Tháng 4/2021, chi nhánh nhượng quyền đầu tiên của chuỗi chăm sóc mẹ và bé Care With Love khai trương ở quận 7, TP.HCM. Anh Nguyễn Duy Tiến Trung, chủ cơ sở này, cho biết số vốn ban đầu hơn 1 tỷ đồng, bao gồm phí nhượng quyền, phí đào tạo, đầu tư trang thiết bị, nguyên vật liệu cũng như dự trù cho hai tháng kinh doanh đầu tiên.
Đặt cơ sở ngay tại khu Phú Mỹ Hưng, anh cũng chấp nhận chi phí mặt bằng cao hơn bình quân thị trường và các chi nhánh khác của thương hiệu. Do đó, anh buộc phải tiết kiệm các chi phí khác, đặc biệt là chi phí nhân sự - vốn chiếm tỷ trọng cao nhất - bằng cách cùng vợ tham gia vào các khâu vận hành, marketing...
“Đứng trên vai người khổng lồ”
Dù vậy, anh cho biết từ khi vận hành đến nay, mỗi tháng anh đều lãi khoảng 20%, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất. Nếu tính thêm khấu hao vốn đầu tư ban đầu, lợi nhuận vẫn dao động ở mức 5%/tháng.
Anh cho rằng thị trường chưa có quá nhiều thương hiệu trong khi nhu cầu lớn đã hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của cơ sở. Trước đó, anh mất hơn một năm để tìm hiểu và cân nhắc trước khi quyết định xuống tiền.
“Đến nay, bản thân chi nhánh của tôi đã chuẩn hóa được quy trình làm việc với thương hiệu, phía thương hiệu cũng đã chuẩn hóa được nguyên liệu. Tôi đang nghiên cứu thêm thị trường Bình Dương để mở chi nhánh tiếp theo”, anh Trung tiết lộ.
Nhà đầu tư tìm hiểu về mô hình nhượng quyền tại một sự kiện ở TP.HCM cuối tháng 5. Ảnh: M.T. |
Trong khi đó, anh Nguyễn Thành Nam, một đối tác nhượng quyền 3 cửa hàng của chuỗi Phúc Tea cũng đang ấp ủ kế hoạch mở rộng. Anh cho biết cửa hàng đầu tiên ở Long An được xây dựng bằng tất cả vốn liếng anh gom góp được từ lúc tốt nghiệp đại học.
Sau hơn 6 tháng thu hồi được vốn, anh tiếp tục mở chi nhánh thứ hai theo mô hình takeaway, và đến đầu tháng 5 năm nay là một cửa hàng khác ở Tiền Giang. Các quán tiêu chuẩn có chi phí đầu tư khoảng 600-800 triệu đồng, còn mô hình takeaway gần 400 triệu đồng.
“Em trai tôi hỗ trợ vận hành các cửa hàng, tôi chủ yếu chỉ quản lý từ xa, mỗi ngày dành khoảng 2-3 tiếng để kiểm tra sổ sách, hàng hóa. Nếu tình hình thuận lợi, khi nào cả 3 quán đều hoàn vốn thì tôi sẽ mở tiếp. Hiện tại, lợi nhuận hàng tháng khoảng 20-25% tùy chi nhánh”, anh Nam chia sẻ.
Thực tế, anh cũng đang xây dựng một thương hiệu F&B khác của riêng mình là chuỗi gà rán Hàn Quốc YoYo. So sánh giữa việc tự làm thương hiệu và mua nhượng quyền, anh cho hay lợi nhuận không chênh lệch là bao.
“Chi phí đầu vào đều chiếm khoảng 30-40% giá thành sản phẩm, tuy nhiên bán thức uống sẽ đơn giản hơn, không tốn kém quỹ lương lớn như quán ăn. Mặt khác, với thương hiệu của mình, mỗi ngày tôi làm 9-10 tiếng cũng chưa hết việc, còn nhượng quyền thì quy trình vận hành đã có sẵn, mọi thứ nhẹ nhàng hơn, bù lại tôi phải trả phí nhượng quyền. Suy đi tính lại thì lời lãi tương đương”, anh nói.
