Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Một số giải pháp xây dựng văn hóa đọc trong gia đình

Gia đình là tế bào của xã hội. Phát triển văn hóa đọc là một công cuộc lớn của quốc gia, cần phát triển từ bên trong mỗi gia đình.

nganh xuat ban anh 1

Bà Nguyễn Kim Thoa - CEO Tân Việt Books. Ảnh: NVCC.

Gần đây chúng ta thấy trên báo chí, truyền hình xuất hiện cảnh cha mẹ xô đẩy chen lấn đi xếp hàng nộp hồ sơ cho con học vào những trường mầm non, tiểu học, trung học,... Nhìn những cảnh đó, tôi thật sự thấy rất buồn. Vì sự thành công của con trẻ không chỉ nằm ở việc bắt buộc phải vào được trường nào, mà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố giáo dục từ nhà trường đến gia đình, xã hội, trong đó đặc biệt là vai trò giáo dục trong gia đình mà ở đó, hoạt động đọc và dạy cho trẻ biết đọc sách từ sớm là một việc vô cùng quan trọng, tác động đến sự phát triển và trưởng thành của trẻ trong tương lai.

Theo nghiên cứu của một số nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới như Glenn Doman, Montessori, Shichida..., tạo hóa rất công bằng khi con người sinh ra ai cũng có gần 14 tỷ tế bào não và khoảng 1,3 kg não bộ bằng nhau. Nhưng tại sao có những người rất xuất sắc và có những người lại rất bình thường. Sự khác biệt cơ bản đó nằm ở cách chúng ta tác động, kích thích bằng ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh... từ bên ngoài vào bên trong thông qua 5 giác quan.

Trong 5 giác quan đó, hoạt động đọc có liên quan trực tiếp tới 3 giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác) bởi khi đọc sách, mắt phải nhìn, tai phải nghe, tay phải cầm, nên hoạt động đọc sách cho trẻ và dạy trẻ đọc sách từ sớm không chỉ giúp con trẻ học được ngôn ngữ, âm thanh mà còn là cách để đánh thức các năng lực vượt trội nằm sâu trong bán cầu não phải của trẻ.

Các năng lực này chỉ hoạt động mạnh mẽ nhất trong giai đoạn từ 0-6 tuổi. Sau giai đoạn này, các năng lực vượt trội sẽ biến mất, chỉ còn lại các năng lực bình thường. Nếu con trẻ được khai mở các năng lực vượt trội thì việc trở nên xuất sắc trong tương lai sẽ rất dễ dàng và ngược lại.

Vì vậy, nếu các cha mẹ hiểu biết được quy luật hoạt động tự nhiên của bộ não trong giai đoạn này thì sẽ nhận thức được rằng hoạt động đọc vô cùng cần thiết và giá trị cho các con để đánh thức trí tuệ, làm nền tảng để phát triển tư duy của trẻ trong tương lai.

Để phát triển và xây dựng văn hóa đọc trong mỗi gia đình, điều trước tiên là chúng ta cần xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ từ tuổi ấu thơ. Bởi theo nghiên cứu của các nhà khoa học, đây là thời kỳ mà trẻ có thể phát triển ngôn ngữ nhất, cũng là thời điểm định hình các thói quen một cách thuận lợi và dễ dàng nhất. Do đó, các cha mẹ nên chủ động xây dựng để con có được thói quen đọc sách từ giai đoạn tuổi ấu thơ, để lớn lên con sẽ tự động có được thói quen đọc sách, luôn khát khao khám phá và tìm hiểu thế giới xung quanh.

Dân tộc Do Thái là một dân tộc điển hình trên thế giới, một dân tộc nhỏ bé nhưng vô cùng hùng cường và họ cũng là dân tộc duy nhất trên thế giới có 3 thủ tục, lễ nghĩa rất đặc biệt liên quan đến sách: Lễ hôn sách, lễ chôn sách và lễ để sách ở trong vườn mộ. Dân tộc Do Thái cũng là dân tộc có văn hóa truyền thống dạy con trẻ đọc sách từ rất sớm.

