng. Chỉ vài tháng sau, Triều Tiên pháo kích dữ dội đảo Yeonpyeong khiến 4 công dân Hàn Quốc thiệt mạng.

Seoul từ lâu luôn cố gắng kiềm chế trước các hành động thù địch của Bình Nhưỡng để tránh các vụ việc lẻ tẻ leo thang thành xung đột quân sự. Tuy nhiên, khi sự thù địch tăng lên, nguy cơ hành động thiếu kiềm chế từ cả hai miền châm ngòi cho một cuộc chiến tranh là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Khoảng 25 triệu người sống tại thủ đô Seoul và các khu vực lân cận, chiếm gần 50% dân số Hàn Quốc. Khu vực này nằm trọn trong tầm đạn pháo bắn từ vùng núi phía Nam của Triều Tiên. Bất chấp việc Hàn Quốc trước đây luôn phớt lờ đe dọa của Triều Tiên biến Seoul thành biển lửa, miền Nam hiểu rõ Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể xóa sổ thủ đô trù phú của mình chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Lịch sử hiện đại của bán đảo Triều Tiên đã chứng kiến quá nhiều lời phát biểu hùng hồn đầy khoa trương những rồi tan đi trong gió sau những diễn biến khó lường của thời cuộc. Nhiều người Hàn Quốc không vội vàng tin ngay vào những tuyên bố của ông Moon Jae In, rằng mọi đe dọa kích động chiến tranh đã bị loại bỏ.

Tuy nhiên, nếu ông Moon và ông Kim có thể hiện thực hóa những gì họ đã thống nhất, bế tắc trong quan hệ liên Triều sẽ tìm thấy lời giải sau hàng chục năm đối đầu.

Phu nhân Hàn - Triều thân thiết khi cùng nghe hòa nhạc Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc và Triều Tiên cùng nhau thưởng thức buổi biểu diễn âm nhạc tại Học viện Kim Won Gyun và thăm bệnh viện nhi Okryu.

Ván bài mạo hiểm của Mỹ - Hàn với Triều Tiên chuyển biến tích cực

Tổng thống Trump và Tổng thống Moon dường như đang đặt cược niềm tin rằng ông Kim Jong Un là một nhà cải cách vì hòa bình trong lúc hội nghị liên Triều lần 3 khép lại.

Đệ nhất phu nhân Hàn - Triều thăm bệnh viện, trường học ở Bình Nhưỡng

Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc và Triều Tiên có các hoạt động chung như thăm bệnh viện và trường học nhằm phát triển quan hệ được xây dựng sau hội đàm hồi tháng 4 ở Bàn Môn Điếm.




Duy Anh

Theo AP

Bạn có thể quan tâm