Trong thời kỳ khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, vai trò của đội ngũ trí thức trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Xây dựng đội ngũ trí thức chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới cũng là một trong những mục tiêu được đặt ra.
Tiến sĩ Nguyễn Nam - giảng viên môn Việt Nam học tại Đại học Fulbright Việt Nam - trò chuyện với Tri thức về chủ đề này. Tiến sĩ Nguyễn Nam từng làm việc ở các trường đại học nổi tiếng trong và ngoài nước như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Harvard, Viện Harvard-Yenching, Đại học Hamburg…
Sẽ không có công dân toàn cầu nếu không có mỗi công dân quốc gia
- Theo ông, khái niệm đội ngũ trí thức nên được hiểu như thế nào?
- Nếu căn cứ theo trình độ học vấn thì đó là một tiêu chí, ví dụ có trình độ đại học trở lên chẳng hạn. Tuy nhiên, cũng có những người tự học. Họ không được đào tạo qua trường lớp, không có bằng cấp, nhưng trong một chừng mực nào đó, những kiến thức mà họ tự chuẩn bị cho mình cũng có một số giá trị nhất định.
Đội ngũ trí thức tinh hoa không phải tự nhiên mà có, nó phải được sản sinh, được tinh lọc ở trong cộng đồng trí thức. Trí thức tinh hoa bây giờ rất cần thiết, bởi họ đóng những vai trò quan trọng trong việc xây dựng một xã hội về mặt tư tưởng, văn hóa, khoa học. Thứ hai là góp phần vào việc hình thành những mô hình mới cho xã hội chứ không chỉ riêng về mặt tư tưởng thôi.
Khi nói đến đội ngũ trí thức quốc gia, ta còn nghĩ đến một điều kiện nữa, đó là tinh thần xã hội, tinh thần vì cộng đồng và trong trường hợp nào đó có thể nói là tinh thần yêu nước.
Hiện nay chúng ta nghe rất nhiều về công dân toàn cầu nhưng sẽ không bao giờ có công dân toàn cầu nếu không có mỗi công dân quốc gia. Bởi vì một người chỉ có thể mang lại những lợi ích cho toàn nhân loại trên cơ sở họ ý thức được lợi ích của cộng đồng gần gũi nhất với họ.
Là một người trí thức cộng đồng, họ biết mình cần phải làm gì cho cộng đồng của mình, cho xã hội của mình, cho đất nước của mình. Trên nền tảng đó, người trí thức có thể tránh được cái gọi là chủ nghĩa quốc gia hay chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
- Một trí thức thường có hiểu biết sâu rộng, vậy tri thức đó có thể đến từ đâu?
- Nó có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt trong bối cảnh mà chúng ta gọi là xã hội toàn cầu hóa. Trước tiên, chúng ta có thể nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong việc đào tạo, kết nối tri thức.
Tri thức có thể du hành qua không gian và thời gian. Tuy nhiên tri thức cũng rất trừu tượng cần các phương tiện để chuyên chở. Một trong những phương tiện đó chính là sách.
TS Nguyễn Nam
Còn một điều quan trọng không kém đó chính là sách. Sách mang nhiều vai trò khác nhau, có thể là tài liệu giảng dạy và học tập ở nhà trường hay phương tiện mà người học có thể tiếp cận ở ngoài nhà trường.
Và nếu nói về học suốt đời, đó là một quá trình liên tục mà sẽ không có một ngôi trường, lớp học vật lý nào cả. Người trí thức sẽ luôn đặt mình vào một môi trường giáo dục mà họ nhận biết được rằng họ đang cần những tri thức nào để có thể làm tốt hơn trong chuyên môn cũng như trong đời sống xã hội.
- Như vậy, ở một khía cạnh nào đó, có thể nói sách và đọc sách là đại diện cho một tinh thần tự học của một người?
- Người ta nói sách là một người bạn trung thành với mình. Nó luôn ở trong góc nhà, hay một góc thư viện nào đó chờ đợi, kiên nhẫn từ năm này qua năm khác đợi người đọc mở ra. Một mặt, có thể nói sách là một người bạn. Nhưng mặt khác ta có thể thấy sách mang kiến thức của nhiều lĩnh vực khác nhau.
Nhân đây, tôi muốn giới thiệu một khái niệm là Travelling Knowledge, nghĩa là tri thức có thể du hành qua không gian và thời gian. Tuy nhiên tri thức cũng rất trừu tượng và phải cần các phương tiện để chuyên chở. Một trong những phương tiện đó chính là sách.
Sau khi vượt qua những biên giới vật lý rồi, giống cây cối, tri thức được gieo vào một vùng đất khác và đồng thời tri thức cũng thay đổi để phù hợp với những điều kiện, môi trường mới.
Cần một tri thức mở để lắng nghe được nhiều hơn
- Còn tri thức khi đến với từng người sẽ như thế nào? Tri thức từ trong sách vở đến tư duy của mỗi người hẳn cũng sẽ khác nhau?
- Tri thức là khái niệm. Những khái niệm đó thường được kết nối và tích hợp vào nền tảng tri thức đã có. Tức là chúng ta không học trên cơ sở trống rỗng mà học một tri thức mới trên một nền tảng tri thức đã có.
Điều đầu tiên của người học là họ sẽ phải tìm ra những tri thức mới này sẽ khớp với tri thức của họ như thế nào. Đó là một quá trình tương tác mà hiện nay có những khái niệm gọi là learning - học, unlearning - tức phá vỡ những điều mà mình đã học và relearning - tức là học lại.