Gần đây nhất, ngài Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak (ngày 16/8/2022) đã đến Hà Nội và trong một cuộc phỏng vấn với báo Vietnamnet, ông đã nói rằng: “Tôi không tin có sự khác biệt nào giữa các dân tộc. Chất xám của người Việt và người Israel là như nhau... nhưng chúng tôi có một truyền thống văn hóa, giáo dục rất đặc biệt là dạy trẻ biết đọc và biết viết từ khi 3 tuổi chứ không phải đợi đến khi 6 tuổi. Và đây là một điều kiện bắt buộc”.

Vị doanh nhân người Nhật, cha đẻ của tập đoàn Sony nổi tiếng thế giới đã xuất bản cuốn sách: Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn, hay trên thế giới cũng có một loạt các đầu sách của các nhà khoa học, các giáo sư nổi tiếng như: Thiên tài và sự giáo dục từ sớm, Trẻ em là thiên tài, Dạy trẻ đọc sách sớm... đã minh chứng rất rõ cho lợi ích của việc giáo dục sớm ở trẻ.

nganh xuat ban anh 2

Bà Nguyễn Kim Thoa trình bày tham luận tại Đại hội Hội Xuất bản Việt Nam khóa V. Ảnh: Việt Linh.

Vì vậy, để xây dựng văn hóa đọc trong gia đình, chúng ta cần giải quyết nhiều vấn đề. Thứ nhất, cần thay đổi nhận thức của cha mẹ về sự cần thiết của việc đọc sách cho con và dạy con đọc sách từ sớm. Hiện nay, hầu hết cha mẹ còn chưa ý thức được điều này và cho rằng đọc sách là không cần thiết, không ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ.

Thứ hai, thay đổi nhận thức của các cha mẹ, gia đình là một việc lớn cần có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp bộ, ban, ngành trung ương. Cụ thể, cần tạo ra một chương trình lớn mang tầm quốc gia về hoạt động, cần phát động và hành động mỗi nhà một tủ sách, mỗi doanh nghiệp một tủ sách, để sách luôn hiện hữu trong mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp.

Thứ ba, các cơ quan, doanh nghiệp, các hội, đoàn thể... cần có các hoạt động đầu tư, ưu tiên cho hoạt động đọc, truyền bá và lan tỏa văn hóa đọc đến từng cán bộ trong cơ quan ban ngành của mình để văn hóa đọc thật sự thẩm thấu vào bên trong suy nghĩ của mỗi người, khi đó hành động đọc trong mỗi gia đình sẽ tự được hình thành và phát triển.

Gia đình là tế bào của xã hội. Phát triển văn hóa đọc là một công cuộc lớn của quốc gia. Cần phát triển từ bên trong mỗi gia đình để tạo nên những gốc rễ cần thiết cho sự trưởng thành và phát triển tương lai của đất nước.

Tham luận của bà Nguyễn Kim Thoa tại Đại hội Đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V diễn ra ngày 12/7. Đại hội có sự đồng hành của Ngân hàng HDBank, Zalo, Công ty Phát hành sách TP.HCM (FAHASA), Tập đoàn Sun Group.

Bài toán để xuất bản Việt Nam đổi mới, hội nhập và phát triển

Từ xu hướng xuất bản của thế giới đến bài toán để xuất bản Việt Nam đổi mới, hội nhập, phát triển và góc nhìn về trách nhiệm của Hội Xuất bản Việt Nam.

Ba trụ cột phát triển văn hóa đọc

Việc nâng cao sức đọc, phát triển văn hóa đọc của cộng đồng sẽ góp phần cho sự tăng trưởng cho ngành xuất bản của một quốc gia.

Nguyễn Kim Thoa, CEO Tân Việt Books.

Bạn có thể quan tâm