Hiện tại, anh cũng đang xây dựng mô hình và chuẩn bị giấy tờ pháp lý để bán nhượng quyền thương hiệu YoYo. Anh cho hay mọi thứ đã cơ bản hoàn thiện, dự kiến trong năm nay hoặc đầu năm sau có thể triển khai.
Cơ hội không dành cho tất cả
Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nhượng quyền nào cũng thành công. Cách đây hơn một năm, anh V.T. (30 tuổi, TP.HCM) quyết định nhượng lại nhà hàng đầu tư theo hình thức nhượng quyền của mình. Nhớ lại thời điểm đó, anh nhận thấy bản thân may mắn khi vẫn có thể thu hồi 80% số vốn đã bỏ ra.
“Nhà hàng vẫn kinh doanh ổn định, tuy lãi không cao nhưng tôi chấp nhận vì thị trường còn nhiều khó khăn. Lý do thực sự khiến tôi thoái vốn là vì không còn vui vẻ hợp tác được nữa, nhiều thỏa thuận trước đây không còn được đảm bảo, mỗi lần trao đổi là một cuộc cãi vã”, anh chia sẻ.
Không nên chỉ nhìn vào những trường hợp nhận nhượng quyền thành công mà vội vã "xuống tiền". Mô hình này không dành cho tất cả, có những người tham gia đã lỗ nặng.
Bà Nguyễn Phi Vân, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Go Global Holdings
Theo chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Go Global Holdings, thực tế nhiều chủ thương hiệu vẫn chưa hiểu đúng về nhượng quyền, nền tảng chưa chuyên nghiệp, các hình thức nhượng quyền chưa hợp lý và hiểu biết pháp lý chưa đầy đủ.
Kết quả là đã xảy ra những mâu thuẫn và tranh chấp đáng tiếc trong thời gian qua, làm nhiễu loạn thị trường.
Từ phía nhà đầu tư, sự thiếu hiểu biết đúng đắn và đầy đủ về nhượng quyền cũng dẫn đến các lựa chọn chưa tối ưu, không mang đến hiệu quả, thành công như kỳ vọng.
Do đó, nhà đầu tư không nên chỉ nhìn vào những trường hợp nhận nhượng quyền thành công mà vội vã "xuống tiền". Bà nhấn mạnh mô hình này không dành cho tất cả, có những người tham gia đã lỗ nặng.
Bà Nguyễn Phi Vân cho rằng các mô hình nhượng quyền chưa được hiểu đúng, hiểu đủ và ứng dụng một cách chuyên nghiệp ở Việt Nam. Ảnh: M.T. |
Để tránh sai lầm, bà khuyến nghị người tham gia trên hết phải biết mình muốn gì để chọn cách đầu tư phù hợp với khả năng và cam kết của bản thân.
Nếu có tinh thần doanh nhân, chấp nhận rủi ro và sẵn sàng dành nhiều thời gian, công sức, nhà đầu tư có thể mua nhượng quyền và tự vận hành cơ sở. Còn nếu chỉ muốn đầu tư và hưởng thu nhập thụ động, có thể lựa chọn hình thức đầu tư tài chính, thuê thương hiệu vận hành hộ.
Mặt khác, mỗi người phải xác định rõ khẩu vị đầu tư để lựa chọn thương hiệu phù hợp. Nếu không thích rủi ro, nhà đầu tư nên chọn thương hiệu có chiều dài lịch sử lâu đời, còn nếu thích mạo hiểm và sáng tạo thì có thể chọn thương hiệu trẻ.
Đổi lại, thương hiệu đã có chỗ đứng thì chi phí nhượng quyền cao và khó đàm phán, còn thương hiệu trẻ sẽ dễ có những thỏa thuận có lợi hơn với chi phí đầu tư thấp hơn.
Tuy nhiên, dù lựa chọn hình thức nào, thương hiệu nào, nhà đầu tư cũng cần tận dụng nguồn lực và sự hỗ trợ của doanh nghiệp nhượng quyền, từ các vấn đề về nhân sự, vận hành đến marketing...
“Hãy làm bạn với các nhà sáng lập thương hiệu và đội ngũ của họ để tận dụng hết mức có thể các nguồn lực của họ, thay vì tập trung vào việc đàm phán phí nhượng quyền như cách hiểu sai phổ biến hiện nay”, bà Nguyễn Phi Vân nhấn mạnh.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...