Điều quan trọng là người học phải tự biết mình đang cần gì và điều mình đang học có khớp với những gì mình đã học không, nếu không khớp thì phải nhận ra được vì sao nó không khớp. Phải chăng là vì những cái mà mình được trang bị đã trở nên lạc hậu và không tương xứng, không còn thích nghi được với những điều mà mình mới học. Đó là tinh thần học chủ động và phải biết mục đích mình học là để làm gì.
- Nói về câu chuyện đọc và học, được biết ông từng học tập và làm việc ở nhiều môi trường học thuật trên thế giới, ông có thể chia sẻ một chút về kinh nghiệm học tập của bản thân?
- Thật ra nó cũng tương tự những điều mà các bạn trẻ hiện nay đang trải qua. Ngày xưa tôi học ở trong nước thì được đào tạo theo cách rất truyền thống, từ phương pháp tư duy đến cách nhìn nhận vấn đề. Đến khi ra nước ngoài thì những vấn đề đó thay đổi và điều đầu tiên tôi cảm thấy là bị choáng.
Tình trạng sốc văn hóa cũng xảy ra trong môi trường học thuật. Nhưng sau khi bị choáng thì mình bình tĩnh lại và nghĩ rằng, chắc cũng giống các bạn vừa tốt nghiệp đại học rồi đi làm, các bạn cũng dễ bị sốc tương tự. Mình nhận ra có những độ vênh mà có khi mình điều hòa được, nhưng có khi mình phải thay đổi.
Người trí thức cần hiểu rằng cái gọi là tri thức của mình phải luôn được đổi mới, không thể xơ cứng mãi được. Đừng bao giờ cho rằng những nền tảng tri thức mà mình đã học là không thể thay đổi.
Việc có được một tri thức mở như vậy sẽ giúp mình lắng nghe được nhiều hơn, mở rộng tư duy của mình để tiếp nhận những cái mới, hình thành tư duy phản biện.
- So với nhiều phương tiện khác, theo ông sách có vai trò như thế nào trong việc học tập và trau dồi tri thức?
- Sách rất quan trọng khi mà chúng ta đang ở trong một thế giới tràn ngập thông tin. Ví dụ, chúng ta có thể tra cứu thông tin trên Google rất nhanh, các phương tiện đều làm được, nhưng để xây dựng một nền tảng tri thức thì nó đòi hỏi tính hệ thống.
Tri thức là phải mang tính hệ thống. Để viết được một cuốn sách, tác giả thường phải tư duy rất nhiều. Vì vậy đọc một quyển sách cũng là học được quá trình tư duy ấy. Những kiến thức nho nhỏ mà mình tìm ở trên mạng sẽ không thể nào thay thế được cho sách.
Sách rất quan trọng khi chúng ta đang ở trong một thế giới tràn ngập thông tin.
TS Nguyễn Nam
Điều thú vị là hiện nay sách đã vượt ra khỏi khuôn khổ truyền thống. Chính vì vậy, thời đại này không chỉ tràn ngập thông tin ở trên mạng mà cả việc xuất bản sách cũng nhiều chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Hơn nữa, sách điện tử (ebook) còn có khả năng đến với bạn đọc cực kì nhanh.
- Sách nhiều như vậy liệu có phải là một dấu hiệu cho thấy tri thức nhân loại đang được tăng lên?
- Đây là câu hỏi mà có lẽ tôi phải trả lời với một thái độ rất thận trọng. Vì đúng là nó có thể được nâng lên nhưng trong một trường hợp nào đó phải được xem xét rất kĩ lưỡng.
Trước hết, phải hiểu nó được nâng cao như thế nào, đây còn là câu chuyện về bản lĩnh của người sử dụng. Tri thức bây giờ thì nhiều và tràn ngập, nhưng phải chọn lọc để đọc được những tri thức lành mạnh, những tri thức tốt thay vì những tri thức độc hại hoặc là những tri thức mà bây giờ mình gọi là hàng giả.
Nếu mình không có bản lĩnh, không có sự hướng dẫn thì rất dễ tự đầu độc mình mà mình không biết. Đó lại là một câu chuyện khác nữa.
- Ông cảm thấy thế nào về các con số thống kê liên quan đến việc đọc sách ở nước ta hiện nay?
- Thoạt nhìn những thống kê hiện nay cho ta ấn tượng rằng văn hóa đọc của người Việt Nam mình không cao lắm.
Thật ra, phải thấy rằng bản thân sách đã thay đổi về hình thức, chẳng hạn có thêm ebook (sách điện tử) hay audiobook (sách nói).
Bây giờ người ta đọc sách khác xưa rồi, câu chuyện đọc một cuốn sách từ đầu tới cuối dường như bây giờ hơi khó. Ví dụ họ có thể chỉ đọc chương mình cần hoặc tìm đúng vấn đề đang vướng mắc thôi.
Do đó, nếu muốn tìm hiểu về văn hóa đọc thì điều đầu tiên phải biết đối tượng khảo sát của mình là ai. Thứ hai, phải đưa ra những tiêu chí trong đó có cả sách điện tử, sách nói. Sách nói gần đây phát triển rất nhiều và phù hợp với đời sống đương đại.
Nếu có thể tìm hiểu sâu và phát triển sách theo hướng này thì có lẽ Việt Nam mình cũng sẽ có những hướng phát huy, phát triển văn hóa đọc tích cực hơn và có một cái nhìn lạc quan hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!