Theo SCMP, Viện CFA (CFA Institute) đã phối hợp với Tổ chức Giáo dục Nhà đầu tư (Finra) của Mỹ để khảo sát hơn 2.800 nhà đầu tư thuộc thế hệ gen Z, gen Y và gen X ở Trung Quốc, Anh và Canada.
Paul Andrews, Giám đốc điều hành nghiên cứu này nói rằng những người trẻ mới tham gia vào đầu tư đang định hình lại các hoạt động, sản phẩm và nền tảng của ngành.
"Các yếu tố kinh tế mang tính vĩ mô ở cấp độ xã hội như lạm phát gia tăng, độ phổ biến và khả năng tiếp cận của tiền điện tử cũng như sự ảnh hưởng của các Influencer (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội - PV) trên mạng xã hội đang tác động trực tiếp tới những gì gen Z đầu tư vào", ông nói thêm.
FOMO là yếu tố quyết định đầu tư sớm
Theo kết quả khảo sát, 2/3 nhà đầu tư gen Z ở Trung Quốc (độ tuổi 18-25) bắt đầu việc đầu tư từ trước năm 21 tuổi, và sử dụng trung bình 18.000 USD. Dù các nhà đầu tư gen Z ở Trung Quốc có số dư đầu tư trung bình lớn nhất (so cùng thế hệ tại Mỹ, Anh và Canada), mức đầu tư này vẫn thấp hơn ở Mỹ (tính trung bình), quốc gia có khoảng 82% nhà đầu tư bắt đầu từ trước khi bước sang tuổi 21.
FOMO - Fear of Missing Out - hội chứng sợ bỏ lỡ là yếu tố quyết định, thôi thúc gen Z tại Trung Quốc bước vào con đường đầu tư sớm, chiếm tỷ lệ tới 60%. Tỷ lệ này ở Anh là 43% và ở Mỹ cũng như Canada là 41%.
Hầu hết thế hệ gen Z ở Trung Quốc đang chọn đầu tư vào các quỹ tương hỗ, với 41% vào các sản phẩm quản lý tài sản do các ngân hàng thương mại phát hành và khoảng 1/3 vào cổ phiếu.
Hầu hết gen Z ở Trung Quốc đang đầu tư vào các quỹ tương hỗ, với 41% vào các sản phẩm quản lý tài sản do các ngân hàng thương mại phát hành và khoảng 1/3 vào cổ phiếu. Ảnh: Getty Images. |
Hỗ trợ lớn từ phụ huynh
Hơn 60% nhà đầu tư gen Z của Trung Quốc hiện có bố mẹ đã đầu tư và có thể nói chuyện, chia sẻ cũng như đưa ra lời khuyên cho họ.
Shailene (23 tuổi) hiện là Giám đốc phát triển mảng kinh doanh một công ty ở Thượng Hải, đã bắt đầu đầu tư cách đây 2 năm và dành 60% tiền lương hàng tháng để gửi vào các quỹ tương hỗ.
“Chuyên ngành đại học của tôi là tài chính và tôi cũng tham gia thêm khoá học liên quan tới cách kiếm tiền từ đầu tư”. Wei - có bố cũng là một nhà đầu tư chứng khoán dày dạn kinh nghiệm - nói thêm: “Tôi hiện chọn đầu tư vào những quỹ cảm thấy an toàn vì không muốn bận tâm quá nhiều đến nó".
Maggie Wu, một sinh viên 25 tuổi vừa tốt nghiệp tại Bắc Kinh, đang có gần 3.000 USD đầu tư vào quỹ cổ phiếu và trái phiếu. Maggie đầu tư cách đây 3 năm với số tiền tiết kiệm mà cô không dùng đến. Tiền và lời khuyên Wu đều nhận được từ bố mẹ.
“Bố tôi làm việc tại ngân hàng, vì vậy tất cả lời khuyên đầu tư tôi đều nhận từ ông ấy", Wu nói.
Ellen Wang (23 tuổi) - một nhà phân tích tài chính đến từ Thượng Hải - cũng cho biết đã đầu tư vào thị trường chứng khoán và các quỹ từ năm 20 tuổi. Wang có hơn 4.000 USD giá trị danh mục đầu tư, trong đó hơn 1.000 USD là tiền của bố mẹ.
“Tôi đã tham gia một khoá học liên quan tới đầu tư ở trường đại học. Bố và bạn trai tôi cũng thường giao dịch cổ phiếu và chúng tôi thảo luận thông tin đầu tư với nhau". Wang cho biết thêm cô cũng lấy thông tin đầu tư từ các báo cáo nghiên cứu được tìm thấy trên Internet.
Nghiên cứu của Viện CFA và Finra cũng cho thấy gen Z ở Trung Quốc hầu hết lấy thông tin đầu tư từ các nền tảng mạng xã hội lớn như Weibo, Wechat, Douyin hoặc TikTok.
Gerri Walsh - Chủ tịch của Finra - chia sẻ: “Số lượng gen Z tham gia đầu tư rất đa dạng và họ có những hiểu biết nhất định về kỹ thuật số. Những người trẻ này đang sử dụng công nghệ để thâm nhập sâu hơn vào thị trường tài chính. Việc tiếp cận cũng đa chiều hơn khi biết cách tham khảo ở nhiều nguồn thông tin khác nhau”.
Gen Z ở Trung Quốc thường tham gia đầu tư tài chính trước năm 21 tuổi. Ảnh: Getty Images. |
Đầu tư chỉ để có tiền đi du lịch
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng mục tiêu tài chính hàng đầu của các nhà đầu tư gen Z ở Trung Quốc là có tiền đi du lịch. Trong khi đó, hơn một nửa số nhà đầu tư cùng thế hệ tại Canada cho biết mục tiêu tài chính hàng đầu của họ là thanh toán hoá đơn hàng tháng. Với nhà đầu tư gen Z của Anh, có 48% đặt mục tiêu đầu tư là để có tiền mua nhà.
Dù tiền điện tử là tài sản được lựa chọn đầu tư hàng đầu với các nhà đầu tư gen Z tại Mỹ, Anh và Canada, kênh đầu tư này lại không được nhà đầu tư gen Z ở Trung Quốc lựa chọn phổ biến, do môi trường pháp lý với loại tài sản này vẫn còn khá nghiêm ngặt.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...